Những năm qua, Thanh Hóa đã có nhiều chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Cùng với việc tạo điều kiện thuận lợi trong giải phóng mặt bằng, xây dựng vùng nguyên liệu, Thanh Hóa hỗ trợ 100% kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng sạch cho các doanh nghiệp thực hiện dự án chế biến nông, lâm sản, quy mô vốn đầu tư 20 tỷ đồng trở lên và sử dụng tối thiểu 30% số lao động địa phương.
Nhờ chính sách tích tụ đất đai, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nhiều doanh nghiệp đã manh dạn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Hàng năm, Thanh Hóa rà soát, bổ sung, điều chỉnh vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng từng vùng để bố trí cây trồng, vật nuôi phù hợp, có chính sách riêng cho doanh nghiệp đầu tư chế biến nông sản và doanh nghiệp bao tiêu nông sản cho nông dân.
Với nhiều giải pháp đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư chế biến rau, quả, trong năm 2021, Thanh Hóa đã thu hút thêm 9 doanh nghiệp thu mua chế biến rau quả, nâng tổng số doanh nghiệp chế biến rau, quả hiện có trên địa bàn tỉnh lên 25 doanh nghiệp, với tổng công suất đạt gần 110.000 tấn/năm.
Các sản phẩm rau được chế biến thông qua việc sơ chế, đóng gói bảo quản cung cấp cho thị trường, với các sản phẩm chủ yếu, như: dưa chuột muối, ớt muối, ớt đông lạnh,...
Việc triển khai hiệu quả Luật Doanh nghiệp, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Thanh Hóa đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Đặc biệt, tỉnh đã ưu tiên thu hút đầu tư của doanh nghiệp phát triển chuỗi giá trị đồng bộ đối với sản phẩm có lợi thế của địa phương, gắn với vùng nguyên liệu.
Theo thống kê, năm 2021 Thanh Hóa đã phát triển thêm 99 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nâng số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh lên 989 doanh nghiệp.
Cũng trong năm 2021, Thanh Hóa đã thu hút được 12 dự án chăn nuôi lợn công nghệ cao với tổng mức đầu tư 14.102,7 tỷ đồng và hiện đang xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư 9 dự án chăn nuôi, trong đó có 5 dự án của Tập đoàn Xuân Thiện gắn với các nhà máy giết mổ và chế biến thịt lợn với số vốn dự kiến 12.500 tỷ đồng.