Ông Nguyễn Tánh, một nông dân trồng thanh long ở thôn 5, xã Hàm Liêm (Hàm Thuận Bắc) cho biết, những ngày đầu năm mới giá thanh long trên địa bàn được các thương lái thu mua với giá rất cao, từ 15-20 ngàn đồng/kg (tùy loại).
Trong khi lứa thanh long trước Tết được kỳ vọng nhất trong năm vì theo quy luật rất hút hàng,, thì hầu hết nông dân thu hoạch bán với giá thấp, trung bình chỉ 5-6 ngàn đồng/kg nên thua lỗ nặng.
Gia đình ông Tánh có 350 trụ thanh long áp dụng chong đèn cho thu hoạch sản lượng khoảng 3 tấn vào ngày 20 tháng Chạp nhưng cũng chỉ bán với giá 5 ngàn đồng/kg, trong khi để có lãi giá thanh long phải trên 10 nghìn đồng/kg.
Theo ông Tánh, bây giờ quy luật tiêu thụ thanh long khó lường, nông dân khó đoán để sản xuất bán được giá cao như trước đây. Vì vậy dù giá thanh long hiện được thương lái thu mua ở mức cao nhưng đa số nông dân không còn hàng xuất bán đúng dịp này.
Cùng quan điểm ông Tánh, chị Nguyễn Thị Hạnh, ở thôn 6, xã Hàm Chính (Hàm Thuận Bắc) cũng cho rằng, lứa sau Tết ít có vườn còn thanh long chín để bán, trong khi năm ngoái thời điểm này còn khá nhiều thanh long. May mắn cho gia đình chị có 450 trụ nhờ chia nhiều đợt chong đèn, thì đợt này có 150 trụ cho trái chín thu hoạch với sản lượng gần 2 tấn.
“Do lứa thanh long này trái nhỏ nên thương lái chỉ mua 15 ngàn đồng/kg, song gia đình cũng kiếm gần 30 triệu đồng nên rất phấn khởi và có động lực sản xuất cho lứa thanh long tiếp theo”, chị Hạnh chia sẻ.
Bình Thuận là “thủ phủ” thanh long của cả nước, với diện tích lên đến hơn 30.000 ha, sản lượng khoảng 600 ngàn tấn/năm. Hiện thanh long Bình Thuận chủ yếu được thị trường Trung Quốc tiêu thụ chính.
Theo Sở Công thương Bình Thuận, sở dĩ khoảng giữa tháng 1/2021, giá thanh long trên địa bàn ở mức thấp, dao động từ 5.000 – 7.000 đồng/kg (loại xô), đến cuối tháng giá tiếp tục giảm còn 2.000 – 5.000 đồng/kg (loại xô), bởi do tình hình tiêu thụ tại các chợ biên giới chậm và nhu cầu tiêu dùng thấp. Bên cạnh đó phía Trung Quốc vẫn đang tiến hành song song với các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.
Ngoài ra, Trung Quốc còn nâng cao hàng rào về kiểm dịch thực vật, quy định ngày càng khắt khe hơn, trong đó, có yêu cầu phải có chứng nhận vùng trồng. Từ đó, các doanh nghiệp từ phía Trung Quốc cũng đặt hàng thanh long ít đi.
Tuy nhiên theo ông Biện Tấn Tài, Phó giám đốc Sở Công thương Bình Thuận, từ đầu tháng 2/2021, nhu cầu tiêu dùng từ phía Trung Quốc tăng cao, thanh long lại khan hiếm nên giá nhích dần lên từ 9.000 - 11.000 đồng/kg (loại xô). Và, những ngày cận Tết đến nay, giá thanh long ở mức 15.000 – 20.000 đồng/kg.
Về phía các doanh nghiệp thu mua thanh long trên địa bàn tỉnh Bình Thuận cũng xác nhận, đầu năm các doanh nghiệp nhận nhiều đơn đặt hàng thanh long từ phía Trung Quốc với giá cả thu mua tương đối cao.
Nguyên nhân do hàng hóa bên phía Trung Quốc hiện khan hiếm, cộng với đường sá vận chuyển rất thông thoáng và các cửa khẩu đều cho qua hàng hóa thông qua.
Bà Phạm Thị Xinh, Giám đốc Công ty TNHH XNK Nông sản Nguyên Thuận, một đơn vị chuyên thu mua thanh long xuất sang thị trường Trung Quốc, cho hay việc giá thanh long tăng mạnh rất thuận lợi cho các doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua cũng như giúp người trồng thanh long có thu nhập.
Tuy nhiên thanh long chín thời điểm này rất ít và không dồi dào cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Như doanh nghiệp của chị Xinh hoạt động thu mua thanh long vào mùng 4 Tết xong đã đứt hàng. Doanh nghiệp nghỉ đến mùng 8 Tết mới hoạt động trở lại nhưng hiện thanh long được đơn vị thu mua cũng không đáng kể.
Cũng theo các doanh nghiệp thu mua thanh long, trong thời gian tới giá thanh long có giữ ở mức ổn định như hiện nay thì còn lệ thuộc vào thị trường, không dự đoán được. Hiện nay các doanh nghiệp thu mua thanh long chỉ nhận các đơn đặt hàng từ phía Trung Quốc trong thời gian ngắn, cụ thể vài ngày họ đặt vài container, rồi sau đó đặt tiếp theo, chứ không ký hợp đồng theo từng tháng, từng năm…
Theo Sở Công thương Bình Thuận, trong tháng 1/2021, kim ngạch xuất khẩu thanh long chính ngạch trên địa bàn tỉnh được 608 tấn với giá trị 693.500 USD, giảm 12,86% về giá trị và giảm 17,66% về lượng so với cùng kỳ năm 2020. Ngoài các cặp cửa khẩu: Tân Thanh - Pò Chài, Cốc Nam - Lũng Vài, Pò Nhùng - Dầu Ái và Na Hình - Kéo Ái nghỉ Tết từ 12-17/2/2021 (tức là từ 30 tết đến hết mùng 6 tết), các cửa khẩu khác trên địa bàn tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang được thực hiện thông quan song song với các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19.