Dòng người xếp hàng dài mua táo |
Hai ngày nay khu phố Trần Quý Cáp gần ga Hà Nội bỗng náo nhiệt khác thường, từ 7h sáng đã thấy dòng người lặng lẽ đứng xếp hàng. Bác Hoàng An, nhà phố Tôn Đức Thắng khoe, hôm trước tình cờ đi ngang qua đây thấy đoàn người xếp hàng dài tại cửa hàng Sarimi nên cũng tranh thủ ghé xếp hàng vì hiếu kỳ để mua 20 quả táo Envy được quảng cáo là Euro size size vừa) với giá 10.000 một quả. Loại táo này được cửa hàng Sarimi giới thiệu là chất lượng cũng như cách bán hàng dành cho các siêu thị ở Châu Âu mà không bán theo kg như thị trường châu Á.
“Quả thực là rất ngon khi cả nhà thưởng thức tối qua .Hôm nay tôi rủ thêm hai cô cháu qua xếp hàng cùng, vì quy định một người một ngày chỉ được mua tối đa 20 quả”, bác An nói.
Nhân viên bận rộn giao hàng cho khách |
Theo chị Giang Hương Ly, phụ trách cửa hàng, thì Sarimi là dự án xã hội phi lợi nhuận của Công ty TNHH Sarimi Vietnam nhằm giúp đỡ người khuyết tật đóng gói, sơ chế trái cây nhằm tạo công ăn việc làm và đưa họ hoà nhập cộng đồng. Tuy cửa hàng mới ra mắt được một tuần nhưng đã được sự đón tiếp nồng nhiệt của khách hàng. Do các sản phẩm trái cây của cửa hàng dưới bàn tay tinh tế và nghị lực của các thành viên khuyết tật của cửa hàng chăm chút, cùng với giá thành rẻ hơn mặt bằng của thị trường khoảng 20%, nên nhận được sự chào đón nồng nhiệt của người dân. Chị Hương Ly cho biết, sở dĩ giá trái cây rẻ là do dự án nhận được sự hỗ trợ tài chính của công ty mẹ, phi lợi nhuận và mang tính chia sẻ cộng đồng.
Hoà cùng dòng người đứng xếp hàng trải nghiệm mua táo 10.000 đồng một quả, giữa cái bộn bề ngày Tết khi mà từng phút trôi qua quý như vàng, một khách hàng cho biết, việc “lãng phí” thời gian để xếp hàng chờ mua táo Envy không chỉ vì giá rẻ, mà là sứ mệnh chia sẻ cộng đồng, gắn kết yêu thương. Đây cũng là hành động thiết thực để giúp người khuyết tật có thêm một cái Tết đầm ấm.
Người khuyết tật đóng gói sản phẩm |
Được biết, chuỗi cửa hàng Sarimi sẽ được nhân rộng gần 20 cơ sở trong năm 2018 trên địa bàn Hà Nội, với số lượng khoảng 30-40% nhân viên là người khuyết tật.