| Hotline: 0983.970.780

Thái Nguyên có tới 657 vụ vi phạm công trình thủy lợi trong 5 năm

Thứ Hai 12/12/2022 , 18:46 (GMT+7)

Đây là con số được tính từ ngày 01/01/2018 cho đến nay do Công ty TNHH một thành viên khai thác thủy lợi Thái Nguyên phát hiện và lập biên bản.

Hiện nay, Công ty TNHH Một thành viên khai thác thuỷ lợi Thái Nguyên (Công ty thủy lợi Thái Nguyên) được UBND tỉnh Thái Nguyên phân giao nhiệm vụ quản lý 200 công trình thuỷ lợi. Trong đó có 32 hồ chứa lớn, 24 hồ chứa vừa, 34 hồ chứa nhỏ, 104 đập dâng, 01 trạm bơm tiêu úng, 05 trạm bơm tưới và 281,9 km kênh mương.

Qua công tác theo dõi, quản lý, bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, tình hình vi phạm bảo vệ công trình thủy lợi còn diễn biến phức tạp. Cụ thể như: lấn chiếm, san lấp vào hành lang bảo vệ công trình thủy; xây dựng công trình tạm, nhà ở, đổ chất thải, rác thải vào nguồn nước; ngăn lắp kênh mương; sử dụng xe cơ giới đi lại trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi...

Tổng số vụ vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình năm 2022 là: 163 vụ. (Trong đó: Đã lập biên bản yêu cầu dừng vi phạm, hoàn trả lại hiện trạng ban đầu và kiến nghị chính quyền địa phương xử lý theo thẩm quyền 163 vụ; Đã giải quyết dứt điểm trả lại hiện trạng ban đầu 18 vụ). Tổng số vụ vi phạm phạm vi bảo vệ công trình từ 1/1/2018 đến 30/11/2022 lên đến 657 vụ. (Trong đó đã lập biên bản yêu cầu dừng vi phạm và hoàn trả lại hiện trạng ban đầu 657 vụ; đã giải quyết dứt điểm trả lại hiện trạng ban đầu 97 vụ). Qua đây có thể thấy, tỷ lệ giải quyết dứt điểm các vụ vi phạm trong 5 năm qua rất thấp, chỉ đạt chưa tới 15%.

Vụ sản lấp lòng hồ Núi Cốc xảy ra vào tháng 10/2021. Ảnh: Toán Nguyễn.

Vụ sản lấp lòng hồ Núi Cốc xảy ra vào tháng 10/2021. Ảnh: Toán Nguyễn.

Những nguyên nhân dẫn tới các vụ vi phạm cũng được chỉ ra. Trong đó có việc, các công trình thủy lợi chủ yếu nằm ở vùng sâu, vùng xa, địa bàn dàn trải, ý thức người dân trong công tác bảo vệ công trình thủy lợi chưa cao.

Mặt khác trong những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa nhanh, đặc biệt trên địa bàn thành phố Phổ Yên, thành phố Thái Nguyên, thành phố Sông Công, huyện Phú Bình... Những khu vực có nền kinh tế phát triển nóng, kéo theo đó là giá trị đất đai tăng cao, dẫn tới hiện tượng lấn chiếm công trình thủy lợi (nhất là kênh mương dọc theo khu dân cư, khu công nghiệp, khu du lịch…).

Một nguyên nhân khác được chỉ ra, đó là kinh phí hỗ trợ dịch vụ công ích thủy lợi của công ty còn hạn chế, cơ quan quản lý nhà nước còn chậm trong công tác thẩm định. Chính vì vậy, đơn vị quản lý chưa cân đối được kinh phí trong việc cắm mốc bảo vệ công trình thủy lợi, dẫn tới việc người dân vô tỉnh hoặc có tình trạng cố tình xâm phạm.

Vụ vi phạm công trình thủy lợi tại xã Lục Ba, huyện Đại Từ xảy ra vào tháng 8/2022. Ảnh: Toán Nguyễn.

Vụ vi phạm công trình thủy lợi tại xã Lục Ba, huyện Đại Từ xảy ra vào tháng 8/2022. Ảnh: Toán Nguyễn.

Ông Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty thủy lợi Thái Nguyên thông tin, hầu hết các vụ vi phạm đã được đơn vị quản lý phát hiện, kịp thời phối hợp với chính quyền địa phương lập biên bản yêu cầu dừng vi phạm, hoàn trả hiện trạng ban đầu. Công ty thủy lợi Thái Nguyên đã có văn bản báo cáo, đề nghị chính quyền địa phương có biện pháp hữu hiệu để xử lý theo thẩm quyền, nhưng các hành vi vi phạm nói trên vẫn gia tăng. Có một số tổ chức, cá nhân nhiều lần bị các cơ quan chức năng lập biên bản vi phạm nhưng vẫn không chấp hành và tự giải tỏa, khắc phục. Đó là lý do đó một số vụ vi phạm chưa được giải quyết dứt điểm, thậm chí còn tái diễn nhiều lần.

Cũng theo ông Thái, Công ty thủy lợi Thái Nguyên được giao quản lý, bảo vệ công trình, nhưng không có thẩm quyền xử phạt, xử lý. Những vấn đề này, công ty chỉ có thể lập biên bản, rồi gửi đến chính quyền các địa phương giải quyết. Rất mong muốn chính quyền cấp cơ sở cần quyết liệt xử lý dứt điểm, không để tồn tại như hiện nay.

Xem thêm
Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới

Hiện nay, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.

Số hóa thị trường nông sản thông qua phần mềm AgriDataGo

AgriDatatGo là phần mềm giúp bà con nhanh chóng tiếp cận với thị trường mà sản phẩm hướng tới, cũng như cách thức để sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của thị trường đó.

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.