| Hotline: 0983.970.780

Thành phố Thái Nguyên xây dựng đô thị số thông minh

Thứ Sáu 28/10/2022 , 19:47 (GMT+7)

Đến năm 2025, thành phố Thái Nguyên sẽ ưu tiên phát triển chính quyền số, với 3 hợp phần chính, gồm: Phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Thành phố Thái Nguyên được tỉnh Thái Nguyên đầu tư nguồn lực xây dựng đô thị thông minh. Xác định đây là một yếu tố cốt lõi, thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững. Từ tháng 6/2021 đến nay, thành phố là địa phương đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên triển khai mô hình “Phòng họp không giấy tờ” tại các hội nghị của Ban Thường vụ Thành ủy, kỳ họp HĐND thành phố, phiên họp thường kỳ UBND thành phố.

Thành phố Thái Nguyên đặt mục tiêu đến năm 2025 có trên 90% thủ tục hành chính được giải quyết thông qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; trên 300 doanh nghiệp số và trên 50% dân số có tài khoản thanh toán điện tử; Đến năm 2030, thành phố phấn đấu có trên 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng với dịch vụ công trực tuyến. Trong đó có mục tiêu trên 1.500 doanh nghiệp số; hơn 80% dân số trên địa bàn có tài khoản thanh toán điện tử...

Trung tâm thành phố Thái Nguyên. Ảnh: Toán Nguyễn.

Trung tâm thành phố Thái Nguyên. Ảnh: Toán Nguyễn.

Thành phố đã  triển khai đồng bộ về lĩnh vực này, xác định việc tuyên truyền, bồi dưỡng nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân về các nhiệm vụ chuyển đổi số bằng nhiều hình thức phong phú, hiệu quả; Triển khai các hệ thống thông tin, nền tảng số dùng chung; xây dựng hệ thống thông tin đổi mới lề lối, phương thức làm việc, phục vụ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn.

Song song với đó, thành phố Thái Nguyên đã đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, đường truyền số liệu chuyên dùng, hệ thống truyền hình hội nghị; lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu điều khiển giao thông tại vị trí một số nút giao theo công nghệ mới, có sử dụng điều khiển thông minh từ trung tâm điều hành và smartphone; Tất cả 32 phường, xã trực thuộc đã triển khai lắp đặt, kết nối hệ thống 304 camera giám sát, kết nối trực tiếp tại các vị trí với trụ sở UBND các phường, xã để phục vụ công tác quản lý và chỉ đạo, điều hành của chính quyền cơ sở.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, thành phố Thái Nguyên có gần 27.000 điểm tạo mã QR với 1.889.852 lượt quét, 15.608 tài khoản cài đặt C-ThaiNguyen; Triển khai thử nghiệm mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng hỗ trợ người dân tham gia chuyển đổi số tại 401 xóm, tổ dân phố, với 2.602 thành viên, mỗi đơn vị phường, xã thành lập 01 nhóm Zalo để tương tác, trao đổi triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số.

Các nền tảng số dùng chung trên địa bàn thành phố Thái Nguyên hiện nay như: Phần mềm tổ chức các hội nghị trực tuyến phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Thành ủy - HĐND - UBND thành phố; các hội nghị tiếp xúc cử tri; các cuộc họp được kết nối trực tuyến tới điểm cầu 32 phường, xã trên địa bàn thành phố; 100% cán bộ, công chức, viên chức được cấp thư điện tử @thainguyen.gov.vn; thực hiện số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên để đảm bảo việc kết nối chia sẻ dữ liệu trong giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử;

Thực hiện công khai, minh bạch 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết, niêm yết công khai các danh mục, quy trình nội bộ, giấy tờ, hồ sơ, mức thu phí và thời gian giải quyết đối với tất cả các TTHC thuộc các lĩnh vực tại Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả TTHC của UBND thành phố, Cổng thông tin điện tử thành phố để các tổ chức và công dân tra cứu…

Qua đó, giúp TP Thái Nguyên từng bước nâng cao thực hiện dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 và phần mềm tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa cho 32 phường, xã đảm bảo kết nối với 4 cấp.

Hệ thống camera giám sát an ninh trật tự thành phố Thái Nguyên hoạt động góp phần đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn.

Hệ thống camera giám sát an ninh trật tự thành phố Thái Nguyên hoạt động góp phần đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn.

Đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số gắn với đảm bảo an toàn, an ninh thông tin mạng; thu hút đầu tư phát triển đô thị thông minh; khai thác, sử dụng hiệu quả nền tảng số trong quản lý xã hội gắn với triển khai các chương trình chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực; đẩy nhanh tiến độ triển khai các đề án, dự án phát triển chính quyền điện tử...

Để hiện thực những vấn đề đó, ngày 13/10, thành phố Thái Nguyên đã tổ chức đưa vào hoạt động Công trình Trung tâm Điều hành đô thị thông minh và hệ thống camera giám sát trật tự có tổng mức đầu tư khoảng 45 tỷ đồng, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn đô thị trên địa bàn TP Thái Nguyên. Đây là một hạng mục thực hiện tốt nhiệm vụ chuyển đổi số, tạo dựng nền tảng ban đầu để xây dựng chính quyền điện tử tại địa phương; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phục vụ tốt nhu cầu của người dân…

Hiện nay, thành phố cũng đang triển khai hiệu quả Đề án ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn thành phố.

Mục tiêu đến năm 2030, TP Thái Nguyên trở thành đô thị văn minh, hiện đại, mở rộng về hai bờ sông Cầu; một trong những trung tâm kinh tế, chuyển đổi số, văn hóa, giáo dục đào tạo, y tế, khoa học công nghệ, thể thao, du lịch, “đầu tàu” phát triển của vùng trung du và miền núi Bắc bộ.

Xem thêm
Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới

Hiện nay, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.

Số hóa thị trường nông sản thông qua phần mềm AgriDataGo

AgriDatatGo là phần mềm giúp bà con nhanh chóng tiếp cận với thị trường mà sản phẩm hướng tới, cũng như cách thức để sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của thị trường đó.

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.