| Hotline: 0983.970.780

Tháo nút thắt cho các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng

Thứ Hai 03/06/2024 , 14:46 (GMT+7)

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị cho biết, Dự thảo Nghị định 156 (sửa đổi) đã qua 2 vòng lấy ý kiến và có thể được Chính phủ ban hành trong tháng 6/2024.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị: Phân cấp quản lý về địa phương là chủ trương xuyên suốt nhiều năm qua.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị: Phân cấp quản lý về địa phương là chủ trương xuyên suốt nhiều năm qua.

Lúng túng trong chuyển mục đích sử dụng rừng cho dự án

Tại buổi làm việc với Bộ NN-PTNT sáng 3/6, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Lương Trọng Quỳnh cho biết, cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng vừa khởi công cuối tháng 4/2024 được đầu tư 4 làn xe, nền đường 17m ở giai đoạn 1. Giai đoạn hoàn chỉnh, dự án sẽ được nâng lên 6 làn xe, rộng 32m.

Do có sự thay đổi về quy hoạch mạng lưới giao thông như vậy, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn thông tin, cần có thêm hơn 200ha rừng phải chuyển đổi mục đích, trong đó gần 50ha là rừng tự nhiên. Tuy nhiên, địa phương đang lúng túng do Luật Đất đai 2024 sẽ có hiệu lực từ 1/7, và Nghị định sửa đổi Nghị định 156 hướng dẫn thi hành Luật Lâm nghiệp chưa ban hành.

Ông Quỳnh đề nghị Bộ NN-PTNT hướng dẫn thêm về những dự án đang trong quá trình chuyển tiếp như cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, đặc biệt là việc phân tách giữa phê duyệt chủ trương đầu tư dự án và phê duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng.

Dự án Hữu Nghị - Chi Lăng được quy hoạch nối thông với cao tốc Bắc Giang - Chi Lăng (Lạng Sơn) để hình thành tuyến cao tốc từ Hà Nội đến cửa khẩu Hữu Nghị. Tuyến đường được xem là huyết mạch của tỉnh Lạng Sơn, không những phục vụ lưu thông hàng hóa qua biên giới Việt - Trung mà còn phát triển kinh tế xã hội ở các tỉnh Đông Bắc.

Trên quan điểm đồng hành cùng Lạng Sơn, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị nhấn mạnh, trong Dự thảo Nghị định 156 (sửa đổi), Bộ NN-PTNT đề xuất phân cấp triệt để cho địa phương về việc chuyển mục đích sử dụng rừng.

Theo đó, đối với dự án đầu tư công có chuyển mục đích sử dụng rừng trồng sang mục đích khác mà HĐND cấp tỉnh là cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, đồng thời là cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, thì không phải thực hiện trình tự, thủ tục quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.

Đoàn công tác của tỉnh Lạng Sơn, do Phó Chủ tịch Lương Trọng Quỳnh dẫn đầu, làm việc với Bộ NN-PTNT sáng 3/6. 

Đoàn công tác của tỉnh Lạng Sơn, do Phó Chủ tịch Lương Trọng Quỳnh dẫn đầu, làm việc với Bộ NN-PTNT sáng 3/6. 

Trong quá trình thẩm định đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư, Hội đồng thẩm định liên ngành lấy ý kiến thẩm định của Sở NN-PTNT về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp. Cùng với đó, UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng; chỉ đạo chủ dự án thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ trồng rừng thay thế theo quy định của pháp luật.

Đối với những dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (Quốc hội, Thủ tướng, HĐND cấp tỉnh) trước ngày Nghị định 156 (sửa đổi) có hiệu lực, thì tiếp tục được thực hiện.

“Việc phân cấp quản lý về địa phương là chủ trương xuyên suốt nhiều năm qua, không chỉ riêng ngành lâm nghiệp. Trong các lĩnh vực phụ trách về quản lý nhà nước, Bộ NN-PTNT sẽ tổ chức giám sát, kiểm tra những nhiệm vụ đã phân cấp. UBND cấp tỉnh là đơn vị đầu mối, tổ chức việc đo đạc thực tế”, Thứ trưởng bày tỏ.

Với vấn đề của Lạng Sơn, lãnh đạo Bộ NN-PTNT chia sẻ và thừa nhận, nhiều tỉnh khác trên cả nước cũng trăn trở nội dung như vậy. Tuy nhiên, theo Luật Lâm nghiệp 2017, tất cả các dự án có chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đều phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Do đó, HĐND tỉnh có thể ban hành thêm một Nghị quyết để thông báo đồng ý chủ trương này.

Ngóng chờ Nghị định mới

Chia sẻ thêm với Lạng Sơn, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị cho biết, Dự thảo Nghị định 156 (sửa đổi) đã qua 2 vòng lấy ý kiến. Trong chiều 3/6, Bộ NN-PTNT trực tiếp báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ về dự thảo mới nhất. Ông hy vọng và tin tưởng, Nghị định mới sẽ được phê duyệt và ban hành trong tháng 6/2024.

Một trong những điểm đáng chú ý của dự thảo là quy định trách nhiệm cụ thể của các Bộ, ngành, chính quyền địa phương và các chủ rừng trong hoạt động trao đổi, thương mại về kết quả giảm phát thải, tín chỉ carbon nhằm thực hiện quản lý rừng theo nguyên tắc bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên, phát triển nguồn thu tiềm năng từ dịch vụ môi trường rừng.

Ban hành gần như cùng lúc với thời điểm Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị đánh giá, Nghị định mới sẽ “cởi được nhiều nút thắt” cho địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.  

Theo Quyết định số 379/QĐ-UBND, tỷ lệ che phủ rừng của Lạng Sơn năm 2023 đạt 64%, thuộc tốp đầu cả nước.

Theo Quyết định số 379/QĐ-UBND, tỷ lệ che phủ rừng của Lạng Sơn năm 2023 đạt 64%, thuộc tốp đầu cả nước.

Ông cũng cho rằng pháp luật lâm nghiệp ngày càng sát hơn với điều kiện thực tế. Lấy ví dụ về Nghị định 58/NĐ-CP vừa ban hành hôm 24/5, mức hỗ trợ, khoán bảo vệ rừng hàng năm tăng lên thành 500.000 đồng/ha, tăng 100.000 đồng so với mức hiện hành. Ngoài ra, mức hỗ trợ với ban quản lý rừng đặc dụng là 150.000 đồng/ha, tăng 50.000 đồng.

Trong lúc chờ Nghị định mới, Thứ trưởng lưu ý địa phương khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án có chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, nên có thêm câu “Đồng ý với chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng”. Như vậy, vừa phù hợp với Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Lâm nghiệp 2017, vừa không phát sinh thủ tục hành chính.

Bên cạnh chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, UBND tỉnh Lạng Sơn đề nghị Bộ NN-PTNT hướng dẫn thêm về các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong việc thực hiện Thông tư số 17/TT-BNNPTNT ban hành ngày 17/10/2022 về các biện pháp lâm sinh. Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Vũ Văn Thịnh cho biết, do nhiều diện tích rừng của Lạng Sơn có độ dốc lớn, người dân có xu hướng muốn cải tạo toàn diện rừng, thay vì cải tạo theo đám, nên địa phương gặp khó khăn trong việc đưa lâm nghiệp thành một ngành kinh tế.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị cam kết, cử cán bộ Cục Lâm nghiệp, Cục Kiểm lâm phối hợp Lạng Sơn giải quyết vấn đề này. Ngoài ra, đề nghị tỉnh sớm điều tra rừng trên địa bàn và tăng cường áp dụng công nghệ trong công tác hằng ngày.

Xem thêm
Ông Trần Mạnh Dũng làm Bí thư Thành ủy Nha Trang

Ông Trần Mạnh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Khánh Hòa được điều động, chỉ định giữ chức vụ Bí thư Thành ủy Nha Trang, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao là cuộc cách mạng lớn

An Giang có trên 300 nghìn nông dân trực tiếp sản xuất lúa và 229 hợp tác xã đang đóng vai trò quan trọng trong việc tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.

Hải Phòng khởi công cầu Nguyễn Trãi hơn 6 nghìn tỷ đồng

Cầu Nguyễn Trãi là dự án trọng điểm, hứa hẹn thay đổi diện mạo đô thị và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hải Phòng trong thời gian tới.