| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 13/04/2021 , 15:02 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 15:02 - 13/04/2021

Thành phố mới với nỗi lo cũ về công sản

Thành phố mới Thủ Đức sau khi kiện toàn bộ máy tổ chức chính quyền, đang phải đương đầu với nỗi lo cũ về công sản.

Phát biểu tại Hội nghị lần hai Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Thủ Đức khóa 1, Bí thư Thành ủy TPHCM - Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh cần phải nhanh chóng thống kê để sử dụng công sản một cách hợp lý, nhất là quỹ đất không thể lãng phí và thất thoát.

Nỗi băn khoăn ấy không hề mới mẻ, nhưng vẫn là mối bận tâm thường xuyên của cán bộ và nhân dân. Quá trình tách nhập các đơn vị hành chính, luôn tạo ra những khoảng trống ít được giám sát về công sản.

Từ huyện Thủ Đức tách ra làm quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức, rồi lại nhập vào để có thành phố Thủ Đức hôm nay là một hành trình gây không ít xáo trộn trong đời sống xã hội.

Bây giờ, với cơ chế đặc thù, thành phố Thủ Đức phát triển ra sao, phụ thuộc rất nhiều vào sự quy hoạch và sự phân phối công sản.

Với mô hình “thành phố trong thành phố”, lãnh đạo thành phố Thủ Đức xác định dư địa lớn nhất để đô thị mới này phát triển là đất đai. Làm sao phát huy nguồn lực quỹ đất để củng cố giao thông, hoàn thiện hạ tầng và kêu gọi đầu tư, nếu bài toán công sản không được giải quyết một cách hiệu quả.

Ngoài trụ sở hiện hữu được dôi dư do sáp nhập các cơ quan hành chính, thì thành phố Thủ Đức có quỹ đất vượt trội so với các quận khác của TPHCM. Riêng phần diện tích thu hồi từ dự án giai đoạn 2 của Khu công nghệ cao đã lên đến 1000 ha, khiến không ít công ty bất động sản hướng mắt về thành phố Thủ Đức với thái độ thèm thuồng. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên, khi ông Nguyễn Văn Nên yêu cầu “kiểm tra lại tất cả đất nhà nước quản lý để đưa vào kế hoạch sử dụng ngắn và dài hạn”.

Nguồn lực đất đai đang ngày càng thu hẹp lại, khi tốc độ gia tăng dân số và tốc độ đô thị hóa ngày càng chóng mặt. Cộng đồng không những ưu tư với viễn cảnh “đại dương là cánh đồng canh tác cuối cùng của con người”, mà còn phải đối diện với những hệ lụy chen chúc ngột ngạt của môi trường sống. Do đó, việc sử dụng công sản, mà cụ thể là sử dụng quỹ đất ra sao, sẽ tác động trực tiếp đến chất lượng dân sinh.

Thành phố mới Thủ Đức sau khi kiện toàn bộ máy tổ chức chính quyền, thì phải đương đầu với nỗi lo cũ về công sản.

Bao nhiêu công sản đang có nguy cơ bị thao túng bởi lợi ích nhóm? Bao nhiêu công sản đang được dùng sai mục đích? Bao nhiêu công sản đang phơi mưa phơi nắng mà không đưa vào phục vụ nhu cầu thiết thực của người dân? Những câu hỏi gay gắt, dường như không phải dành riêng cho thành phố Thủ Đức.

Bởi lẽ, nhìn rộng hơn, vẫn còn không ít công sản trên toàn quốc đang rơi vào hoàn cảnh “cha chung không ai khóc”.

Phải chăng, đã đến lúc phải công khai hóa công sản. Nghĩa là, ngoài những công trình an ninh quốc gia, mỗi người dân đều được biết, công sản X hoặc mảnh đất Y đang được cho ai thuê, với giá nào hoặc sẽ được đấu thầu và chuyển đổi ra sao.