| Hotline: 0983.970.780

Phá rừng trái phép tại Bá Thước: Chính quyền không biết?

Thứ Năm 12/03/2020 , 10:49 (GMT+7)

Tình trạng đốt, phá rừng tại huyện Bá Thước đang có chiều hướng gia tăng khiến dư luận hoài nghi về vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước của kiểm lâm và chính quyền.

Rừng già lại “chảy máu”

Theo phản ánh của bạn đọc, thời gian gần đây, tại các xã như Thiết Kế, Thiết Ống huyện Bá Thước (Thanh Hóa) liên tiếp xảy ra các vụ đốt, phá rừng trái phép.

Rừng già làng Kế đang bị tàn phá không thương tiếc. Ảnh: Võ Dũng.

Rừng già làng Kế đang bị tàn phá không thương tiếc. Ảnh: Võ Dũng.

Trong chuyến công tác cách đây vài tuần, chúng tôi tình cờ nghe được cánh buôn gỗ trên địa bàn huyện Bá Thước “chỉ điểm” một điểm khai thác gỗ tại xã Thiết Kế. Tuy nhiên, để đi vào hiện trường cần có người dẫn đường nếu không muốn bị thất lạc giữa rừng già.

Một số gỗ chưa kịp đưa ra khỏi rừng. Ảnh: Võ Dũng.

Một số gỗ chưa kịp đưa ra khỏi rừng. Ảnh: Võ Dũng.

Sau khi đã nhờ được một người dân địa phương, từ tờ mờ sáng chúng tôi quyết định lên đường tiếp cận hiện trường.

Từ quốc lộ 15, để đến điểm phá rừng chúng tôi phải đi theo con đường đất đá nham nhở chừng 15km. Cánh rừng già dần hiện ra trước mắt, bên ngoài vẫn được phủ một màu xanh nhưng khi đi sâu vào trong mới biết, phần lõi đang bị lâm tặc ngày đêm “rút ruột”.

 
Có những cây vừa mới bị đốn hạ, gốc còn ứa nhựa. Ảnh: Võ Dũng.

Có những cây vừa mới bị đốn hạ, gốc còn ứa nhựa. Ảnh: Võ Dũng.

Tại hiện trường, chúng tôi chứng kiến nhiều cây gỗ bị đốn hạ. Có những cây đường kính gốc 80cm, gỗ đã được vận chuyển đi, chỉ còn lại những đống mùn cưa, gốc và nhánh cành, ngọn.

Người dẫn đường cho hay, cánh rừng này trước đây được bảo vệ rất nghiêm ngặt nhưng thời gian gần đây không hiểu vì lý do gì bị đốn hạ không thương tiếc. Đối tượng mà cánh lâm tặc hướng đến chủ yếu là nghiến và sến.

Các đối tượng đánh dấu một cây gỗ để chuẩn bị khai thác. Ảnh: Võ Dũng.

Các đối tượng đánh dấu một cây gỗ để chuẩn bị khai thác. Ảnh: Võ Dũng.

Men theo tuyến độc đạo, chúng tôi vào điểm cuối con đường làng Kế để tiếp tục ghi nhận hiện trường phá rừng. Tại đây, xuất hiện thêm những cây gỗ đường kính từ 50-80cm đã bị chặt hạ. Gỗ đã được vận chuyển ra khỏi rừng, chỉ còn lại gốc, cành, nhánh và mùn cưa. Cũng có những thân cây bị đốn hạ, vỏ đã bục nhưng lâm tặc chưa kịp xẻ để đưa ra khỏi rừng. Nhiều cây lớn khác đã được cánh lâm tặc đánh dấu bằng những lát cắt ngang gốc cây.

Đốt, phá rừng trái phép

Rời làng Kế, chúng tôi tiếp tục nhận thông tin tại khu vực làng Nán, xã Thiết Ống vừa xảy ra vụ chặt, đốt rừng tái sinh tự nhiên. Người dân ở đây cho biết, cách đây ít ngày, ông Bùi Văn Lượng người làng Nán - chủ rừng đã gây ra vụ chặt, đốt rừng trên.

 Một khoảnh rừng tại làng Nán bị chặt đốt. Ảnh: Võ Dũng.

 Một khoảnh rừng tại làng Nán bị chặt đốt. Ảnh: Võ Dũng.

Tại hiện trường, nhiều cây gỗ có đường kính từ 20-50cm đã bị chặt hạ, cưa khúc. Phía trên khu đồi có những gốc cây gỗ chỉ còn trơ gốc, vết cháy nham nhở. Một số gỗ vi phạm bị bắt giữ và đang tập kết tại UBND xã Thiết Ống.

Trao đổi qua điện thoại, ông Nguyễn Hữu Thành, Chủ tịch UBND xã Thiết Ống cho rằng: “Đây không phải là đốt. Vụ việc này chúng tôi mới phát hiện hôm qua, diện tích là 400m2. Hiện lực lượng kiểm lâm và anh em xã họ phát hiện, đang kiểm tra, lập biên bản”.

Gỗ khai thác được ông Lượng tập kết dưới chân đồi. Ảnh: Võ Dũng.

Gỗ khai thác được ông Lượng tập kết dưới chân đồi. Ảnh: Võ Dũng.

Còn ông Lê Duy Ngợi, Hạt trưởng Kiểm lâm huyện Bá Thước lại khẳng định, đây chỉ là việc đốt dọn thực bì thông thường của người dân trong rừng luồng chứ không phải phá rừng.

Trước đó, như Báo Nông nghiệp Việt Nam đã đưa tin, vào ngày 7/2/2020, kiểm lâm huyện Bá Thước đã lập biên bản và xử phạt chủ rừng là ông Bùi Thanh Tùng tại làng Đô, xã Thiết Ống số tiền 750 nghìn đồng vì không có bảng kê lâm sản. Vụ việc khiến dư luận băn khoăn khi Hạt Kiểm lâm Bá Thước báo cáo có 18 cây gỗ bị chặt (trong đó có 11 cây lim) nhưng thực tế hiện trường lại có 34 cây.

Thực trạng đốt, phá rừng trái phép đang diễn ra cho thấy an ninh rừng tại huyện Bá Thước đang có nhiều bất ổn. Chính quyền sở tại cũng như ngành kiểm lâm đang tỏ ra lỏng lẻo trong công tác bảo vệ rừng.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Xây dựng vườn ươm cải tiến sản xuất giống cây lâm nghiệp

QUẢNG TRỊ Các vườn ươm cải tiến cung cấp 1,8 triệu cây giống lâm nghiệp chất lượng cao cho trồng rừng bền vững gắn với thực hiện chứng chỉ rừng vùng nguyên liệu.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.