| Hotline: 0983.970.780

HTX và doanh nghiệp mong biển 'mở'

Thứ Hai 20/05/2024 , 08:41 (GMT+7)

Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh đang tập trung triển khai các giải pháp để thu hút đầu tư vào nuôi biển. Các HTX, doanh nghiệp đều mong biển 'mở' để rót vốn đầu tư.

Mô hình nuôi biển của HTX Thủy sản Thắng Lợi (xã Thắng Lợi, huyện Vân Đồn). Ảnh: Nguyễn Thành.

Mô hình nuôi biển của HTX Thủy sản Thắng Lợi (xã Thắng Lợi, huyện Vân Đồn). Ảnh: Nguyễn Thành.

Nuôi biển là mũi nhọn phát triển kinh tế

Với đường bờ biển dài hơn 250km, khoảng 40.000ha bãi triều, gần 19.000ha rừng ngập mặn, 20.000ha diện tích eo biển và vịnh, ngư trường rộng lớn trên 6.100km2, 3 khu bảo tồn biển… Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành trung tâm thủy sản của miền Bắc.

Trong những năm vừa qua, ngành thủy sản tỉnh Quảng Ninh luôn có vị trí vai trò quan trọng và đóng góp trên 55% giá trị sản xuất trong cơ cấu ngành nông, lâm ngư nghiệp. Thực hiện chiến lược biển Việt Nam, chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam, tỉnh Quảng Ninh cũng đã ban hành các chính sách nhằm tạo nền tảng vững chắc để từng bước thúc đẩy ngành thủy sản Quảng Ninh phát triển theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững.

Nhờ đó, sản lượng thủy sản Quảng Ninh đã tăng từ 89.000 tấn năm 2013 tăng lên 175.000 tấn vào năm 2023. Cùng với đó, các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung của tỉnh Quảng Ninh đã tăng về quy mô, sản lượng, tổng diện tích nuôi trồng đạt hơn 32.000ha, tăng gần 11.000ha so với năm 2013.

Tỉnh đã quy hoạch hơn 45.000ha khu vực biển dành cho nuôi biển với quan điểm phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, công nghệ cao, thân thiện với môi trường, gia tăng giá trị, tính bền vững gắn bảo tồn phát triển nguồn lợi thủy sản với phát triển du lịch dịch vụ, công nghiệp và bảo vệ chủ quyền an ninh biển đảo. Trong đó trọng tâm là phát triển doanh nghiệp thủy sản và các mô hình tổ chức hợp tác. Chuyển từ mô hình sản xuất hàng hóa dựa trên kinh tế hộ, nhỏ lẻ, manh mún chạy theo sản lượng sang mô hình liên kết đa chủ thể theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với chế biến sâu, tiêu thụ sản phẩm.

Chiến lược nuôi biển của Quảng Ninh là lấy nhà nông chuyên biệt làm nòng cốt, lấy giá trị gia tăng làm mục tiêu hướng tới đa giá trị. Lợi thế lớn của tỉnh sẽ tận dụng thị trường khách du lịch mỗi năm trên 20 triệu khách để tiêu thụ và xuất khẩu tại chỗ.

Kết hợp nuôi trồng thủy hải sản hướng ra biển với khai thác thủy hải sản công nghệ cao, hiệu quả, bền vững, gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh. Bảo vệ nguồn lợi thủy sản và dịch chuyển mật độ nuôi biển từ vùng biển 3 hải lý trở vào để mở rộng diện tích nuôi biển phù hợp với quy hoạch và sức tải của môi trường.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh, địa phương luôn chân thành mời gọi, sẵn sàng chào đón, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế theo chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đầu tư vào nuôi biển.

Quảng Ninh có tiềm năng lớn để phát triển nuôi biển. Ảnh: Nguyễn Thành.

Quảng Ninh có tiềm năng lớn để phát triển nuôi biển. Ảnh: Nguyễn Thành.

Doanh nghiệp, HTX mong biển "mở"

Năm 2022, mô hình trang trại trồng rong kết hợp nuôi hàu Thái Bình Dương và du lịch trải nghiệm tại đảo Phất Cờ (huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) được Chi cục Thủy sản phối hợp với STP Group triển khai.

Sau 2 năm, mô hình trở thành farm nuôi thủy sản sử dụng toàn bộ vật liệu nổi bằng nhựa HDPE nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi hạ tầng nuôi biển xanh và bền vững. Với 5ha diện tích mặt nước, các khu vực nuôi được bố trí theo hình thức xen canh, đa loài và ứng dụng AI phân tích sự bắt mồi của thủy sản để điều chỉnh tự động lượng thức ăn phù hợp cũng như hạn chế tối đa thức ăn dư thừa ảnh hưởng đến môi trường biển.

Mô hình cũng ứng dụng hệ thống cảm biến từ Đức liên tục đo lường môi trường nuôi để có phương án phòng ngừa. Đặc biệt, mô hình không chỉ tập trung vào việc phát triển công nghệ mới trong nuôi biển mà còn kết hợp giữa nuôi trồng và du lịch, tạo ra một trải nghiệm độc đáo cho du khách. Qua đó, giúp tăng thu nhập cho người dân địa phương, góp phần vào việc bảo tồn và tái tạo tài nguyên sinh thái biển.

Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Tổng Giám đốc STP Group, chia sẻ: "Để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào nuôi biển, Quảng Ninh đã tiên phong trong ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương về vật liệu sử dụng làm phao nổi trong NTTS và triển khai giao vùng biển cho doanh nghiệp và ngư dân quản lý".

Cũng trong vùng biển huyện Vân Đồn, HTX Thủy sản Thắng Lợi (xã Thắng Lợi) cũng xác định sẽ đầu tư mạnh mẽ vào nuôi biển. Ông Trần Văn Bảo, Giám đốc HTX, cho biết: "Chúng tôi đã nộp hồ sơ và chờ được tỉnh giao mặt nước với diện tích khoảng 90ha. Chỉ khi biển "mở", bà con trong HTX được sở hữu mặt nước để đầu tư vào nuôi hàu, nuôi cá, dù chi phí có thể lên đến hàng chục tỷ đồng thì mọi người cũng sẵn sàng làm".

Ông Nguyễn Hữu Hội, Giám đốc Công ty CP Khánh Hội, chia sẻ, hiện nay, công ty cung cấp dịch vụ sản xuất, lắp ráp mô hình nuôi biển bằng vật liệu composite thân thiện với môi trường cũng như có độ bền cao. "Để phát triển nuôi biển một cách bền vững, việc đầu tư cơ sở vật chất là một yếu tố quan trọng. Khi nhà đầu tư sử dụng các loại vật liệu chịu được bão gió, không gây ảnh hưởng đến môi trường nước sẽ giảm rủi ro cũng như tạo sự yên tâm khi tham gia đầu tư nuôi biển".

Ông Nguyễn Hữu Hội (áo trắng) giới thiệu mô hình nuôi biển bằng vật liệu composite độ bền cao, thân thiện môi trường. Ảnh: Nguyễn Thành.

Ông Nguyễn Hữu Hội (áo trắng) giới thiệu mô hình nuôi biển bằng vật liệu composite độ bền cao, thân thiện môi trường. Ảnh: Nguyễn Thành.

Nhiều chính sách thu hút đầu tư nuôi biển

Xác định nuôi biển đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế biển, tỉnh Quảng Ninh đã đưa ra nhiều chính sách thu hút đầu tư trọng tâm, trọng điểm, có định hướng. Đây cũng là điều kiện cho nhiều doanh nghiệp lớn ngành thủy sản chọn Quảng Ninh để đầu tư.

Sở NN-PTNT Quảng Ninh cũng đã tích cực phối hợp với các ngành, các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện sắp xếp và giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản, nuôi biển theo thẩm quyền, một trong những cơ sở pháp lý quan trọng nhất trong triển khai đầu tư nuôi biển.

Từ năm 2023, Sở NN-PTNT đã cùng với 20 doanh nghiệp lớn có nhu cầu đầu tư nuôi biển tập trung rà soát xây dựng phương án giao khu vực biển, ưu tiên thành lập các HTX, tổ hợp tác tại các khu vực có khả năng thuận lợi nhất cho nuôi trồng, thu hoạch, chế biến thủy sản. Từ đó, thu hút người dân có hộ khẩu thường trú trên địa bàn đầu tư, sản xuất kinh doanh thủy sản; thu hút các nhà đầu tư có năng lực tài chính, trình độ khoa học công nghệ, tổ chức sản xuất, có khả năng đứng đầu chuỗi sản xuất, làm hạt nhân dẫn dắt tại các vùng biển khai thác dự án để thu hút đầu tư.

Đến nay, Sở phối hợp với các địa phương xác định diện tích khu vực biển dự kiến thu hút đầu tư trên 14.000ha. Trong số đó có những dự án lớn đang được các doanh nghiệp đề xuất triển khai, gồm: Dự án nuôi biển hiện đại kết hợp với trải nghiệm tại Vịnh Hạ Long, diện tích 120ha, tổng vốn đầu tư 100 tỷ đồng; dự án nuôi hàu Thái Bình Dương và rong sụn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu khu vực Ba Rèm Nam (huyện Hải Hà) với diện tích hơn 300ha, tổng vốn đầu tư trên 100 tỷ đồng; dự án trại sản xuất và nuôi hải sâm tại xã Thanh Lân (huyện Cô Tô)...

Ngoài ra, Sở cũng phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan thu hút các nhà đầu tư quan tâm đối với những dự án có trong danh mục thu hút đầu tư của tỉnh. 

Mô hình nuôi biển kết hợp du lịch của STP Group trên vùng biển huyện Vân Đồn. Ảnh: Nguyễn Thành.

Mô hình nuôi biển kết hợp du lịch của STP Group trên vùng biển huyện Vân Đồn. Ảnh: Nguyễn Thành.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy yêu cầu Sở NN-PTNT phối hợp với các địa phương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư, các cơ quan có liên quan để chủ động thực hiện các giải pháp cụ thể nhằm thu hút các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất giống thủy sản, nuôi biển thương phẩm và chế biến sâu các sản phẩm thủy sản biển tại địa phương theo hướng công nghiệp, hiện đại.

Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên - Môi trường phối hợp với Sở NN-PTNT tiếp tục thực hiện đơn giản hóa các thủ tục hành chính về môi trường, cấp phép nuôi biển, giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản; hoàn thành việc giao khu vực biển cho các tổ chức đã được cấp phép nuôi biển trong tháng 5/2024.

Trong 2 ngày 31/3 - 1/4/2024, UBND tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với Bộ NN-PTNT tổ chức thành công Hội nghị phát triển bền vững nuôi biển, nhìn từ Quảng Ninh. Tại Hội nghị, Sở NN-PTNT Quảng Ninh đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) với 7 đơn vị là các viện, doanh nghiệp có tiềm năng hỗ trợ, thúc đẩy đầu tư phát triển lĩnh vực thủy sản của tỉnh Quảng Ninh.

Xem thêm
Việt Nam là nhà cung cấp chè lớn nhất cho Trung Quốc về sản lượng

Tuy nhiên xét về giá trị, Việt Nam chỉ đứng thứ 2, chiếm 12,1% tỷ trọng, thấp hơn nhiều so với mức 39,6% của thị trường cung cấp chè lớn nhất là Sri Lanka.

Xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y

Bộ NN-PTNT thông báo xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y thuộc Bộ, như sau:

Cao su Chư Prông tổ chức Hội thi thợ giỏi khai thác mủ

Trong 2 ngày 30-31/10, tại Nông trường Cao su Thanh Bình, Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông đã tổ chức Hội thi thợ giỏi khai thác mủ cao su năm 2024.

Dự án căn hộ Conic Boulevard có giá khoảng 37 triệu đồng/m2

Dự án Conic Boulevard gồm khu dân cư và căn hộ cao tầng với quy mô 5,3ha, tọa lạc tại đường Huỳnh Bá Chánh, thị trấn Tân Kiên, Bình Chánh, TP.HCM.

Bình luận mới nhất