| Hotline: 0983.970.780

Tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu

Thứ Ba 25/04/2023 , 17:39 (GMT+7)

Xuất khẩu của cả nước trong quý I sụt giảm mạnh. Do đó, cần thực hiện ngay những giải pháp quan trọng để thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu trong những quý tới.

Gỗ và sản phẩm gỗ là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực giảm mạnh trong quý I. Ảnh: Thanh Sơn.

Gỗ và sản phẩm gỗ là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực giảm mạnh trong quý I. Ảnh: Thanh Sơn.

Hầu hết các mặt hàng chủ lực đều giảm

Tại Hội nghị “Tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu" do Bộ Công thương tổ chức sáng 25/4, Cục Xuất nhập khẩu cho biết, kết quả xuất khẩu 3 tháng đầu năm nay ghi nhận mức giảm so với cùng kỳ, khi chỉ đạt 79,3 tỷ USD, giảm 11,8%.

Hầu hết các mặt hàng chủ lực như thủy sản, cao su, dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, máy vi tính và sản phẩm điện tử, sắt thép các loại, hóa chất… đều sụt giảm mạnh về xuất khẩu.

Xét về các nhóm hàng hóa chính, thì xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp đạt 67,8 tỷ USD, giảm 12,7% so với cùng kỳ; nhóm hàng nông nghiệp đạt 6,8 tỷ USD, giảm 7,8%; nhóm nhiên liệu và khoáng sản đạt 1,03 tỷ USD, giảm 1,6%…

Xuất khẩu sang các khu vực thị trường cũng đều giảm mạnh: Châu Á đạt 38,7 tỷ USD, giảm 7,3% so với cùng kỳ; châu Mỹ đạt 24,6 tỷ USD, giảm 19,4%; châu Âu đạt 12,4 tỷ USD, giảm 9,7%; châu Phi giảm 11,2%, châu Đại Dương giảm 3,7%.

Những tháng gần đây, thương mại toàn cầu tiếp tục phải đối mặt với nhiều sức ép do những biến động ngày càng phức tạp của căng thẳng địa chính trị và địa kinh tế trên thế giới, dẫn tới sự sụt giảm của nhu cầu thế giới. Đây chính là yếu tố khó khăn và thách thức lớn nhất cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2023.

Theo ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), lạm phát tăng cao cùng những tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine khiến người dân các nước phải thắt chặt chi tiêu, giảm các mặt hàng không quá thiết yếu như hạt điều. Trong khi đó, lượng điều nhân và  nhân điều đã qua chế biến sâu còn tồn kho khá lớn ở các nước do tích trữ để dự phòng những biến động khó lường của đại dịch Covid-19. Mặt khác, giá các loạt hạt khô khác giảm sâu cũng khiến việc tiêu thụ hạt điều bị ảnh hưởng theo. Chính vì vậy, cùng với lượng tiêu thụ giảm, giá điều nhân cũng giảm sâu trong thời gian dài cho đến nay.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho hay, trong 3 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản giảm 27% so với cùng kỳ, tương đương mức giảm trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát nặng nhất. Nguyên nhân là do tình hình lạm phát khiến tiêu dùng thủy sản tại các thị trường chính như Mỹ, EU, Nhật Bản… suy giảm.

Khảo sát của VASEP cho thấy, trong quý I, số đơn hàng giảm 20 - 50% (tùy nhóm sản phẩm), đồng thời giá xuất khẩu nhiều mặt hàng thủy sản giảm mạnh. Không những thế, nhiều nhà nhập khẩu đã yêu cầu dừng nhận các đơn hàng từ 3 - 5 tháng (dù đã ký hợp đồng). Đây là bằng chứng rõ rệt về việc nhu cầu tiêu thụ thủy sản giảm mạnh do ảnh hưởng lạm phát trên toàn cầu.

Đẩy mạnh mở cửa thị trường

Theo nhận định của nhiều hiệp hội ngành hàng, xuất khẩu trong những tháng tới vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Ông Nguyễn Hoài Nam cho biết, đến thời điểm này, các đơn hàng xuất khẩu trong ngành thủy sản trong quý 2 mới chỉ bằng 30 - 60% (tùy nhóm sản phẩm) so với cùng kỳ năm ngoái.

Các đơn hàng xuất khẩu thủy sản trong quý II vẫn còn thấp. Ảnh: Thanh Sơn.

Các đơn hàng xuất khẩu thủy sản trong quý II vẫn còn thấp. Ảnh: Thanh Sơn.

Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Thứ trưởng Bộ Công thương nhận định, phải đến hết quý II, tình hình xuất khẩu mới có thể bắt đầu phục hồi trở lại.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, cho rằng, nếu không có sự đột phá ở những tháng, những quý tiếp theo thì xuất nhập khẩu cả năm nay chỉ ở mức khoảng trên dưới 600 tỉ USD, tức là quay về mức xuất nhập khẩu đã đạt được trong năm 2021, là năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Và thậm chí kết quả xuất nhập khẩu có thể còn thấp hơn nữa khi mà các dự báo đều cho rằng tổng nhu cầu trên thế giới đang suy giảm.

Trước tình hình đó, để góp phần đạt được chỉ tiêu tăng trưởng GDP và tăng trưởng xuất khẩu như đã đặt ra, ông Nguyễn Hồng Diên đề nghị các Bộ, ngành và địa phương xem xét lại các vấn đề về chính sách, điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, mở rộng thị trường, tiếp cận vốn, thanh khoản ngân hàng, nợ và thuế, phí, lệ phí... mà doanh nghiệp cần được tháo gỡ để sớm có phương án hỗ trợ, giải quyết nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu trong thời gian tới.

Các doanh nghiệp và các hiệp hội ngành hàng cần phải tiếp tục nghiên cứu, đẩy mạnh khai thác các thị trường đã có Hiệp định Thương mại tự do với Việt Nam. Các Hiệp hội và các doanh nghiệp cần liên hệ chặt chẽ với Thương vụ và Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, liên hệ chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Bộ Công thương và các Bộ, ngành có liên quan để mở rộng giao lưu, hợp tác với các đối tác nước ngoài. Củng cố quan hệ giữa các doanh nghiệp sản xuất, với các hiệp hội sản xuất và các hiệp hội sản xuất với các cái hiệp hội kinh doanh cả trong và ngoài nước.

Bộ trưởng Bộ Công thương yêu cầu các cơ quan có liên quan thuộc Bộ này đẩy mạnh tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình hỗ trợ sản xuất xuất khẩu như làm tốt công tác thông tin thị trường, nhất là thị trường tiềm năng thông qua việc tổ chức các hội nghị giao ban định kỳ hàng tháng giữa thương vụ Việt Nam với các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp. Đổi mới, nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, nhất là thương mại điện tử xuyên biên giới nhằm khai thác và thúc đẩy các chuỗi cung ứng. Hướng dẫn, giúp đỡ các hiệp hội doanh nghiệp khai thác, phát huy các thị trường truyền thống và khai mở các thị trường mới giàu tiềm năng như Bắc Âu, Đông Âu, Tây Á, Nam Á, châu Phi và Mỹ Latinh …

Bên cạnh các giải pháp thúc đẩy sản xuất xuất khẩu, việc phát triển thị trường nội địa cũng cần được quan tâm đặc biệt bởi thị trường trên 100 triệu dân là một thị trường rất lớn đối với bất cứ một doanh nghiệp, một ngành hàng nào.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên

Bộ Công thương sẽ phối hợp với Bộ NN-PTNT tiếp tục đàm phán với các nước để mở cửa thị trường cho các sản phẩm nông, lâm, thủy sản mà Việt Nam có lợi thế và các nước thì có nhu cầu, đặc biệt là với thị trường Trung Quốc. Qua đó, mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng rau củ, quả của Việt Nam như bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, dứa, vú sữa, chanh, bơ, dưa lưới... Đồng thời, có chỉ đạo rất cụ thể, sát sao với các địa phương có vùng trồng, vùng nuôi để đẩy mạnh hoạt động sản xuất, xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm. Có chính sách, giải pháp phát triển ổn định nguồn cung về gỗ, về nguyên liệu thủy sản, hạt tiêu, hạt điều, cây dược liệu đáp ứng nhu cầu cái nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất, xuất khẩu.

Xem thêm
Đặt, duy trì hoạt động của cân đối chứng tại các chợ, trung tâm thương mại

Đây là một trong những trách nhiệm của tổ chức quản lý chợ, trung tâm thương mại theo Nghị định số 55/2024/NĐ-CP của Chính phủ vừa ban hành.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Đà Nẵng: Bất động sản đô thị ngày càng xứng tầm thành phố đáng sống

Xu hướng đầu tư ngày càng có dấu hiệu dịch chuyển tới các đô thị năng động như Đà Nẵng do mức giá tốt, tiềm năng dồi dào, hạ tầng đầy đủ...