| Hotline: 0983.970.780

Thái Lan và Việt Nam cần đoàn kết kiểm soát mặt hàng gạo

Chủ Nhật 29/05/2022 , 09:39 (GMT+7)

Thái Lan và Việt Nam nên tăng giá gạo nhằm đem lại lợi ích cho hàng triệu nông dân đã phải vật lộn với chi phí tăng cao, trong khi giá vẫn ở mức thấp.

Nhân công sản xuất lúa gạo ở Thái Lan. Ảnh: Bloomberg

Nhân công sản xuất lúa gạo ở Thái Lan. Ảnh: Bloomberg

Người phát ngôn của Thủ tướng Thái Lan Thanakorn Wangboonkongchana cho rằng, một động thái như vậy vào thời điểm này sẽ thúc đẩy tính cạnh tranh của mặt hàng gạo trên thị trường toàn cầu.

Theo phát ngôn viên của Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha, sự hợp tác giữa Thái Lan và Việt Nam trong lĩnh vực thương mại gạo sẽ mang lại lợi ích cho hàng triệu nông dân trồng lúa ở hai quốc gia, những người đang phải vật lộn với chi phí vật tư đầu vào sản xuất gia tăng, trong khi giá gạo vẫn ở mức thấp.

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng cho hay, vào giữa tuần này Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam Trần Thanh Nam đã có cuộc gặp gỡ với các quan chức Thái Lan để thảo luận về một khuôn khổ hợp tác song phương.

Động thái hợp tác giữa hai nhà xuất khẩu gạo lớn hàng đầu thế giới được công khai trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ lương thực và lạm phát đang gia tăng trên khắp các nền kinh tế. Đặc biệt là sau khi xuất hiện những lo ngại rằng Ấn Độ- quốc gia xuất khẩu gạo số một thế giới có thể sẽ hạn chế xuất khẩu gạo sau những động thái tương tự đối với lúa mì và đường, có thể làm lung lay và suy yếu thị trường lương thực toàn cầu vốn đã bị chao đảo bởi cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

Giới thạo tin cho biết, tính đến thời điểm này Thái Lan vẫn chưa hề có ý định sẽ hạn chế xuất khẩu các lô hàng gạo, họ muốn chớp lấy cơ hội này khi các nước phụ thuộc vào nguồn lương thực nhập khẩu tìm cách tăng cường nguồn dự trữ.

Theo các nhà phân tích, hiện gạo là loại ngũ cốc quan trọng duy nhất giúp giữ cho cuộc khủng hoảng lương thực thế giới không trở nên tồi tệ hơn.

Không giống như lúa mì và ngô, vốn đã chứng kiến ​​giá cả tăng chóng mặt do cuộc chiến ở Ukraine làm gián đoạn nguồn cung từ các nền kinh tế lớn, giá gạo vẫn ổn định, thậm chí giảm do sản lượng dồi dào và các kho dự trữ tương đối tốt.

Sản lượng gạo thành phẩm của Thái Lan trong bốn năm vừa qua (đon vị: triệu tấn). Đồ họa: TREA

Sản lượng gạo thành phẩm của Thái Lan trong bốn năm vừa qua (đon vị: triệu tấn). Đồ họa: TREA

Jeremy Zwinger, giám đốc điều hành của mạng lưới kinh doanh lúa gạo The Rice Trader, đồng thời là một nhà nghiên cứu cho biết, giá gạo sẽ tiếp tục giảm do nguồn cung dồi dào, trong khi thế giới sẽ thu hoạch vụ mùa kỷ lục từ nay cho đến năm 2023.

Theo ông Zwinger, mặc dù nhu cầu về gạo làm thức ăn gia súc đã có một số chuyển dịch, tuy nhiên điều đó không đủ để khiến giá gạo tăng vọt, chưa kể là việc bổ sung nguồn cung sẽ có thể tiếp tục hạ nhiệt khi nông dân trồng lúa bắt đầu sử dụng ít phân bón hơn do giá cả tăng cao.

Hoạt động xuất khẩu gạo của Thái Lan đang được hưởng lợi từ nhu cầu toàn cầu phục hồi khi đại dịch Covid-19 lắng dịu và mệnh giá đồng bạt của nước này giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm khiến nguồn cung của nước này trở nên cạnh tranh hơn.

Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Jurin Laksanawisit cho biết, các lô hàng gạo xuất khẩu trong năm nay có thể lên tới 8 triệu tấn, so với 6,1 triệu tấn của năm ngoái.

Theo các chuyên gia và quan chức trong ngành nông nghiệp xứ chùa Vàng, xuất khẩu đường và thịt gà của Thái Lan cũng đang được hưởng lợi từ việc hạn chế xuất khẩu của Ấn Độ và Malaysia.

Ông Arada Fuangtong, quan chức cơ quan Xúc tiến Thương mại Quốc tế Thái Lan cho biết, quốc gia Đông Nam Á “có nguồn cung vượt trội đối với hầu hết các loại thực phẩm và chúng tôi vẫn là nhà bếp của thế giới”.

Trong năm 2019 và 2020, nông dân trồng lúa Thái Lan bị ảnh hưởng khá nặng bởi các đợt khô hạn và ghi nhận sự sụt giảm đáng kể về sản lượng lúa gạo. Đến năm 2021, ngành lúa gạo nước này tiếp tục bị ảnh hưởng bởi lũ lụt và các cơn bão nhiệt đới, làm sụt giảm sản lượng.

Trên thị trường toàn cầu, sản lượng thấp hơn đồng nghĩa với việc giá bán cao hơn và giảm khả năng cạnh tranh. Hơn nữa, sự tăng giá của đồng bạt vào năm ngoái và phí vận chuyển đắt đỏ do tình trạng thiếu container rỗng trên toàn thế giới trong thời kỳ đại dịch cũng đã làm giảm sức hút của gạo Thái Lan đối với người mua.

“Đối với cùng một loại gạo, đôi khi giá của chúng tôi cao hơn gạo từ các nước khác 100 USD/ tấn. Kết quả là, thị phần của chúng tôi đã bị thu hẹp. Các nhà nhập khẩu đã chọn những đối tác khác như Ấn Độ và Việt Nam hoặc - đối với gạo thơm – là Campuchia, Myanmar và Pakistan, những nơi có giá rẻ hơn”, ông Chookiat Ophaswongse, chủ tịch danh dự Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan nói với hãng CNA.

(SCMP; CNA)

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Làng nướng cá Diễn Vạn đỏ lửa

Nghề nướng cá tại đất biển Diễn Vạn có từ hàng chục năm rồi, bất kể nắng mưa, những bếp lửa rực đỏ bốn mùa, người làm tất bật từ sáng sớm đến đêm khuya.

Giảng viên đại học và hành trình theo đuổi đam mê khảo kiểm nghiệm phân bón

Khi đang là giảng viên một trường đại học danh tiếng tại TP.HCM, anh Trần Văn Thanh quyết định bỏ nghề để xin việc tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia.

Bình luận mới nhất