Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 13 HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021 - 2026, ngày 20/7, trong phần chất vấn, trả lời chất vấn, Thường trực HĐND tỉnh lựa chọn chất vấn 3 nhóm vấn đề liên quan đến các lĩnh vực: Xây dựng, quản lý trật tự xây dựng và đô thị; khoa học - công nghệ; NN-PTNT. Đối với lĩnh vực NN-PTNT, các đại biểu chất vấn, đề nghị làm rõ công tác quản lý nhà nước trong việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm; quy hoạch các cơ sở chăn nuôi.
Theo đó, ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thái Nguyên đã trả lời chất vấn của đại biểu về 3 vấn đề, gồm: Quản lý nhà nước trong việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp; kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên các sản phẩm nông sản và quy hoạch các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.
Về công tác quản lý nhà nước trong việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, ông Phạm Văn Sỹ cho biết, ngành nông nghiệp Thái Nguyên đã tập trung thực hiện một số giải pháp như quản lý tốt vật tư đầu vào để sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGAP, hữu cơ và có 41 vùng trồng đã được hỗ trợ. Đồng thời, hỗ trợ, khuyến khích các cơ sở dán tem truy xuất nguồn gốc, quản lý mẫu mã, phát triển thương hiệu, kết nối thị trường trong và ngoài nước.
"Thời gian tới, ngành NN-PTNT sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, thực hiện các giải pháp phát triển vùng trồng tập trung cũng như xác lập, bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ… để nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý truy xuất sản phẩm", ông Phạm Văn Sỹ khẳng định.
Đối với việc kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên các sản phẩm nông sản, lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Thái Nguyên thông tin, hàng năm, ngành nông nghiệp tiến hành thanh tra, kiểm tra thường xuyên đối với khoảng 1.200 cơ sở kinh doanh, buôn bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh; kiểm tra khoảng 200 mẫu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
"Cơ bản các mẫu cho kết quả nằm trong giới hạn cho phép. Ngoài ra, ngành cũng tăng cường tuyên truyền, tập huấn và khuyến khích việc thực hành nông nghiệp tốt; sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng danh mục, liều lượng và thời gian cách ly", ông Sỹ chia sẻ.
Về quy hoạch các cơ sở chăn nuôi, Giám đốc Sở NN-PTNT Thái Nguyên cho biết, hiện nay, các cơ sở chăn nuôi tập trung nhiều ở khu vực trung tâm và phía nam của tỉnh. Thực tế cho thấy, một số cơ sở chưa thực hiện nghiêm túc về quy định khoảng cách, môi trường, dẫn tới ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt ở khu dân cư.
Định hướng quy hoạch trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên đã tham mưu, ban hành Đề án phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Trong đó, định hướng chăn nuôi tại khu vực phía bắc của tỉnh - nơi còn nhiều quỹ đất; đảm bảo nguyên tắc vừa phát triển chăn nuôi, vừa đảm bảo yêu cầu môi trường. Đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở chăn nuôi vi phạm.
Cũng liên quan đến lĩnh vực chăn nuôi, một số đại biểu chất vấn việc thực hiện chính sách hỗ trợ ngừng hoạt động chăn nuôi hoặc di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép.
Về nội dung này, ông Phạm Văn Sỹ nhấn mạnh, ngay sau khi HĐND tỉnh ban hành nghị quyết, ngành nông nghiệp đã phối hợp với các địa phương tổ chức tuyên truyền, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện; thống kê, lập danh sách và ký cam kết thực hiện đối với 583 hộ chăn nuôi quy mô nông hộ. Đến nay, đã có 90 hộ dừng hoạt động chăn nuôi, một số hộ giảm quy mô để dừng khi hết thời gian quy định; chưa có cơ sở đề nghị hỗ trợ chính sách chấm dứt hoặc di dời cơ sở chăn nuôi.
Đánh giá phiên chất vấn, trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 13 HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021 - 2026, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Hoàng Sơn cho biết, nội dung chất vấn sát với thực tế, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của đông đảo cử tri và nhân dân. Phần trả lời chất vấn của đại diện các sở, ngành chức năng bảo đảm rõ ràng, cụ thể đối với từng vấn đề và có tính thuyết phục.
Theo đó, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Nguyên đề nghị thủ trưởng các sở, ngành có lộ trình, giải pháp thực hiện ngay đối với những nội dung được các đại biểu chất vấn.