| Hotline: 0983.970.780

Thái Bình cần làm rõ khu vực đề xuất lấn biển

Thứ Hai 21/08/2023 , 16:04 (GMT+7)

Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng - Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch đề nghị tỉnh Thái Bình làm rõ khu vực đề xuất lấn biển trong bản Quy hoạch.

Mục tiêu tăng trưởng kinh tế 13,4%/năm

Tại Hội nghị Thẩm định quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được tổ chức, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư, ông Nguyễn Chí Dũng - Chủ tịch Hội đồng thẩm định yêu cầu, bản quy hoạch của tỉnh Thái Bình cần nêu bật được các động lực phát triển mới, không gian phát triển mới để đưa tỉnh Thái Bình phát triển bứt phá.

Trong bản Quy hoạch xin ý kiến Bộ Kế hoạch Đầu tư, UBND tỉnh Thái Bình cho biết địa phương còn nhiều điểm nghẽn trong quá trình phát triển.

Hội nghị Thẩm định quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030. Ảnh: Đức Trung.

Hội nghị Thẩm định quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030. Ảnh: Đức Trung.

Cụ thể: Thái Bình nằm trong vùng Duyên hải Bắc Bộ. Mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong 10 năm qua, nhưng sự phát triển kinh tế - xã hội  vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Các hạn chế trong quá trình phát triển được chỉ ra là cơ chế, chính sách chậm đổi mới so với yêu cầu phát triển mới; nhất là các chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho các ngành, lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ còn rất hạn chế so với các lĩnh vực nông nghiệp, trong khi đóng góp vào tăng trưởng kinh tế chung của ngành nông nghiệp ngày càng giảm dần.

Bài liên quan

Quy mô kinh tế còn nhỏ, trình độ phát triển chưa cao, năng lực cạnh tranh thấp, tăng trưởng kinh tế còn dựa chủ yếu vào các ngành thâm dụng vốn và lao động; chưa có các ngành sản xuất chủ lực, đầu tầu dẫn dắt. Hiệu quả trong phát triển kinh tế nông nghiệp, thủy sản còn thấp; đóng góp của khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản vào tăng trưởng chung còn rất thấp so với quy mô…

Kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản không cải thiện, trong khi tỉnh có cơ cấu nông nghiệp lớn; tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong cơ cấu kinh tế còn cao, nhất là so với các tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng sông Hồng. GRDP bình quân đầu người của tỉnh Thái Bình còn chưa đạt trung bình cả nước, tốc độ bắt kịp có dấu hiệu chững lại trong các năm gần đây.

Thái Bình trình bày 3 kịch bản và luận chứng phát triển: (1) phát triển nhanh và bền vững, và theo trọng tâm với tốc độ tăng trưởng hàng năm giai đoạn 2021-2030 đạt 13,0%; (2) tăng trưởng vừa phải với tốc độ tăng trưởng hàng năm giai đoạn 2021-2030 đạt 12,2%; (3) tăng trưởng cao và phát triển đột phá với tốc độ tăng trưởng hàng năm giai đoạn 2021-2030 đạt 13,4%. Thái Bình lựa chọn kịch bản tăng trưởng số 3 và đặt mục tiêu phấn đấu.

Về ba kịch bản phát triển, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần có luận chứng, luận cứ rõ hơn. Bộ trưởng cũng yêu cầu tỉnh Thái Bình làm rõ khu vực đề xuất lấn biển: đây là xu thế, yêu cầu, nhưng làm sao đưa ra được diện tích đề xuất khả thi, đảm bảo không ảnh hưởng môi trường; cần đánh giá tác động để tìm ra phương án phù hợp. Ngoài ra, cũng cần lưu ý đánh giá tác động đầu tư phát triển dự án điện gió ngoài khơi, hoạt động lấn biển; xem xét kỹ lưỡng việc khai thác cát.

Thái Bình quy hoạch mở rộng không gian phát triển về phía biển

Báo cáo tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận cho biết, Quy hoạch tỉnh Thái Bình được xây dựng với mục tiêu phấn đấu cao trên tinh thần quyết tâm và khát vọng vươn lên để sánh ngang với các tỉnh trong khu vực.

Trong bản Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, Thái Bình mở rộng không gian phát triển về phía biển. Ảnh: Kiên Trung.

Trong bản Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, Thái Bình mở rộng không gian phát triển về phía biển. Ảnh: Kiên Trung.

Để đạt mục tiêu đã đề ra, tỉnh Thái Bình xác định 3 khâu đột phá - 4 trụ cột tăng trưởng - 5 nền tảng - 6 quan điểm phát triển và 7 nhóm giải pháp tổ chức thực hiện. Trong đó, có những định hướng mới mang tính chiến lược và đột phá như: Xây dựng khu công nghiệp chuyên dược; xây dựng cảng biển; phát triển năng lượng (điện khí, điện gió); phát triển các ngành dịch vụ mới, chất lượng cao (dịch vụ giải trí, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, golf…) và chuẩn bị các hệ điều kiện để thực hiện phương án lấn biển, mở rộng không gian phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Theo Chủ tịch tỉnh Thái Bình, địa phương có nhiều dư địa để khai thác trong vai trò là một trung tâm mới thu hút các hoạt động công nghiệp, dịch vụ mới, hỗ trợ và kết nối các hoạt động chung của toàn vùng hướng mạnh vào các hoạt động kinh tế biển.

Thái Bình cũng cập nhật, bổ sung vào Quy hoạch tỉnh một số nội dung, định hướng mới nhằm nâng cao chất lượng và bảo đảm cho Quy hoạch tỉnh Thái Bình có tầm nhìn chiến lược, phù hợp với yêu cầu phát triển trước mắt, cũng như lâu dài và phù hợp với văn bản chỉ đạo mới của Trung ương và tình hình thực tế của địa phương.

Thái Bình vừa điều chuyển diện tích rừng đặc dụng tại 3 xã của huyện Tiền Hải. Ảnh: Kiên Trung.

Thái Bình vừa điều chuyển diện tích rừng đặc dụng tại 3 xã của huyện Tiền Hải. Ảnh: Kiên Trung.

Lãnh đạo tỉnh Thái Bình cho biết, là địa phương “đất chật, người đông”, quy mô diện tích khá nhỏ (chiếm 0,48% diện tích cả nước), xếp thứ 54/63 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên về dân số, Thái Bình xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố; chiếm 1,9% dân số cả nước và có mật độ dân số gấp 4 lần trung bình cả nước.

Vì vậy, mở ra không gian phát triển mới cho tỉnh Thái Bình thông qua hoạt động “lấn biển” là giải pháp được đơn vị tư vấn đưa ra trong dự thảo Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hiện tại tỉnh Thái Bình có khoảng 16.637 ha đất mặt nước ven biển. Với đặc điểm địa hình, địa chất vùng ven biển Thái Bình, phần diện tích này rất thuận lợi để có thể khai thác lấn biển, mở rộng không gian phát triển thực hiện các dự án đô thị, du lịch, thương mại, công nghiệp.

Dự kiến trong thời kỳ quy hoạch 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ khai thác đưa 2.550 ha đất mặt nước ven biển vào sử dụng cho mục đích xây dựng các dự án trong khu kinh tế biển Thái Bình: Khu công nghiệp Thái Thượng, Khu công nghiệp Hoàng Long; Khu du lịch Cồn Đen, Khu du lịch sinh thái Cồn Vành - Cồn Thủ...

Nuôi trồng thủy sản tại huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Ảnh: Kiên Trung.

Nuôi trồng thủy sản tại huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Ảnh: Kiên Trung.

Dự thảo Quy hoạch đề ra mục tiêu khu vực công nghiệp hoàn thành chuyển dịch từ mô hình dựa chủ yếu vào các ngành thâm dụng lao động sang các ngành có hàm lượng khoa học, công nghệ cao. Khu kinh tế ven biển Thái Bình trở thành một trung tâm công nghiệp của vùng với hệ thống khu, cụm công nghiệp được đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh và thu hút được một số nhà đầu tư công nghiệp lớn của thế giới.

Quy hoạch cũng lưu ý vấn đề môi trường, khi đề ra chỉ tiêu các khu công nghiệp, đô thị phát triển theo hướng sinh thái, xanh, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Hội đồng thẩm định đề nghị tỉnh Thái Bình sớm chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện hồ sơ quy hoạch để trình Thủ tướng Chính phủ.

Để sớm hoàn thiện dự thảo Quy hoạch, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan lập quy hoạch nghiên cứu tiếp thu các ý kiến của các chuyên gia, Hội đồng thẩm định để Thái Bình có bước phát triển nhanh và bền vững hơn trong thời gian tới.

Các thành viên Hội đồng thẩm định đã bỏ phiếu thống nhất thông qua Quy hoạch tỉnh Thái Bình với 2/30 phiếu không phải chỉnh sửa, bổ sung; 28/30 phiếu phải chỉnh sửa, bổ sung; thông qua báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của Quy hoạch tỉnh Thái Bình với số phiếu 30/30 phải chỉnh sửa, bổ sung và thông qua dự thảo báo cáo thẩm định Quy hoạch tỉnh với số phiếu 14/30 phiếu không phải chỉnh sửa, bổ sung, 16/30 phiếu phải chỉnh sửa, bổ sung. 

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.