| Hotline: 0983.970.780

Thai phụ mắc bệnh tuyến giáp: Cần cẩn trọng!

Thứ Bảy 27/10/2018 , 07:30 (GMT+7)

Mặc dù chỉ khoảng 0,5 % phụ nữ mang thai bị cường giáp, chủ yếu là do Basedow, khoảng 2% phụ nữ có thai bị suy giáp. Tuy nhiên, những người bị Basedow khi có thai phải được khám bởi bác sỹ chuyên khoa nội tiết để điều chỉnh liều thuốc phù hợp.

16-15-15_buou_co
Ảnh minh họa

Tuyệt đối không được tự ý bỏ thuốc vì bệnh Basedow thường nặng lên khi có thai, có thể gây nhiều biến chứng về tim mạch, và nguy hiểm nhất là cơn cường giáp cấp lúc chuyển dạ (còn gọi là cơn bão giáp trạng) với tỷ lệ tử vong cả mẹ và con lên đến gần 100%.
 

Mẹ con sản phụ mắc Basedow may mắn thoát chết

Nêu dẫn chứng cho căn bệnh nguy hiểm này, TS. BS Nguyễn Quang Bảy, Phụ trách Khoa Nội tiết - Đái tháo đường (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội), cho biết, bệnh viện vừa cứu được mẹ con sản phụ L.T.C. (18 tuổi, ở huyện Thường Xuân, Thanh Hóa) bị bệnh Basedow, suy tim, tăng huyết áp, tiền sản giật. Chị C. đang mang thai tuần thứ 30 được người nhà đưa đến bệnh viện trong tình trạng khó thở nhiều, kèm phù 2 chi dưới, ho khạc đờm đục. Qua khai thác tiền sử được biết, cách đây 1 năm, chị C bị Basedow, nhưng từ khi có thai chị C đã bỏ thuốc điều trị.

Tại bệnh viện, kết quả thăm khám và các xét nghiệm cho thấy tình trạng cường giáp của bệnh nhân rất nặng, huyết áp cao thường xuyên ở mức 170/100 mmHg, sốt cao liên tục 38,5-39 độ, xét nghiệm thấy có tổn thương thận (protein niệu 3g/L), suy tim nặng, tràn dịch màng phổi 2 bên. Bệnh nhân có nguy cơ rất cao bị cơn bão giáp trạng. Tuy nhiên siêu âm thai chỉ nặng 1.293 g, kèm theo thiểu ối, có thời điểm thai máy thưa, có nguy cơ thai chết lưu trong tử cung. Lúc này, gia đình đứng trước lựa chọn cứu sống mẹ hoặc con.

Một cuộc hội chẩn toàn bệnh viện do GS. Ngô Quý Châu - Phó Giám đốc bệnh viện chủ trì với sự tham gia của nhiều chuyên khoa liên quan gồm nội tiết, sản, nhi, tim mạch… đã thống nhất chẩn đoán: Bệnh nhân nữ thai 30 tuần tiền sản giật/ basedow, suy tim, tăng huyết áp, viêm phổi. Một phác đồ điều trị tối ưu nhất được đưa ra với quyết tâm cao nhất sẽ cứu sống được cả hai mẹ con. Rất may là sau 1 tuần điều trị tích cực, bệnh nhân có sự cải thiện rõ rệt như huyết áp được khống chế ở mức 140/90 mmHg, đỡ phù, đỡ khó thở. Được sự hỗ trợ của chuyên khoa dinh dưỡng, thể trạng của bệnh nhân cũng tốt hơn.

Sau khi thai được 32 tuần tuổi, bệnh nhân có dấu hiệu chuyển dạ và được chỉ định mổ đẻ. Sau 30 phút, kíp mổ đã lấy ra em bé nặng 1,6kg.
 

Phụ nữ có thai bị bệnh tuyến giáp có nguy cơ gì?

Theo TS.BS Nguyễn Quang Bảy, các nghiên cứu cho thấy có khoảng 0,5% phụ nữ mang thai bị cường giáp, chủ yếu là do Basedow. Những người bị Basedow khi có thai phải được khám bởi bác sỹ chuyên khoa nội tiết để điều chỉnh liều thuốc phù hợp.

“Người bệnh tuyệt đối không được tự ý bỏ thuốc vì bệnh Basedow thường nặng lên khi có thai, có thể gây nhiều biến chứng về tim mạch, và nguy hiểm nhất là cơn cường giáp cấp lúc chuyển dạ (còn gọi là cơn bão giáp trạng) với tỷ lệ tử vong cả mẹ và con lên đến gần 100%. Tránh trường hợp giống như bệnh nhân kể trên, rất may cả hai mẹ con đã may mắn thoát chết”, TS. BS Bảy nhấn mạnh.

Cũng theo vị bác sĩ này, khoảng 2% phụ nữ có thai bị suy giáp. Nguyên nhân là do nằm trong vùng bị thiếu i-ốt nên các thai phụ ở Việt Nam có nguy cơ bị mắc bệnh tuyến giáp cao hơn. Trong vòng 13 tuần đầu tiên của thai kỳ, thai nhi chưa có tuyến giáp nên phải phụ thuộc hoàn toàn vào lượng hormone tuyến giáp của người mẹ cung cấp qua rau thai. Đây chính là thời kỳ hình thành và phân chia các cơ quan nên nếu bị thiếu hormone trong thời gian này thì biến chứng rất nặng nề: ở người mẹ là tăng huyết áp, suy tim, còn với thai nhi thường là sảy thai, thai chết lưu, đẻ non, rau bong non, và đặc biệt là trẻ đẻ ra bị đần độn, chậm phát triển trí tuệ.

“Việc tầm soát nhằm phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh lý tuyến giáp ở phụ nữ mang thai có ý nghĩa hết sức quan trọng. Ngoài việc ngăn ngừa các biến chứng, làm giảm tỷ lệ tử vong ở cả mẹ và con thì nó còn góp phần đảm bảo những đứa trẻ sinh ra là hoàn toàn khoẻ mạnh về thể chất và có trí tuệ tốt. Điều trị càng sớm thì nguy cơ bị biến chứng ở cả mẹ và con sẽ càng thấp”, TS. BS Bảy nhấn mạnh.

Đặc biệt, theo TS. BS Bảy việc sàng lọc và điều trị các bệnh tuyến giáp ở phụ nữ có thai không hề tốn kém nên những phụ nữ có các biểu hiện sau cần được sàng lọc bệnh tuyến giáp trong thời gian mang thai: Đã được chẩn đoán bệnh tuyến giáp từ trước như Basedow, suy giáp, bướu cổ đơn thuần, bướu nhân tuyến giáp…; có tiền sử trong gia đình có người thân (bố, mẹ, chị em…) bị bệnh tuyến giáp; đã bị bệnh tuyến giáp ở những lần có thai trước; có tiền sử sản khoa xấu như sảy thai, thai chết lưu, đẻ non, đẻ con bị dị tật bẩm sinh…; người bệnh đái tháo đường týp 1, người bệnh mắc các bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp, lupus…

(Kiến thức gia đình số 43)

Xem thêm
Di căn gan chiếm 25% trường hợp ung thư đại trực tràng

TP.HCM Di căn gan là di căn xa thường gặp nhất, chiếm 25% các trường hợp ung thư đại trực tràng. Mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 16.000 ca ung thư đại trực tràng mới.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Kháu Vài Lèng bị giả mạo, Lương y Mạc Văn Minh kêu cứu

Kháu Vài Lèng, bài thuốc điều trị sinh lý nam giới của Lương y Mạc Văn Minh đang bị các đối tượng xấu làm giả, bán trục lợi, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm