| Hotline: 0983.970.780

Thận trọng khi bắt tay doanh nghiệp trồng cà tím Nhật

Thứ Tư 27/11/2019 , 13:42 (GMT+7)

Một số hộ dân huyện Phú Thiện (Gia Lai) đang thử nghiệm mô hình trồng cà tím Nhật Bản trên diện tích gần 22 ha.

15-26-21_nh_vuon_c_tim_cu_gi_dinh_nh_mnh_2
Hiện tại, cà tím Nhật được bao tiêu đầu ra.

Hiện, có hộ đã bước vào thu hoạch với kết quả khả quan khi thu nhập ổn định, được bao tiêu đầu ra. Nhiều hộ đang có dự định mở rộng diện tích canh tác loại cây mới này song chính quyền tỏ ra đắn đo...
 

Cây trồng mới... tiềm năng

Cách đây gần 1 tháng, gia đình Đinh Văn Mạnh ở làng Ia Peng (xã Ia Sol) quyết định trồng cà tím Nhật Bản với 1,7 ha. Vườn cà tím được Công ty cổ phần Thủy sản Bạc Liêu đầu tư 100%, từ phân bón, bạt phủ, hệ thống tưới nước nhỏ giọt, cây giống, tiền cày đất, tiền công từ lúc trồng cho đến thu hoạch… với chi phí khoảng 200 triệu đồng/ha.

Hiện vườn cà tím phát triển rất tốt, cành nhánh xum xuê, đang bắt đầu ra hoa và cho trái bói. Nếu không gặp trở ngại gì thì nửa tháng nữa là vườn cà tím bắt đầu cho thu hoạch.

"Gia đình tôi chỉ góp đất và bỏ vốn đối ứng ban đầu khoảng 30 triệu đồng/ha, chủ yếu là tiền thuê nhân công trồng, bón phân, lắp đặt hệ thống tưới. Tất cả các chi phí này đến kỳ thu hoạch, bán sản phẩm sẽ được doanh nghiệp trừ dần lại cho gia đình tôi”, anh Mạnh kể.

15-26-21_nh_vuon_c_tim_cu_gi_dinh_nh_mnh_1
Vườn cà tím của gia đình anh Mạnh.

Anh Mạnh nói rằng, cả chu kỳ của cây cà tím sẽ cho thu hoạch từ 8 đến 12 tháng, trung bình 2 ngày thu một lần, mỗi lần trên 2 tấn/ha, có vườn năng suất cao thì đạt 3 tấn/ha. Theo tính toán của doanh nghiệp, đến tháng thứ 3 thì vườn cà sẽ kết thúc thu hoạch lần 1, năng suất bình quân là 30 tấn/ha, giá thu mua là 7.000 đồng/kg. Số tiền thu được là khoảng 210 triệu đồng/ha, sau khi trừ 170 triệu đồng chi phí đã đầu tư ban đầu, hơn 30 triệu đồng còn lại người dân được hưởng.

Tiếp tục như vậy, kết thúc lần thu hoạch thứ 3, người dân sẽ trừ hết chi phí mà doanh nghiệp bỏ ra ban đầu, lúc này số tiền thu được sau khi trừ chi phí đầu tư trong tháng, số còn lại doanh nghiệp và người dân cưa đôi. Ngoài việc đã được hoàn trả tiền công ban đầu, từ lần thu hoạch thứ tư thì người dân bắt đầu có lãi, mỗi tháng khoảng 50 triệu đồng/ha.

Cách đó hơn cây số, vườn cà tím 1,2 ha của ông Nguyễn Hữu Cần (thôn Kim Môn, xã Chư A Thai) đang bước vào vụ thu hoạch lần thứ 3. Theo ông Cần, thời điểm bắt đầu thu là ngày 14/9/2019, cả vườn chỉ đạt 45 kg nhưng đến ngày 23/9/2019 thì sản lượng đã là 1,3 tấn. Từ thời điểm đó đến hết tháng 10, năng suất ổn định, bình quân 2 ngày ông thu được từ 2,3 đến 2,5 tấn, có thời điểm thu được hơn 2,8 tấn.

Tuy nhiên, ở thời điểm năng suất đạt cao, đã trừ hết chi phí tiền công và bắt đầu có lãi thì vườn cà tím bị ngập nước kéo dài do ảnh hưởng của bão số 5. Tuy đã khắc phục được sự cố, nhưng sản lượng cà tím giảm đáng kể. “Sau khi chống ngập cho vườn do ảnh hưởng bão số 5, hiện cây cà tím đã bắt đầu cho thu hoạch trở lại. Dự kiến trong đợt thu này, bước đầu gia đình sẽ có lãi vì đã trừ hết chi phí đầu tư ban đầu của công ty”, ông Cần bộc bạch.
 

Địa phương bán tín bán nghi

Theo ông Phùng Trung Toàn, Chủ tịch UBND xã Chư A Thai, trên địa bàn chỉ mới có một hộ dân tham gia mô hình trồng cà tím Nhật Bản. Tuy nhiên, đến thời điểm đang thu hoạch rộ thì vườn bị ảnh hưởng bão nên chưa đánh giá được hiệu quả tổng thể.

15-26-21_nh_vuon_c_tim_cu_gi_dinh_ong_cn_dng_buoc_vo_ky_thu_hoch_thng_thu_4
Vườn cà tím của gia đình ông Nguyễn Hữu Cần (thôn Kim Môn, xã Chư A Thai) đang bước vào kỳ thu hoạch tháng thứ 4.

"Chúng tôi đang tiếp tục theo dõi hộ Đinh Văn Mạnh ở xã Ia Sol, nếu thấy hiệu quả thì mới dám nhân rộng cho người dân trong xã để thay thế dần diện tích trồng khoai lang nhằm tránh những rủi ro cho bà con", ông Toàn nói.

Theo ông Trần Hữu Đạt, Công ty cổ phần Thủy sản Bạc Liêu, người dân tham gia mô hình trồng cà tím sẽ được doanh nghiệp đầu tư mọi chi phí ban đầu cho đến hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc, bao tiêu đầu ra cho toàn bộ sản phẩm. Người dân có đất, doanh nghiệp bỏ chi phí đầu tư, chuyển giao kỹ thuật với cam kết đem lại lợi nhuận từ 300 triệu đồng/ha trở lên.

“Trong quá trình chăm sóc, nếu vườn cây bị sự cố về dịch bệnh hay do thiên tai lũ lụt, chúng tôi sẽ không bắt người dân phải trả lại chi phí đã đầu tư ban đầu. Còn về mức giá thu mua thì chúng tôi tuân thủ theo hợp đồng đã ký. Hiện trên địa bàn huyện Phú Thiện, chúng tôi đã phát triển được 22 ha, dự kiến sẽ mở rộng diện tích khoảng 60 ha”, ông Đạt cho hay.

Ông Mai Ngọc Quý, Phó Trưởng phòng NN- PTNT huyện Phú Thiện thì, theo quy định, trước khi doanh nghiệp tiếp cận người dân triển khai mô hình trồng cà tím phải thông cáo với Phòng NN- PTNT huyện để xin chủ trương của UBND huyện có cho phép hay không. Thực tế thì mô hình mới này chủ yếu là do các hộ dân liên kết với doanh nghiệp theo kiểu tự phát.

Thời điểm này, doanh nghiệp đã liên kết với người dân địa bàn trồng hơn 20 ha cà tím Nhật Bản. Phòng NN- PTNT huyện cũng đã mời đại diện doanh nghiệp lên làm việc, yêu cầu cung cấp đầy đủ hồ sơ thủ tục liên quan cũng như yêu cầu họ tính toán tính khả thi của mô hình, tránh trường hợp như những công ty khác trước đây từng đến địa bàn rồi “đem con bỏ chợ”.

"Qua xem xét, chúng tôi thấy người tham gia mô hình này được doanh nghiệp đầu tư 100% chi phí, dự kiến thu hoạch hết vòng đời của cây cà tím là từ 8-10 tháng thì nông dân sẽ có lãi và cũng mong là sẽ như vậy”, ông Mai Ngọc Quý nói.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.