| Hotline: 0983.970.780

Thanh trà mất mùa, được giá

Thứ Tư 09/03/2016 , 10:15 (GMT+7)

Chính vì khan hiếm nên giá thanh trà đầu mùa năm nay vọt lên đến 50.000 - 60.000đ/kg, tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn không đủ hàng giao cho thương lái.

2-thu-ho-ch-thnh-tr092848637
Thu hoạch thanh trà

Hàng năm, cứ sau Tết Nguyên đán cho đến nửa tháng ba âm lịch là cả vùng Đông Hưng 1, 2 và 3, thuộc xã Đông Thành, thị xã Bình Minh (Vĩnh Long) lại rộ lên mùa thanh trà, thu hút hàng vạn du khách đến tham quan và thưởng thức loại đặc sản có một không hai ở ĐBSCL.

Trước đây, vào những ngày này, khách qua cầu Cần Thơ, bờ Bình Minh - Vĩnh Long lúc nào cũng choáng ngợp trước những chùm thanh trà óng ả, vàng rực, căng tròn được bày bán dọc theo hai bên lề đường. Năm nay do ảnh hưởng thời tiết, nhiều nhà vườn bị thất mùa, năng suất thấp khiến cho nhiều nhà vườn tỏ ra tiếc nuối.

Các sạp hàng bày bán thanh trà, giới thiệu đặc sản Bình Minh năm nay cũng "thiếu sinh khí" hơn các năm rồi. Chính vì khan hiếm nên giá thanh trà đầu mùa năm nay vọt lên đến 50.000 - 60.000đ/kg, tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn không đủ hàng giao cho thương lái. Đặc biệt, loại thanh trà ngọt, quý hiếm, mùi vị đặc trưng, bạn hàng mua đi bán lại với giá từ 80.000 - 100.000 đ/kg.

Thanh trà là loại trái khi sống màu xanh, lúc chín chuyển sang màu vàng óng mượt trông như quả mơ. Khi bóc vỏ ra, thịt có màu vàng tươi rói và thơm dịu, hấp dẫn như mùi xoài nhưng vị chua - ngọt.

Có thể nói đồng bằng sông Cửu Long chưa có một loại trái cây nào tươi đẹp và quyến rũ như thanh trà. Tại vùng núi Tô Châu, thị xã Hà Tiên (Kiên Giang) cũng có nhiều thanh trà nhưng trái nhỏ và chua hơn thanh trà Đông Hưng.

Theo các vị cao niên kể lại thì thanh trà đã có mặt ở Đông Hưng từ hơn 100 năm nay. Bàn về nguồn gốc, nhiều người cho rằng cây thanh trà có mặt đầu tiên ở Đông Hưng là cây đang tọa lạc trước nhà bà Nguyễn Thị Tám (bà Tư Bùa, nay đã qua đời) ở ấp Đông Hưng 3 (cây thanh trà hiện thuộc quyền quản lý của người con trai thứ hai).

Hiện cây sống rất khỏe, thân to lẫm liệt, vòng tròn thân cây 2, 5 mét, cao khoảng 40 mét, tàn nhánh mỗi bên vươn ra xa trên 20 mét. Bà con trong vùng đã phong tặng cho cây thanh trà nầy là “cây tổ”. Gọi là cây tổ vì trước đây, nhiều người trồng thanh trà đều lấy giống từ cây này.

Ông Nguyễn Văn Thăng (Hai Chí) trên 100 tuổi kể lại cho con cháu nghe, lúc ông còn nhỏ thì cây thanh trà này đã có trái rồi. Cây do ông Cả Ba mang về trồng đầu tiên. Cây càng già trái càng ngon, mỗi năm thu hoạch bình quân từ 1 - 2 tấn trái.

Ông Huỳnh Thành Nhuệ ở ấp Đông Hưng 2 phấn khởi cho biết, trồng thanh trà chỉ dùng phân, rất ít khi dùng thuốc nên chí phí đầu tư rất thấp. Gia đình ông chỉ có 25 gốc (trên 10 năm) mà mỗi năm thu hoạch khoảng 150 triệu đồng. Nhiều chủ vườn cho biết năm nay sản lượng thanh trà bị hụt từ 30 - 50%, chủ yếu là do thời tiết thay đổi bất thường.

Ngoài cây thanh trà “tổ”, Đông Hưng còn có vài cây khác cũng được xếp vào hàng cổ thụ, một là 2 cây của ông Huỳnh Văn Trượng và 1 cây của ông Bảy Hội.

Ông Huỳnh Văn Trượng, 86 tuổi cho biết chính ông đã xin giống về tự tay trồng cách nay 66 năm. Hiện có người trả giá mua một trong hai cây thanh trà cổ của ông về làm kiểng với giá 100 triệu đồng nhưng ông không bán vì đó là cây kỷ niệm của đời mình.

Ông Bùi Văn Khải cho biết thanh trà Đông Hưng trước đây có cây trái ngọt, cây chua. Gần đây bà con đã tuyển chọn những cây trái ngọt nhiều chua ít để nhân giống bằng cách chiết cành, chỉ sau hai năm là ra trái, thay vì trồng hột phải mất 10 năm.

Thanh trà ngoài ăn tươi, bà con còn dùng trái sống để nấu canh chua, kho cá, đặc biệt trái chín bỏ vỏ cho vào ly quậy chung với đường, dùng lạnh như một món giải khát tuyệt hảo trong mùa hè.

Mới đây, nhiều người còn có sáng kiến dùng trái thanh trà ngâm rượu và thanh trà ngào đường làm mứt dùng uống lạnh vừa thanh tao dịu ngọt vừa giải nhiệt. Nơi tiêu thụ thanh trà mạnh nhất hiện nay là thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Hà Nội và một số chợ miền Tây.

Vài năm trở lại đây do nhu cầu tiêu thụ mạnh lại được giá nên bà con nông dân đã mạnh dạn đầu tư cho cây thanh trà và mở rộng diện tích trồng ở một số xã ấp thuộc TX Bình Minh. Riêng tại ấp Đông Hưng 2 hiện có trên 40% hộ trồng loại cây nầy, nhiều nhất vài ba công, ít nhất cũng 5 - 10 cây, mỗi công thu nhập bình quân từ 30 - 40 triệu đồng/năm.

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Khám phá Nhà máy xanh TH true MILK: Từ đồng cỏ xanh đến ly sữa sạch

Không chỉ cung cấp những ly sữa tươi sạch TH true MILK, nhiều năm qua, Tập đoàn TH còn tham gia phát triển nền nông nghiệp Việt Nam xanh, bền vững.

Bộ GTVT yêu cầu đẩy nhanh 8 dự án trạm dừng nghỉ cao tốc Bắc- Nam

Mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh ra công yêu cầu đẩy nhanh 8 dự án trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam.