Nghị định 156 vướng mắc với Luật Xây dựng
Thực hiện Kế hoạch hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2022 của Bộ NN-PTNT, Tổng cục Lâm nghiệp đã được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2022 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp (sau đây gọi là Nghị định 156).
Theo đó, một trong những vấn đề còn nhiều bất cập cần sửa đổi, bổ sung trong Nghị định mới là hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, thực tế triển khai thực hiện hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tại các địa phương trong thời gian qua đã gặp một số khó khăn, vướng mắc với quy định của pháp luật có liên quan từ xây dựng, đầu tư đến đất đai, đấu thầu…
Cụ thể, Luật Lâm nghiệp và Nghị định 156 quy định cho phép xây dựng các công trình phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Tuy nhiên, Luật Xây dựng không quy định cấp giấy phép xây dựng trên đất lâm nghiệp.
Theo quy định của Luật Xây dựng, để có cơ sở cấp giấy phép xây dựng phải căn cứ vào các quy hoạch xây dựng, bao gồm: Quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 và phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Về nội dung này, Tổng cục Lâm nghiệp đã lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Xây dựng.
Bên cạnh đó, pháp luật về đầu tư cũng chưa quy định cụ thể dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí có thuộc đối tượng phải chấp thuận chủ trương đầu tư hay không. Về lựa chọn tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng, Nghị định 156 chưa quy định cụ thể trình tự, tiêu chí lựa chọn tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng, tổ chức đấu giá lựa chọn nhà đầu tư.
Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, dự thảo Nghị định mới sẽ sửa đổi, bổ sung các quy định về trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Đồng thời, Nghị định cũng sẽ sửa đổi và bổ sung các quy định về quản lý xây dựng công trình phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng.
Chia sẻ về vấn đề hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất tại Nghị định 156, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái ở Việt Nam có tiềm năng rất lớn. Do vậy, cần phải có cơ chế hợp lý để hỗ trợ cho các chủ rừng, qua đó nâng cao nội lực của du lịch sinh thái. Cấp độ, mật độ, quy định trong xây dựng phải rõ ràng và gắn kết chặt chẽ với Luật Đất đai, Luật Xây dựng. Đồng thời, Tổng cục cũng cần rà soát lại các cơ chế, chính sách, thủ tục để các địa phương có thể triển khai một cách hiệu quả trong thực tế”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến lưu ý.
Gỡ vướng mắc trong chuyển mục đích sử dụng rừng
Bên cạnh hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất, Nghị định mới sửa đổi, bổ sung cho Nghị định 156 cũng hướng đến việc tháo gỡ vướng mắc trong vấn đề chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.
Về thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, dự thảo Nghị định đã quy định về phân cấp. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đối với dự án chuyển mục đích sử dụng dưới 20 ha rừng đặc dụng là rừng trồng.
Thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước, trong đó giao Bộ NN-PTNT xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 156/2018/NĐ-CP về phân cấp thẩm quyền quản lý nhà nước về lĩnh vực lâm nghiệp; xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng.
Tuy nhiên, theo Tổng cục Lâm nghiệp, một số ý kiến góp ý dự thảo Nghị định của Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Công an đề nghị bỏ quy định này vì không phù hợp với quy định của Luật Lâm nghiệp và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Việc phân cấp quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng thuộc thẩm quyền Quốc hội xem xét, quyết định. Nội dung này cũng đã được Tổng cục Lâm nghiệp xin ý kiến Chính phủ tại dự thảo Tờ trình Chính phủ.
Về trình tự, thủ tục quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đối với dự án đầu tư công, dự thảo Nghị định quy định, đối với dự án đầu tư công có chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền như Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư thì không phải thực hiện trình tự, thủ tục quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm về tính chính xác về vị trí, diện tích, loại rừng chuyển mục đích sử dụng; quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng; chỉ đạo chủ dự án thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ trồng rừng thay thế theo quy định của pháp luật.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, lý do đề xuất bổ sung nhằm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc tháo gỡ những khó khăn về trình tự, thủ tục, thời gian cho việc triển khai các dự án đầu tư công có chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đảm bảo về tiến độ giải ngân đầu tư công.
Về đánh giá sự phù hợp của dự án với quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, dự thảo Nghị định bổ sung quy định về “Sự phù hợp của dự án với quy hoạch lâm nghiệp quốc gia; về việc thực hiện quy hoạch khi chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên; đối với diện tích rừng đã được quy hoạch cho mục đích sử dụng khác không phải lâm nghiệp”.
Theo quy định của Luật Lâm nghiệp, dự án chuyển mục đích sử dụng phải phù hợp quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, dự thảo Nghị định quy định cụ thể về “Đánh giá sự phù hợp của dự án với quy hoạch lâm nghiệp quốc gia”.
Nhằm xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 156, Tổng cục Lâm nghiệp đã thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Dự thảo Nghị định với sự tham gia của đại diện các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan; ban hành Kế hoạch xây dựng Nghị định.
Tổng cục cũng ban hành văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện sơ kết, đánh giá thực hiện Nghị định số 156/2018/NĐ-CP và đã nhận được 45 báo cáo của các tỉnh, thành phố.
Tổng cục đã thực hiện rà soát, đánh giá các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan đến dự thảo Nghị định; tổ chức xây dựng dự thảo Nghị định, dự thảo Tờ trình Chính phủ và hồ sơ dự thảo Nghị định.
Tổng cục Lâm nghiệp đã tổ chức các cuộc họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập và cuộc họp kỹ thuật về xây dựng dự thảo Nghị định; tổ chức khảo sát tại 5 tỉnh; 1 hội thảo khu vực và 5 hội thảo chuyên đề lấy ý kiến về dự thảo Nghị định.