Ông Chookiat Ophaswongse, Chủ tịch danh dự Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cho biết, giá gạo trắng 5% tấm trên thị trường nội địa đã tăng 25% lên 15 bạt (0,432 USD) một kg, từ mức 12 bạt một kg vào đầu năm nay, do nhu cầu nhập khẩu, đặc biệt là từ Iraq đang tăng mạnh.
Theo đó, giá gạo tại thị trường trong nước đang chênh cao hơn so với giá xuất khẩu do giá gạo trắng FOB đã tăng 15%, từ mức 400 USD/ tấn trong cùng kỳ lên 460 USD/ tấn.
Ông Chookiat cho biết: “Giá gạo của Thái Lan cao hơn có thể khiến các nhà nhập khẩu phải nghe ngóng và cân nhắc xem có nên mua thêm gạo của quốc gia này trong quý II nữa hay không. Điều này đồng nghĩa sẽ có thể khiến Thái Lan đánh mất cơ hội xuất khẩu”.
Theo các chuyên gia thị trường lúa gạo, giá gạo trong nước tăng cao phần lớn là do nhu cầu nhập khẩu lớn từ Iraq, nước đã bắt đầu mua lại gạo Thái Lan sau khi ngừng nhập khẩu trong nhiều năm.
Tính từ đầu năm đến nay, Thái Lan đã xuất khẩu hơn 200.000 tấn gạo sang thị trường Iraq, và dự kiến quốc gia Trung Đông này sẽ mua ít nhất 400.000 tấn gạo trong năm 2022.
Trong quý I, xuất khẩu gạo của Thái Lan đạt 1,74 triệu tấn, đạt trị giá 29,5 tỷ bạt, tương đương khoảng 950 triệu USD, tăng lần lượt 48,5% về lượng và 30,8% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân tăng trưởng được cho là do nhu cầu tăng mạnh và đồng bạt yếu, khiến giá gạo Thái Lan trở nên cạnh tranh hơn.
Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan dự báo, giá gạo trong nước có thể sẽ tăng thêm 5%, tương đương 20 USD/ tấn, trong quý II năm nay.
Các nhà phân tích thị trường dự báo, lượng xuất khẩu gạo của Thái Lan sẽ đạt ít nhất 8 triệu tấn trong năm nay, vượt xa mục tiêu đề ra trước đó là 7 triệu tấn. Và giá trị xuất khẩu ước đạt 130 tỷ bạt, tăng so với con số 110 tỷ bạt của năm ngoái.
Về sản lượng lúa của niên vụ thu hoạch 2021/2022, hiệp hội dự kiến sẽ tăng lên 30-32 triệu tấn, hoặc 20 triệu tấn gạo thành phẩm, tăng khoảng từ 27-28 triệu tấn lúa, hoặc 17 triệu tấn gạo xay sát so với niên vụ 2020/2021.
Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan cho biết, hạn hán trên diện rộng khó có thể xảy ra trong năm nay, như đã từng xảy ra hai năm trước. Theo đó với nguồn cung cấp nước khá dồi dào, sản lượng lúa vụ hai năm nay của nước này cũng dự kiến sẽ tăng.
Thái Lan đã xuất khẩu tổng cộng 6,11 triệu tấn gạo trong năm ngoái, tăng 6,68% so với 5,73 triệu tấn của năm 2020, với giá trị xuất khẩu đạt 108 tỷ bạt, giảm 7,14% so với 116 tỷ bạt của năm 2020.
Cụ thể cơ cấu xuất khẩu các lô hàng bao gồm 2,35 triệu tấn gạo trắng (tăng 18,9 %), 1,4 triệu tấn gạo Thai hom mali (giảm 1,7%), 1,4 triệu tấn gạo đồ (tăng 1,6%), 550.574 tấn gạo thơm (giảm 4,1%) và 310.878 tấn gạo nếp (tăng 12,4%).
Hồi đầu năm nay, chính phủ Thái Lan đã lên kế hoạch phát triển thêm 12 bộ giống lúa thương mại mới từ nay đến năm 2024 nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh của mặt hàng gạo.
Theo đó, chiến lược lúa gạo quốc gia của chính phủ Thái Lan cũng kêu gọi các bộ ngành cùng hỗ trợ nông dân cắt giảm chi phí sản xuất lúa xuống trung bình 3.000 bạt/tấn (tương đương 91,8 USD), từ 6.000 bạt/tấn hiện nay (xấp xỉ 200 USD), đồng thời tăng năng suất lúa lên trung bình 600 kg/rai (1 rai tương đương 0,16 ha), từ 465kg hiện nay, trong vòng 5 năm tới.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, nếu đạt được điều này Thái Lan sẽ cải thiện được khả năng cạnh tranh cho mặt hàng chủ lực là gạo trên thị trường toàn cầu.