| Hotline: 0983.970.780

Thanh Hóa: Rừng lim bị đốn hạ, điều chuyển hạt trưởng kiểm lâm

Thứ Tư 25/03/2020 , 08:33 (GMT+7)

Để xẩy ra nhiều vụ phá rừng, ông Lê Duy Ngợi, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Bá Thước lại được điều chuyển về Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa chờ phân công nhiệm vụ.

Thời gian vừa qua, Báo NNVN có nhiều bài viết liên quan đến công tác quản lý rừng trên địa bàn huyện Bá Thước. Theo đó, nhiều diện tích rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên có lim xanh bị chặt phá.

Trong thời gian ông Ngợi làm Hạt trưởng HKL, tại huyện Bá Thước xẩy ra nhiều vụ phá rừng. Ảnh: PT.

Trong thời gian ông Ngợi làm Hạt trưởng HKL, tại huyện Bá Thước xẩy ra nhiều vụ phá rừng. Ảnh: PT.

Mới đây nhất là vụ phá 45 cây gỗ rừng (15 cây lim xanh) xẩy ra vào tháng 1,2 năm 2020 nhưng HKL huyện Bá Thước báo cáo “sót” 27 cây. Tiếp đến là vụ chặt phá nhiều cây gỗ rừng tại làng Kế, xã Thiết Kế và làng Nán xã Thiết Ống.

Rừng bị chặt phá, đốt ngay cả ở khu vực gần các tuyến quốc lộ nhưng HKL huyện Bá Thước và chính quyền địa phương lại quản lý lỏng lẻo khiến tình trạng này có chiều hướng gia tăng.

Sau khi báo đăng, Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành và hiện UBND huyện Bá Thước đã có báo cáo về vụ việc. Tuy nhiên, công tác kiểm tra, thu thập các thông tin liên quan các vụ phá rừng vẫn đang tiếp tục.

Để kịp thời ổn định an ninh rừng, Chi cục Kiểm lâm đã quyết định điều động, bổ nhiệm nhân sự mới. Theo đó, ông Lê Duy Ngợi, Hạt trưởng; ông Đào Đình Huy, Hạt phó HKL Bá Thước được điều chuyển về Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa.

Ông Nguyễn Văn Cử, Phó phòng Thanh tra pháp chế Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa được bổ nhiệm làm Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Bá Thước thay cho ông Lê Duy Ngợi kể từ ngày 24/3.

Trước đó, liên quan đến các vụ phá rừng trên địa bàn huyện Bá Thước, tháng 12/2019, Sở NN-PTNT Thanh Hóa đã quyết định kỷ luật hàng loạt cán bộ kiểm lâm. Trong đó, ông Lê Duy Ngợi - Hạt trưởng, ông Đào Đình Huy - Hạt phó, ông Phạm Văn Dũng - phụ trách Trạm Kiểm lâm Điền Lư và phụ trách địa bàn xã Điền Thượng đều bị hình thức kỷ luật cảnh cáo. UBND huyện Bá Thước cũng có hình thức kiểm điểm, rút kinh nghiệm và kỷ luật đối với một loạt cán bộ huyện, xã để xẩy ra tình trạng phá rừng.

Rừng lim xanh tại làng Đô, xã Thiết ống bị chặt phá, khai thác. Ảnh: TN.

Rừng lim xanh tại làng Đô, xã Thiết ống bị chặt phá, khai thác. Ảnh: TN.

Việc Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa điều chuyển công tác đối với ông Lê Duy Ngợi, ông Đỗ Đình Huy và “thay máu” lãnh đạo hạt Kiểm lâm Bá Thước được dư luận đánh giá cao trong nỗ lực ổn định an ninh rừng trên địa bàn.

Tuy nhiên, với chức trách là hạt trưởng kiểm lâm đã để xẩy ra nhiều vụ phá rừng, bản thân ông Ngợi lại được điều động về Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa. Điều này khiến khiến dư luận băn khoăn, đặt câu hỏi, sau khi ông Ngợi, ông Huy được điều chuyển về Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa sẽ được bố trí công việc gì và liệu sau khi hết “án” kỷ luật có được bổ nhiệm ở một vị trí công tác tương đương trước khi bị điều chuyển, miễn nhiệm hay không?

Trả lời câu hỏi trên, ông Mai Hữu Phúc, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa cho hay, ông Ngợi được điều chuyển về Phòng Thanh tra pháp chế, ông Huy về Phòng Tổ chức. Hiện nay, cả hai ông đều là nhân viên chứ không được bổ nhiệm chức vụ gì.

“Trước mắt chưa bổ nhiệm chức vụ cho ông Ngợi và ông Huy. Khi hết án kỷ luật sẽ xem xét, nếu phấn đấu tốt cũng sẽ xem xét bổ nhiệm, kể cũng thiệt thòi cho họ” – ông Phúc cho biết thêm.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Nhiều rào cản trong phát triển rừng gỗ lớn

Quảng Nam Phát triển rừng gỗ lớn giúp tăng hiệu quả kinh tế, hướng đến phát triển lâm nghiệp bền vững. Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều này thì cần phải tháo gỡ những rào cản.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.