| Hotline: 0983.970.780

Vùng rau xanh trù phú bên sông Cầu

Thứ Hai 20/05/2024 , 07:00 (GMT+7)

Thái Nguyên Phát huy lợi thế nguồn nước tưới từ sông Cầu luôn dồi dào, người dân Thái Nguyên xây dựng vùng sản xuất rau xanh an toàn.

Tỉnh Thái Nguyên là địa phương có diện tích chiếm phần lớn trong lưu vực sông Cầu. Ảnh: Phạm Hiếu.

Tỉnh Thái Nguyên là địa phương có diện tích chiếm phần lớn trong lưu vực sông Cầu. Ảnh: Phạm Hiếu.

Nghị quyết xây dựng vùng sản xuất rau an toàn

Những năm qua, công tác quản lý tài nguyên nước tại các địa phương trên cả nước đã có những chuyển biến tích cực và bước đầu thu được một số kết quả đáng khích lệ. Việc quản lý tốt tài nguyên nước đã góp phần không nhỏ vào thúc đẩy sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của địa phương.

Điển hình như tại tỉnh Thái Nguyên, là địa phương có diện tích chiếm phần lớn trong lưu vực sông Cầu. Thực tế cho thấy, trong quá trình khai thác nguồn tài nguyên nhằm phát triển kinh tế, khu vực lưu vực sông Cầu ngày càng bị ô nhiễm. Do vậy, bên cạnh khai thác nguồn tài nguyên nước, thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường công tác bảo vệ môi trường, góp phần kiềm chế tốc độ gia tăng ô nhiễm, từ đó chất lượng nước sông Cầu có xu hướng cải thiện rõ rệt.

Trên địa bàn xã Huống Thượng, TP. Thái Nguyên, hiện có một số xóm nằm dọc sông Cầu với chiều dài trên 5 km. Khai thác lợi thế đất bãi ven sông, thời gian qua, người dân các xóm Già, Sộp, Cậy, Bầu, Trám, Huống Trung đã tập trung thâm canh rau màu theo mùa vụ với diện tích khoảng 145 ha.

Những năm trước đây, đời sống của người dân xóm Già rất khó khăn. Trăn trở với mục tiêu nâng cao thu nhập, làm giàu trên mảnh đất của quê hương, Chi bộ xóm Già đã xây dựng các nghị quyết tập trung vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng nông thôn mới.

Theo bà Phạm Thị Toan, Bí thư Chi bộ xóm Già, phát huy lợi thế nguồn nước tưới từ sông Cầu luôn dồi dào, Chi bộ đã ban hành nghị quyết về xây dựng vùng sản xuất rau xanh an toàn. Cùng với đó, xóm tập trung xây dựng cánh đồng một giống, thuận lợi trong việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đến khâu thu hoạch.

“Nhờ vậy, đời sống của nhân dân trong xóm ngày càng được nâng cao, số hộ nghèo giảm hàng năm đều vượt chỉ tiêu, số hộ có đời sống khá giả được nâng lên”, bà Phạm Thị Toan phấn khởi.

Nhờ có nguồn nước tưới từ sông Cầu, bà con luôn chủ động được những vụ rau màu theo phương châm 'mùa nào thức nấy'. Ảnh: Phạm Hiếu.

Nhờ có nguồn nước tưới từ sông Cầu, bà con luôn chủ động được những vụ rau màu theo phương châm “mùa nào thức nấy”. Ảnh: Phạm Hiếu.

Đúng như lời chia sẻ của Bí thư Chi bộ xóm Già, đi dọc cánh đồng xóm Già vào thời điểm này, không khó để bắt gặp những luống rau tươi tốt, xanh mơn mởn của bà con nơi đây. Nhờ có nguồn nước tưới từ sông Cầu, bà con luôn chủ động được những vụ rau màu theo phương châm “mùa nào thức nấy”.

Đặc biệt, trong sản xuất, người dân xóm Già luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm để bảo vệ môi trường nguồn nước sông Cầu. Đơn giản như những hành động nhỏ như các vỏ lọ chế phẩm sinh học, túi ni lông sau khi sử dụng đều được tập kết ra các bể chứa rác thải để xử lý.

Theo ông Đoàn Bá Thu, Chủ tịch UBND xã Huống Thượng, ngay từ khi chuyển địa giới về TP. Thái Nguyên vào năm 2017, xã đã triển khai, thực hiện phân loại rác thải ngay tại nguồn.

“Nhớ lại trước đây, bà con nông dân tự thu gom rác rồi đốt. Thậm chí sau khi phun thuốc trừ sâu, bón phân cho cây trồng, bà con bỏ túi ni lông, các chai, lọ dọc bãi, mưa xuống trôi ra sông Cầu. Thế nhưng từ nhiều năm nay không còn tình trạng trên vì xã đã quy hoạch xây dựng các bể chứa rác thải tại các bãi dọc sông Cầu và những khu ruộng, đồng thời tổ chức thu gom rác thải hàng ngày”, ông Đoàn Bá Thu thông tin.

Thực tế hiện nay, cũng như xã Huống Thượng, tại nhiều xã, phường khác thuộc lưu vực sông Cầu như Cao Ngạn, Linh Sơn, Quang Vinh… người dân đã nêu cao ý thức trong việc vừa khai thác, vừa bảo vệ nguồn tài nguyên nước quý giá từ con sông Cầu.

Lưu vực sông Cầu có diện tích khoảng hơn 6.000 km2, với chiều dài 290km. Dòng chính sông Cầu, đoạn từ Bắc Kạn về Thái Nguyên có hướng chảy Bắc - Nam, sau đó đổi hướng Tây Bắc - Đông Nam.

Sông Cầu chảy qua các huyện Chợ Đồn, Chợ Mới của tỉnh Bắc Kạn rồi chảy sang các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh và đổ vào sông Thái Bình tại phường Phả Lại, TP. Chí Linh, tỉnh Hải Dương.

Siết chặt công tác quản lý nguồn nước

Thượng nguồn sông Cầu chảy qua tỉnh Bắc Kạn dài 105 km và chảy qua Thái Nguyên với chiều dài khoảng 100km. Hiện nay, lưu vực sông Cầu đang phải đối mặt với thách thức lớn về tình trạng ô nhiễm nguồn nước.

Để cải thiện nguồn nước sông Cầu, những năm qua, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên đã tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện hiệu quả “Đề án tăng cường quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025”.

Cụ thể, thực hiện Luật Bảo vệ môi trường, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tăng cường quản lý nguồn thải, trọng tâm là các khu, cụm công nghiệp, khu dân cư, các nhà máy, cơ sở sản xuất, làng nghề, trang trại, gia trại…

Đặc biệt, để kiểm soát chất lượng nước sông Cầu, các sở, ngành, địa phương đã tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp trong kế hoạch bảo vệ môi trường của Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu.

Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát các nguồn thải đổ ra sông Cầu, xử lý nghiêm các hành vi xả thải trái phép ra môi trường. Cùng với đó, TP. Thái Nguyên đã tổ chức thu gom nước thải từ các khu dân cư vào hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Nguồn nước sông Cầu có vai trò đặc biệt quan trọng phục vụ đời sống người dân, phát triển kinh tế - xã hội của Thái Nguyên và 5 tỉnh trong lưu vực. Ảnh: Phạm Hiếu.

Nguồn nước sông Cầu có vai trò đặc biệt quan trọng phục vụ đời sống người dân, phát triển kinh tế - xã hội của Thái Nguyên và 5 tỉnh trong lưu vực. Ảnh: Phạm Hiếu.

Theo ông Đặng Văn Huy, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên, năm 2023, đơn vị đã triển khai công tác cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước trên thực địa, dự kiến hoàn thành trong năm 2025 để bàn giao cho các địa phương quản lý, bảo vệ.

Để quản lý chất lượng nước, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên đã được UBND tỉnh giao quản lý vận hành mạng lưới gồm 77 điểm quan trắc chất lượng môi trường nước mặt, 5 điểm quan trắc tự động môi trường nước mặt, 12 điểm quan trắc chất lượng môi trường nước dưới đất.

“Theo kết quả quan trắc chất lượng nguồn nước sông Cầu, nếu như năm 2021 có tới 8% lượng mẫu không đạt chất lượng phục vụ mục đích tưới tiêu thì năm 2023, chất lượng nước đều đảm bảo cho mục đích tưới tiêu trở lên, trong đó có 42% đạt mục đích cấp nước sinh hoạt với công nghệ xử lý phù hợp”, ông Đặng Văn Huy thông tin.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh, nguồn nước sông Cầu có vai trò đặc biệt quan trọng phục vụ đời sống người dân, phát triển kinh tế - xã hội của Thái Nguyên và 5 tỉnh trong lưu vực. Vì vậy, công tác bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu là một nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách đối với các địa phương thuộc lưu vực sông Cầu.

“Để giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước lưu vực sông Cầu, song song với các giải pháp như hiện nay cần xây dựng hệ thống thông tin, mạng lưới giám sát và mô hình ngân hàng dữ liệu chất lượng nước; thực hiện xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là môi trường nước…”, ông Huy cho hay.

An ninh nguồn nước đang trở thành vấn đề lớn trong bối cảnh các hệ thống sông lớn của nước ta đều là các sông xuyên biên giới mà Việt Nam là quốc gia ở hạ nguồn. Trước thực trạng nêu trên, thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp thực hiện chức năng, nhiệm vụ về quản lý tài nguyên nước.

Theo đó, các cơ quan, đơn vị liên quan cần tập trung vào công tác lập hành lang bảo vệ nguồn nước; báo cáo tình hình sử dụng nước; công bố danh mục hồ, ao không san lấp lấn chiếm; kết nối hệ thống giám sát khai thác tài nguyên nước; vận hành liên hồ chứa...

Đến nay, có 50 tỉnh, thành phố đã phê duyệt công bố danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp trên địa bàn; 49 tỉnh, thành phố đã công bố danh mục nguồn nước cần phải lập hành lang bảo vệ; 38 tỉnh, thành phố đã phê duyệt danh mục nguồn nước nội tỉnh.

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Thương hiệu phải cam kết mạnh mẽ với người tiêu dùng

Thương hiệu được xây dựng trên nền tảng chất lượng sẽ rất vững chãi, nhưng sẽ thiếu đi tính lan tỏa nếu thiếu sự kết nối mạnh mẽ với khách hàng.

Bãi bỏ 5 thông tư về cấp sổ đỏ từ ngày 1/1/2025

Thông tư 20/2024/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực đất đai.