Tại Hội nghị giao thương trực tuyến thanh long Việt Nam với các đối tác Ấn Độ và Pakistan năm 2021, ông Phạm Sanh Châu, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ấn Độ, cho biết, thị trường Ấn Độ rất giàu tiềm năng cho hàng trái cây của Việt Nam nói chung và thanh long nói riêng.
Ấn Độ có 1,4 tỷ dân, trong đó 60% người dân nước này ăn chay, món ăn của họ chủ yếu là rau quả. Trung bình mỗi người dân Ấn Độ sử dụng 3kg trái cây trong 1 tháng, theo đó cả nước sẽ tiêu thụ khoảng 48 triệu tấn/năm.
Hiện nay, Ấn Độ vẫn đang là thị trường dễ tính. Đây là điều kiện thuận lợi để trái cây của Việt Nam nói chung và thanh long nói riêng có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang nước này.
Ông Bùi Trung Thướng, Tham tán, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ, chia sẻ, nhu cầu của Ấn Độ về mặt hàng này khá tốt vì sản phẩm có lợi cho sức khỏe, hương vị thơm, nhiều dinh dưỡng. Hiện nay, Ấn Độ chủ yếu nhập khẩu thanh long từ Việt Nam, Thái Lan, Malaysia và Sri Lanka.
Theo ông Nguyễn Tiên Phong, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Pakistan, Pakistan đã nhập khẩu nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam, nhưng hầu như chưa nhập khẩu trái cây. Do đó, thị trường này vẫn đang có nhiều tiềm năng cho trái cây Việt Nam nói chung và thanh long nói riêng. Cũng như Ấn Độ, Pakistan là thị trường dễ tính, chú trọng tới những mặt hàng ngon, giá rẻ. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cũng nên tìm hướng để khai thác thị trường này.
Thanh long Việt Nam được Ấn Độ cho phép xuất khẩu vào nước này từ năm 2014. Từ đó đến nay, xuất khẩu thanh long sang Ấn Độ tăng trưởng liên tục. Trong giai đoạn 2015-2020, xuất khẩu thanh long sang Ấn Độ tăng gấp 10 lần, từ 1 triệu USD năm 2015 đến xấp xỉ 10 triệu USD năm 2020.
Tuy nhiên, so với năng lực xuất khẩu của thanh long Việt Nam, thì con số trên còn khá khiêm tốn. Trong khi đó, thị trường Ấn Độ vẫn đang rất rộng mở đối với thanh long Việt Nam, bất chấp việc nước này cũng đã bắt đầu trồng thanh long hàng hóa ở nhiều địa phương.
Để đẩy mạnh xuất khẩu thanh long sang Ấn Độ, ông Bùi Trung Thướng cho rằng, các doanh nghiệp, địa phương cần chủ động hơn nữa trong việc quảng bá, đưa thanh long vào thị trường này. Song song với đó là chú ý phát triển vùng trồng chất lượng cao, đáp ứng đúng những quy định, yêu cầu của thị trường, thay vì mở rộng diện tích. Một khi có sản phẩm chất lượng đảm bảo thì việc tìm kiếm, phát triển thị trường, duy trì vị thế cạnh tranh sẽ thuận lợi và bền vững hơn rất nhiều.
Ông Bùi Trung Thướng cũng lưu ý về sự thiếu đoàn kết, cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long. Thị trường Ấn Độ đang rất rộng mở với thanh long Việt, nhưng nhiều doanh nghiệp, thay vì cạnh tranh bằng chất lượng lại cố tính hạ giá xuống thấp để giành khách hàng. Điều này gây mất uy tín không nhỏ cho thanh long Việt Nam.
Do vấn đề chính trị, Ấn Độ đã gọi trái thanh long là “kamalam” thay cho “dragon fruit” là cách gọi quen thuộc của người Trung Quốc. Do đó, khi xuất khẩu thanh long sang Ấn Độ, các doanh nghiệp Việt Nam nên tránh dùng tên gọi “dragon fruit”, mà có thể dùng cách gọi mới của người Ấn Độ, hay để chữ “thanh long” cũng được vì người Ấn Độ đang quen dần với cách gọi loại trái cây này của người Việt Nam.
Đặc biệt, trên vỏ bao bì thanh long xuất khẩu sang Ấn Độ không nên dùng màu đỏ và in chữ Trung Quốc như lâu nay, mà nên in bằng tiếng Anh. Như vậy, vừa tạo thiện cảm hơn với người Ấn Độ, vừa tránh để họ hiểu nhầm rằng đây là loại trái cây của Trung Quốc.
Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), thanh long được xác định là loại trái cây có lợi thế cạnh tranh đứng thứ nhất trong 11 loại trái cây ở Việt Nam, và thường nằm trong nhóm sản phẩm xuất khẩu tỷ đô của Việt Nam trong những năm qua.
Các sản phẩm thanh long của Việt Nam hiện nay khá đa dạng, ngoài thanh long quả tươi còn có thanh long sấy khô, sấy dẻo, nước ép si rô, snack thanh long, rượu vang thanh long, kem thanh long, chả cá thanh long, bánh mỳ thanh long… Đặc biệt, sản phẩm bột thanh long (hay còn gọi là bột pitahaya) có hàm lượng dinh dưỡng và tác dụng rất tốt cho sức khỏe, được coi là một siêu thực phẩm nhiệt đới.