| Hotline: 0983.970.780

Thanh Lam luôn nhớ cái bạt tai của cha

Thứ Năm 30/10/2014 , 09:11 (GMT+7)

Trước đêm nhạc “Bản tình ca cha viết” diễn ra, nữ ca sĩ Thanh Lam đã có những chia sẻ xúc động về cha mình - nhạc sĩ Thuận Yến.

Chị là người lên kế hoạch cho Liveshow “Bản tình ca cha viết” và đảm nhận vai trò nhà sản xuất chương trình. Liệu chị có xuất hiện trong đêm nhạc với vai trò một ca sĩ?

Với tôi, đây không chỉ là đêm nhạc về cha mình, mà còn là đêm nhạc của vị nhạc sĩ có ảnh hưởng lớn nhất đến sự nghiệp âm nhạc của tôi. Vì thế, khán giả sẽ được thấy không chỉ một mà là hai tiếng hát cùng lúc: của một người con và một ca sĩ.

Tuy nhiên, tôi sẽ có sự tiết chế cần thiết trong phần biểu diễn của mình. Ngoài những sáng tác được xem là dấu ấn như “Chia tay hoàng hôn”, “Em tôi”, “Khát vọng”, “Đợi chờ”..., tôi sẽ nhường mảng tình ca cho các bạn diễn và thử sức ở những mảng âm nhạc khác của cha mình.

Trong liveshow này, tôi sẽ dành tặng khán giả hai tác phẩm viết về người mẹ là “Lắng nghe con mẹ ru mẹ hát” và “Mẹ Việt Nam, mặt trời trong tim con”. Đây là hai ca khúc của cha tôi lần đầu tiên được công bố và cũng là lần đầu tiên tôi hát. 

Trước đây, chị và em trai - nhạc sĩ Trí Minh đã cùng nhau làm một chương trình về cha mình rồi. Vậy sự khác biệt của chương trình lần này là gì?

Năm 2009, tôi và Trí Minh đã từng tổ chức Liveshow "Tình yêu không lời" tại Nhà hát Lớn Hà Nội để dành tặng cha. Đêm nhạc này là lời động viên ông vượt qua bệnh tật bằng cách đưa ông trở lại với bầu không khí âm nhạc của riêng mình. Và cũng để cha nhìn thấy tận mắt sự trưởng thành trong nghề nghiệp của chúng tôi.

Và liveshow lần này cũng là một món quà gia đình dành tặng cho cha, nhưng bằng kí ức của những người ở lại. Tại sân khấu này, tôi và gia đình sẽ cùng ôn lại những kỷ niệm bằng câu chuyện âm nhạc cha đã viết suốt cả cuộc đời. Liveshow sẽ được cất lên như khúc vĩ thanh gửi về trời cho cha. Tôi đã mơ được hát "bản tình ca cha viết" đến cháy bỏng từ sau ngày cha mất.

Được biết, nhạc sĩ Quốc Trung sẽ tham gia tổ chức Liveshow “Bản tình ca cha viết”. Vậy lần này nhạc sĩ Quốc Trung sẽ đóng vai trò gì?

Tôi nói với Quốc Trung: “Anh ơi, chương trình này của cha, anh phải đứng phía sau để lo, chứ không chỉ biểu diễn thôi đâu”. Và anh ấy sẽ giúp tôi lo tổng thể ở phía sau hậu trường, và cả biểu diễn trên sân khấu nữa.

Mọi người sẽ thấy một điểm đặc biệt khác của chương trình này là có sự “đổi vai” giữa các thành viên. Nếu như trước đây, Quốc Trung luôn nắm vai trò nhà sản xuất, chủ trì các đêm nhạc có tôi diễn thì lần này, tôi lại ngồi vào “cái ghế” đó. Quốc Trung vẫn hay đùa mọi người là lần này chỉ làm “đầu sai” cho vợ cũ!

Liveshow “Bản tình ca cha viết” sẽ diễn ra vào lúc 20h ngày 8/11 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội với sự xuất hiện của các ca sĩ khách mời như Tùng Dương, Trọng Tấn, Anh Thơ... Phần dàn dựng âm nhạc sẽ do các nhạc sĩ Lưu Hà An, Trí Minh, Quốc Trung, Trần Mạnh Hùng đảm nhiệm.

Không chỉ vậy, con gái Thiện Thanh cũng tham gia với ca khúc "Con gái mẹ đã là chiến sĩ", thể hiện trên nền nhạc đàn tranh của bà ngoại.

Đêm nhạc có phần dành riêng kể về tình yêu của cha mẹ chị, nhạc sĩ Thuận Yến và nghệ sĩ đàn tranh Thanh Hương?

Tất nhiên, bởi một phần lớn gia tài âm nhạc của cha là dành cho mẹ. Và giờ đây, mất mát lớn nhất trong gia đình, chắc chắn là mẹ. Cha tôi có mẹ đến tận phút cuối cùng, nhưng ngược lại kể từ bây giờ, mẹ tôi lại thiếu đi một nửa cuộc đời của mình. Và hơn ai hết, chính bà là người thấu hiểu nhất những câu chuyện gắn liền với từng bài hát mà cha tôi đã viết ra. Dự định của tôi là để cho mẹ tự kể lại câu chuyện tình của đời mình.

Thành công lớn nhất là tôi đã thuyết phục được mẹ trở lại sân khấu. Trong liveshow, có thể mẹ sẽ chơi đàn tranh cùng với Trí Minh trong bài "Tiếng đàn thập lục" - ca khúc mà cha tôi viết riêng cho mẹ. Trong lần trở lại này, mẹ sẽ đảm nhận luôn vai trò của người dẫn chuyện, kết nối tác phẩm.

Nhạc sĩ Thuận Yến là người đã đặt nền móng và tạo dấu ấn cho sự nghiệp của chị. Vậy còn ảnh hưởng của ông trong cuộc sống của chị như thế nào?

Những dấu mốc lớn trong cuộc đời của tôi đều có cha trong đó. Tôi vẫn nhớ như in cái bạt tai đầu tiên nhận từ cha trong một chuyến tàu vào Nam. Chỉ vì muốn ngửa mặt ra cửa sổ tàu đón gió. Mặc dù tới bây giờ, tôi vẫn thế, vẫn mạo hiểm, vẫn lãng đãng phiêu du nhưng mỗi lần đứng trước quyết định gì, tôi lại nhớ cái bạt tai của cha, giúp tôi giảm phần nào “bản năng”, mà sử dụng cái đầu nhiều hơn.

Những kí ức về cha luôn hiện về trong tôi bằng miếng bánh mì chấm sữa thời khốn khó, bằng những nốt nhạc cha con cùng nhau chỉnh lại vào những đêm thành phố đã ngủ yên... Tôi biết mình có thể làm sống lại một nhạc sĩ Thuận Yến, nhưng những gì thuộc về một người cha, tôi sẽ không còn gặp lại được nữa!

Xin cảm ơn chị!

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

Nhận định U23 Việt Nam vs U23 Iraq: Vượt lên chính mình

Trận đấu giữa U23 Việt Nam vs U23 Iraq trong khuôn khổ vòng tứ kết giải U23 Châu Á 2024 sẽ diễn ra vào lúc 00h30 ngày 27/4/2024 trận sân vận động Al Janoub.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm