| Hotline: 0983.970.780

Sinh kế từ cây trồng chủ lực

Thảo thơm thuốc lá Krông Pa

Thứ Hai 13/03/2023 , 07:36 (GMT+7)

Gia Lai đã hình thành vùng sản xuất quy mô lớn với những cây trồng như khoai mì, khoai lang, thuốc lá... Làm sao để phát triển bền vững đang là vấn đề đặt ra.

Người ta gọi Krông Pa là “chảo lửa”, bởi nơi đây vô cùng nắng nóng. Song cái “chảo lửa” ấy đã tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc hữu cho người dân Krông Pa.

Empty

Vườn cây thuốc lá ở Krông Pa.

Từ 3ha đến gần 3.000ha

Một trong những cây trồng đặc hữu ở “chảo lửa” Krông Pa được nhiều người biết đến, đó là cây thuốc lá. Người ta biết đến thuốc lá Krông Pa không chỉ là nơi đây có cánh đồng thuốc lá rộng nhất tỉnh, mà còn bởi thuốc lá nơi đây được xem là thơm ngon nhất nhì cả nước với hàm lượng nicotin rất cao. Chẳng vậy mà ông Hồ Văn Thảo - Chủ tịch UBND huyện Krông Pa, khẳng định: “Đồng đất Krông Pa, hễ nơi nào có nước, nơi đó trồng được thuốc lá, mà là thuốc lá thơm ngon bởi số giờ nắng ở đây rất cao!”.

Câu chuyện thuốc lá Krông Pa được biết đến khi năm 1991, Công ty Nguyên liệu thuốc lá Nam (nay là Công ty CP Hòa Việt) đầu tư mô hình trồng thử nghiệm cây thuốc lá vàng sấy ở Krông Pa. Qua thử nghiệm cho thấy, cây thuốc lá rất phù hợp với đồng đất và khí hậu nơi đây. Bởi thế mà từ 3ha trồng thử nghiệm năm 1991, đến nay Krông Pa đang sở hữu diện tích thuốc lá lớn nhất tỉnh. Vụ đông xuân 2022 - 2023, Gia Lai có khoảng trên 3.000ha, riêng huyện Krông Pa đã có đến 2.200ha, trong đó 2.000ha thuốc lá sợị vàng và 200ha thuốc lá nâu, sản lượng ước đạt trên 5.500 tấn thuốc lá sấy khô.

Đến thời điểm hiện tại, đã có 12 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực trồng, chăm sóc, sơ chế, thu mua sản phẩm thuốc lá cho 1.360 hộ trên địa bàn huyện, giải quyết sinh kế, thậm chí làm giàu cho hàng ngàn hộ dân vốn một thời cơ cực, thiếu đói. Với Krông Pa, cây thuốc lá đã thực sự trở thành sản phẩm nông nghiệp quan trọng, mang lại giá trị kinh tế cao cho người trồng thuốc lá. Hàng năm, cây thuốc lá ở huyện Krông Pa có giá trị sản lượng trên 220 - 250 tỷ đồng, đóng góp cho ngân sách từ 9 - 10 tỷ đồng mỗi năm.

Đầu tư và bao tiêu trọn gói

Trong 12 doanh nghiệp đầu tư vào cây thuốc lá ở huyện Krông Pa, không thể không nhắc đến Công ty CP Hòa Việt. Ông Nguyễn Văn Đúng, Giám đốc Chi nhánh Công ty CP Hòa Việt tại Gia Lai cho biết, diện tích thuốc lá mà công ty đầu tư, liên kết sản xuất với nông dân tại 3 địa phương là thị xã Ayun Pa, huyện Krông Pa và huyện Phú Thiện là 410ha, riêng tại huyện Krông Pa đã chiếm đến 210ha. Cũng riêng huyện Krông Pa, sản lượng trên diện tích công ty đầu tư (210ha) năm 2022 đạt 1.250 tấn, năm 2023 ước đạt 1.500 tấn.

“Công ty đầu tư giống, phân bón, kỹ thuật và một khoản tiền ban đầu, bà con tổ chức gieo trồng, thu hoạch, sau đó công ty thu mua toàn bộ sản phẩm và ép kiện”, ông Đúng cho biết. Cụ thể, 1ha thuốc lá đầu tư 60 triệu đồng thì công ty góp 34 triệu đồng cho giống, phân bón, ngoài ra còn cho ứng 26 triệu đồng tiền mặt. Với năng suất bình quân từ 3 - 3,2 tấn thuốc lá khô/ha, với giá thu mua hiện tại 56 triệu đồng/tấn thì trừ công lao động, nhà nông lãi khoảng 50 triệu đồng/ha. Đây là một con số không hề nhỏ với người làm nông nghiệp.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Đúng, công ty định hướng sản xuất thuốc lá theo tiêu chí môi trường bền vững. Cụ thể giống đầu tư cho nông dân là giống lai kháng bệnh; trong quá trình sản xuất, nông dân tuân thủ nghiêm quy trình kỹ thuật với chủ yếu là sản phẩm sinh học, không để lại tồn dư chất cấm trong sản phẩm thuốc lá.

“Đến nay, có đến 90% diện tích thuốc lá do công ty đầu tư đã áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, vừa tiết kiệm nước, vừa giảm chi phí cho nhà nông”, ông Đúng thông tin thêm.

Empty

Kiểm tra chất lượng cây thuốc lá.

Liên kết cùng sản xuất

Hợp tác xã Thanh Niên được biết đến như là một điển hình trong việc đầu tư sản xuất cây thuốc lá trên địa bàn huyện Krông Pa. Năm 2021, Hợp tác xã Thanh Niên thành lập với 17 thành viên là thanh niên của xã Đất Bằng tham gia trồng thuốc lá, năm 2022 diện tích trồng thuốc lá là 20ha, nay đã nâng lên gần 30ha.

Giám đốc Hợp tác xã Thanh Niên là chàng trai 27 tuổi, người dân tộc J’rai tên Kpă Séo. Anh cho biết, hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp, đầu tư sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho các thành viên. Suất đầu tư gồm vật tư nông nghiệp như giống, phân bón, hệ thống tưới tiết kiệm, kỹ thuật…

Kpă Séo kể rằng, đặt tên Hợp tác xã Thanh Niên là mong muốn tập hợp, tạo điều kiện nhằm đưa những vườn thuốc lá sản xuất nhỏ lẻ của các bạn thanh niên trong vùng, cùng nhau liên kết sản xuất theo chuỗi sản xuất bền vững, được bảo hộ giá và có đầu ra ổn định.

Kpă Tơi (29 tuổi) ở buôn Ia Rnho có 1,2ha đất trồng thuốc lá. Những năm trước, gia đình anh cũng trồng thuốc lá nhưng canh tác theo lối tự phát, thiếu bền vững. Theo đó, sản phẩm làm ra chất lượng thấp, đầu ra không ổn định. Khi Hợp tác xã Thanh Niên thành lập, Tơi là một trong những thanh niên đầu tiên của xã Đất Bằng.

“Tham gia hợp tác xã, mình học được cách canh tác tiên tiến, vừa tiết kiệm chi phí, vừa tăng năng suất và chất lượng cây thuốc lá, vừa đảm bảo môi trường không bị ảnh hưởng bởi chất độc từ thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt, các thành viên còn được đầu tư ban đầu, đến khi thu hoạch thì sản phẩm được thu mua với giá cả ổn định”, Tơi nói.

Empty

Lá thuốc lá sau khi sấy khô được chuyển đi đóng gói.

Áp dụng công nghệ

Bên cạnh việc áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt nhằm tiết kiệm nước thì thời gian gần đây, những cánh đồng thuốc là ở “chảo lửa” Krông Pa cũng đã xuất hiện công nghệ sấy tiên tiến. Đó là những lò sấy thuốc lá bằng điện, thay vì sấy bằng củi như trước kia.

Ông Trần Thanh Khiêm - Phó Giám đốc kỹ thuật Chi nhánh Công ty CP Hòa Việt tại Gia Lai, cho biết, áp dụng hệ thống lò sấy mới này, cái lợi trước tiên là tiết kiệm được nhiên liệu. Nhờ thiết kế hệ thống lò sấy hiện đại nên toàn bộ nhiệt được cánh quạt thổi vào trong lò sấy, không bị thất thoát ra ngoài. Theo đó, củi dùng để đốt sẽ giảm đáng kể, chỉ cần dùng củi vườn nhà như cây điều hoặc các loại cây khác trong vườn, kết hợp với các phụ phẩm nông nghiệp là đủ.

Cái lợi tiếp theo là công lao động. Nếu trước đây, sau khi thu hoạch, lá thuốc phải ngồi kỳ công xiên thành thành từng xâu, sau đó dùng sào gác lên lò thì nay chỉ cần trải lá thuốc lên sàn là xong. Bên cạnh đó, nhờ có hệ thống cảm ứng và điều chỉnh nhiệt nên không sợ cháy lò hay thuốc sấy không đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Cũng theo ông Khiêm thì trước đây, chi phí sấy cho mỗi ha thuốc lá từ 12 - 15 triệu đồng, còn với công nghệ này, chi phí giảm khoảng 20 - 30%. Công nghệ này được công ty đưa về từ Brazil có giá 75 triệu đồng, nhưng nay thợ cơ khí của mình cũng đã chế tạo được với giá thành trên dưới 50 triệu đồng. “Hiện có khoảng trên 100 hộ trên địa bàn áp dụng công nghệ sấy tiên tiến này. Với địa bàn chi nhánh quản lý và liên kết sản xuất với nông dân, các hộ dân đã đăng ký mua khoảng gần 50 bộ”, ông Khiêm cho biết. 

Hợp tác xã NN&DV Chư Gu có 12 hộ thành viên, với khoảng 20ha thuốc lá đã sắm đủ hệ thống sấy công nghệ mới từ năm 2021. “Thấy các lò sấy công nghệ mới đem lại hiệu quả cao nên mới đây, rất nhiều hộ trồng thuốc lá ngoài hợp tác xã đã nhờ chúng tôi tư vấn, mua và lắp đặt hệ thống sấy mới này”, ông Nguyễn Văn Hưng - thành viện Hợp tác xã NN&DV Chư Gu cho biết.

Ông Hồ Văn Thảo - Chủ tịch UBND huyện Krông Pa: “Huyện đang hoàn chỉnh hồ sơ, tiến tới xây dựng thương hiệu thuốc lá Krông Pa - Gia Lai; đồng thời làm việc với Nhà máy thuốc lá Thanh Hóa đưa giống thuốc lá xì gà về trồng ở đồng đất Krông Pa”.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.