| Hotline: 0983.970.780

Lúa gạo đang ngăn một cuộc khủng hoảng lương thực toàn diện?

Thứ Ba 19/04/2022 , 14:15 (GMT+7)

Thế giới đang đối mặt với thời điểm nhạy cảm, khiến mọi người nhớ lại cuộc khủng hoảng lương thực vào năm 2007-08, giá gạo đã tăng gấp đôi chỉ trong thời gian ngắn.

Lúa gạo vẫn là loại lương thực quan trọng, nuôi sống một nửa dân số thế giới. Ảnh: Bloomberg

Lúa gạo vẫn là loại lương thực quan trọng, nuôi sống một nửa dân số thế giới. Ảnh: Bloomberg

Tờ Bloomberg cho biết, cuộc tấn công quân sự của Nga vào Ukraine đã làm đứt gãy chuỗi cung cấp lúa mì quan trọng nhất thế giới ở khu vực Biển Đen, và đẩy giá lúa mì lên mức cao ngất ngưởng mọi thời đại. Cùng với đó là giá dầu thực vật và giá ngô vẫn đang tăng mạnh, khiến nhiều quốc gia nhập khẩu lương thực đang lo sợ “bóng ma khủng hoảng” tái hiện cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên rất may là thế giới lúc này còn có lúa gạo vẫn đang khá ổn định.

Theo các chuyên gia, lúa gạo hiện vẫn là loại lương thực chính nuôi sống một nửa dân số thế giới, trong khi đó hiện vẫn còn khoảng một tỷ người ở châu Á và Tây Phi đang thiếu đói. Cuộc bạo loạn lương thực tồi tệ nhất vào năm 2007-08 không liên quan đến giá trị của bánh mì, mà là giá trị của bát cơm và giờ đây, gạo là tất cả những gì giúp chúng ta ngăn chặn một thảm họa lương thực toàn diện.

Thế giới không thể tránh khỏi một đợt lạm phát lương thực khổng lồ, có thể sẽ gây chao đảo cho các quốc gia nhập khẩu lương thực như Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và Indonesia. Cái đói sẽ tăng lên, ngay cả ở những nước phát triển cũng sẽ chứng kiến ​​chi phí lương thực tăng mạnh.

Theo Tổ chức Lương Nông Liên Hợp quốc (FAO), chi phí lương thực đã tăng lên mức cao nhất mọi thời đại, chỉ số được thiết lập từ năm 1974. Điều này cũng đồng nghĩa nông dân sản xuất lúa cũng phải trả nhiều tiền hơn cho phân bón và thuốc trừ sâu. Trong một năm vừa qua, giá lúa mì ở châu Âu đã tăng gần 65%; giá ngô tăng gần 38% và giá dầu cọ đã tăng thực tế là 55%. Tuy nhiên, giá gạo tiêu chuẩn lại giảm gần 20% trong suốt khoảng thời gian này.

Nông dân Ấn Độ thu hoạch lúa. Ảnh: Getty Images

Nông dân Ấn Độ thu hoạch lúa. Ảnh: Getty Images

Mâu thuẫn này dẫn đến việc các nước sản xuất lúa gạo có thể xem nhẹ vấn đề dự trữ loại lương thực quan trọng này, và đặt thế giới vào một viễn cảnh bấp bênh hơn. Ước tính cứ sau mỗi 12 tháng, kể từ năm 2000-01, thế giới lại tiêu thụ thêm lượng gạo mà họ sản xuất ra, trong điều kiện khí hậu không tốt làm ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Đến năm 2006-07, các kho dự trữ gạo đã giảm xuống đáy trong 20 năm. Các chuyên gia cho rằng, nếu không có lúa gạo làm bộ đệm, giá cả lương thực thế giới sẽ còn tăng thêm.

Điều may mắn là các chính phủ châu Á đã học được bài học về sự gia tăng giá trị lúa gạo khi họ đã dành gần một thập kỷ rưỡi qua để tăng cường hỗ trợ nông dân sản xuất lúa trong nước, dẫn đến sự gia tăng đáng kể đối với kho dự trữ lương thực. Theo tính toán Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), lượng gạo tồn kho thế giới sẽ tăng trong niên vụ 2021-22 lên mức 190,5 triệu tấn, tăng hơn 150% so với 75,4 triệu tấn trước đó.

Gạo là một mặt hàng giao dịch mỏng (khối lượng thấp hoặc chênh lệch biên độ giá mua-bán rộng), vì vậy những thay đổi nhỏ trong xuất khẩu và nhập khẩu cũng ảnh hưởng lớn đến chi phí. Trong khi sản lượng gạo thế giới trong vụ mùa gần đây nhất đạt khoảng 509,6 triệu tấn, tổng thương mại giao dịch chỉ chiếm 9,9% con số trên, tương đương khoảng 50,6 triệu tấn. Ở chiều ngược lại, có tới hơn 25% sản lượng lúa mì thế giới được giao dịch trong vòng 12 tháng qua.

Còn nhớ vào năm 2008, Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới giảm khối lượng xuất khẩu, tiếp đó là Ấn Độ, Trung Quốc và Campuchia đã khiến thị trường gạo thế giới chao đảo. Chỉ trong vòng 4 tháng, Philippines đã nhập khẩu gạo với số lượng lớn, đủ dùng cho cả năm, trong khi Ả Rập Xê Út cũng tăng cường mua gạo đến 90% để dự trữ. Hệ quả thị trường gạo thời điểm đó chứng kiến một đợt tăng giá chưa từng thấy, với giá gạo đang dao động từ khoảng 480 USD/tấn đã tăng lên khoảng 1.100 USD/tấn, chỉ trong vòng 8 tuần.

Giới phân tích cho rằng, vào lúc này các quốc gia sản xuất lúa gạo trên thế giới cần phải hỗ trợ nông dân, nhất là khi họ đang phải đối mặt với các loại chi phí vật tư đầu vào như phân bón và xăng dầu đang tăng quá cao. Và quan trọng hơn, những quốc gia sản xuất lúa gạo lớn nên duy trì một thị trường mở trong thời gian tới để tránh gây ra một cuộc khủng hoảng khác.

Theo Reuters, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ giảm nhẹ trong tuần vừa qua do nguồn cung tăng lên, trong khi lạm phát tăng vọt ở châu Á đã ảnh hưởng đến giá gạo của Việt Nam.

Cụ thể các doanh nghiệp xuất khẩu gạo hàng đầu Ấn Độ rao bán gạo 5% tấm ở mức 364 - 368 USD/tấn, giảm so với mức 365 - 369 USD/tấn của tuần trước đó. Trong khi đó cùng thời điểm gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 420- 425 USD/ tấn, so với mức 400- 415 USD/tấn vào tuần trước. Riêng giá gạo 5% tấm của Thái Lan không thay đổi, vẫn ở mức 408- 412 USD/ tấn, do thị trường đóng cửa giao dịch để nghỉ lễ Tết cổ truyền Songkran.

Còn tại Bangladesh, trận mưa lớn kèm lũ quét vào đầu tháng 4 đã làm hư hại khoảng 6.500 ha lúa. Theo dữ liệu sơ bộ từ Bộ Nông nghiệp Bangladesh, nhà sản xuất lúa gạo lớn thứ ba thế giới năm nay chỉ có thể đạt sản lượng khoảng 35 triệu tấn, trong đó dự kiến ​​vụ mùa này đạt 20 triệu tấn.

(Bloomberg; Reuters)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Sau ATACMS, Ukraine phóng loạt tên lửa Storm Shadow vào Nga

Ukraine đã phóng một loạt tên lửa hành trình Storm Shadow của Anh vào lãnh thổ Nga hôm 20/11, chỉ một ngày sau khi sử dụng tên lửa ATACMS của Mỹ.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.