Ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa:
“Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu quyết tâm chính trị cao nhưng chúng ta phải quyết tâm rất cao để thực hiện 5 mục tiêu phát triển nông nghiệp. Chúng ta phải quyết tâm ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm 2021; phấn đấu tốc độ tăng trưởng (VA) đạt 3% trở lên; sản lượng lương thực giữ mức 1,5 triệu tấn; tỷ lệ che phủ rừng 53,5% ; thêm 2 huyện và thành phố Sầm Sơn, 19 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 26 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; bình quân toàn tỉnh đạt 17,7 tiêu chí nông thôn mới/xã”.
Theo báo cáo tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2020, triển khai kế hoạch năm 2021 do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa tổ chức chiều 15/1, giá trị xuất khẩu nông sản năm 2020 của tỉnh ước đạt 112,482 triệu USD.
Trong đó, hàng nông lâm sản đạt gần 17 triệu USD; thủy sản trên 95,5 triệu USD.
Các mặt hàng nông, lâm thủy sản sản xuất khẩu chủ yếu là tinh bột sắn; thịt súc sản; chả cá Surimi; bột cá; dăm gỗ...
Năm 2020, ngành nông nghiệp Thanh Hóa được đánh giá thành công trên nhiều lĩnh vực. Huy động đầu tư công ngành nông nghiệp Thanh Hóa đạt 35,3 nghìn tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ.
Trong đó, vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước 4,8 nghìn tỷ đồng; vốn tín dụng đầu tư phát triển 8 nghìn tỷ đồng; vốn đầu tư trực tiếp trong nước 4 nghìn tỷ đồng; vốn FDI 500 tỷ đồng; vốn đầu tư của khu vực dân cư và các thành phần kinh tế khác 18 nghìn tỷ đồng.
Vượt qua một năm với nhiều khó khăn thử thách, các chỉ tiêu đặt ra trên lĩnh vực nông nghiệp đều đạt và vượt kế hoạch: Tốc độ tăng trưởng (VA) ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt trên 3%; sản lượng lương thực 1,5 triệu tấn; tỷ lệ che phủ rừng 53,46%.
Sau khi khống chế được dịch tả lợn châu Phi, các địa phương đẩy mạnh phát triển chăn nuôi: Đàn lợn tăng 569,7 nghìn con; đàn bò 260,36 nghìn con; sản lượng thịt hơi 238 nghìn tấn; các sản phẩm lợi thế, chủ lực của tỉnh tiếp tục phát triển.
Chăn nuôi đã có sự chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất. Chăn nuôi nông hộ phát triển theo hướng an toàn dịch bệnh và bền vững. Chăn nuôi trang trại, gia trại tập trung theo chuỗi khép kín, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến; cải tạo giống vật nuôi theo hướng tăng tỷ lệ giống tiến bộ kỹ thuật, có năng suất, chất lượng cao. Quản lý chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm vật tư đầu vào được tăng cường.
Năm 2020, Thanh Hóa thu hút được nhiều dự án lớn đầu tư phát triển trang trại chăn nuôi, đặc biệt là đã khởi công Khu liên hợp sản xuất, chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện - Thanh Hóa I, với tổng số vốn lên đến 36 nghìn tỷ đồng.
Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ngày càng tăng về số lượng và chất lượng. Năm 2020, toàn tỉnh có 890 doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vào nông nghiệp.
Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt kế hoạch đề ra, Đề án Phát triển các sản phẩm OCOP vượt mục tiêu; các nhiệm vụ giảm nghèo và an sinh xã hội được quan tâm thực hiện
Đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 8 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 329 xã, 831 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới; 22 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 1 xã, 61 thôn/bản đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; bình quân toàn tỉnh đạt 17,5 tiêu chí/xã. Toàn tỉnh có 69 sản phẩm OCOP đã được đánh giá, xếp hạng.
Tại hội nghị, thừa lệnh Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã trao Huân chương Lao động hạng III cho ông Trần Đức Năng, Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa; ông Đỗ Văn Kỳ, nguyên Trưởng phòng Trồng trọt; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho ông Nguyễn Đức Bắc, Trưởng phòng hành chính tổng hợp Chi cục Kiểm lâm.
Tập thể cán bộ công nhân viên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua vì có thành tích xuất sắc, dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước năm 2019.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa trao Giấy khen cho 61 tập thể, 254 cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2020.