| Hotline: 0983.970.780

Khó thanh lý rừng trồng do thiếu cơ sở pháp lý

Thứ Hai 07/11/2022 , 15:09 (GMT+7)

Do không có văn bản pháp luật quy định về thanh lý rừng trồng nên một số địa phương không có cơ sở pháp lý để xử lý rừng trồng cần phải thanh lý.

Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 156 sẽ tập trung tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong công tác thanh lý rừng trồng. Ảnh: Viết Cường.

Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 156 sẽ tập trung tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong công tác thanh lý rừng trồng. Ảnh: Viết Cường.

Không có cơ sở pháp lý để thanh lý

Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT), đơn vị đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp (sau đây gọi là Nghị định 156), Nghị định mới sẽ tập trung tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong công tác thanh lý rừng trồng.

Cụ thể, dự thảo Nghị định sẽ bổ sung quy định thanh lý rừng trồng về đối tượng rừng trồng thanh lý, thẩm quyền quyết định thanh lý rừng trồng, trình tự, thủ tục thanh lý rừng trồng; tổ chức thực hiện thanh lý rừng trồng và quản lý, sử dụng tiền thu được từ thanh lý rừng trồng.

Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công quy định “Tài nguyên rừng” là tài sản công, tuy nhiên không quy định cụ thể việc thanh lý tài nguyên rừng như thế nào như đối với các loại tài sản khác như: thanh lý tài sản công tại cơ quan nhà nước; đơn vị sự nghiệp công lập...

Trên thực tế, do rừng có tính đặc thù nên Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 18/2013/TT-BTC ngày 20/2/2013 hướng dẫn trình tự, thủ tục thanh lý rừng trồng và quản lý, sử dụng số tiền thu được từ thanh lý rừng trồng.

Từ tháng 3/2021 đến nay, do không có văn bản pháp luật quy định về thanh lý rừng trồng, nên một số địa phương không có cơ sở pháp lý để xử lý rừng trồng cần phải thanh lý. Ảnh: Viết Cường.

Từ tháng 3/2021 đến nay, do không có văn bản pháp luật quy định về thanh lý rừng trồng, nên một số địa phương không có cơ sở pháp lý để xử lý rừng trồng cần phải thanh lý. Ảnh: Viết Cường.

Tuy nhiên, ngày 28/12/2020, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 110/2020/TT-BTC về việc bãi bỏ Thông tư số 18/2013/TT-BTC và ngày 29/12/2020 có Văn bản số 16026/BTC-QLCS đề nghị trường hợp cần thiết, Bộ NN-PTNT báo cáo cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế về chế độ quản lý, sử dụng, khai thác lâm nghiệp nói chung và tài nguyên rừng nói riêng.

Từ tháng 3/2021 đến nay, do không có văn bản pháp luật quy định về thanh lý rừng trồng, nên một số địa phương như Quảng Ninh, Lai Châu, Thanh Hóa, Hà Giang, Bắc Giang, Quảng Trị, Tuyên Quang, Thừa Thiên - Huế, Quang Nam,... không có cơ sở pháp lý để xử lý rừng trồng cần phải thanh lý và đã có văn bản đề nghị Bộ NN-PTNT hướng dẫn về trình tự, thủ tục thanh lý rừng trồng.

Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 156 sẽ bổ sung quy định về chi trả dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng. Ảnh: Viết Cường.

Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 156 sẽ bổ sung quy định về chi trả dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng. Ảnh: Viết Cường.

Hướng dẫn dịch vụ hấp thụ, lưu giữ carbon

Bên cạnh thanh lý rừng trồng, Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 156 cũng sẽ bổ sung quy định về chi trả dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng.

Luật Lâm nghiệp năm 2017 quy định dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng là một trong 5 loại hình dịch vụ môi trường rừng. Cụ thể, “Tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh gây phát thải khí nhà kính lớn phải chi trả tiền dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng” và “Chính phủ quy định chi tiết đối tượng, hình thức chi trả, mức chi trả dịch vụ môi trường rừng và điều chỉnh, miễn, giảm mức chi trả dịch vụ môi trường rừng; quản lý sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng”.

Đến nay Chính phủ đã quy định chi tiết các loại dịch vụ môi trường rừng khác nhưng chưa có hướng dẫn về dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định dịch vụ môi trường rừng, trong đó có dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng là một trong 4 loại hình của hệ sinh thái tự nhiên được chi trả dịch vụ theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp;

Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone quy định các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng; giao đất, cho thuê đất để trồng rừng, tự phục hồi, phát triển rừng được tham gia các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước, quốc tế.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã tham gia ký Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, trong đó Việt Nam có thể trao đổi, chuyển nhượng kết quả giảm phát thải cho các quốc gia khác.

Chính phủ đã quy định chi tiết các loại dịch vụ môi trường rừng khác nhưng chưa có hướng dẫn về dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng. Ảnh: Viết Cường.

Chính phủ đã quy định chi tiết các loại dịch vụ môi trường rừng khác nhưng chưa có hướng dẫn về dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng. Ảnh: Viết Cường.

Theo đó, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 156 sẽ quy định bên cung ứng dịch vụ và bên sử dụng dịch vụ; các hoạt động được chi trả; điều kiện đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động chi trả; quyền carbon; đăng ký xây dựng đề án; trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định, phê duyệt và thực hiện Đề án cung ứng dịch vụ hấp thụ, lưu giữ carbon của rừng và giảm phát thải khí nhà kính.

Đồng thời, Nghị định mới cũng quy định về đo đạc, báo cáo và xác minh kết quả giảm phát thải, tín chỉ carbon rừng; công nhận kết quả giảm phát thải, tín chỉ các bon rừng; ký thỏa thuận; nguyên tắc quản lý đối với hoạt động mua bán, kinh doanh kết quả hấp thụ, lưu giữ carbon rừng và giảm phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon rừng; quản lý, sử dụng tiền thu từ kết quả hấp thụ, lưu giữ carbon rừng và giảm phát thải khí nhà kính ủy thác qua Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng; trách nhiệm của Bộ NN-PTNT và các bên liên quan.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Nhiều rào cản trong phát triển rừng gỗ lớn

Quảng Nam Phát triển rừng gỗ lớn giúp tăng hiệu quả kinh tế, hướng đến phát triển lâm nghiệp bền vững. Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều này thì cần phải tháo gỡ những rào cản.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.