| Hotline: 0983.970.780

Thay da đổi thịt tại xã nông thôn mới vùng biên

Thứ Ba 20/08/2024 , 15:08 (GMT+7)

Xã Ea Bung là địa phương đầu tiên của huyện Ea Súp đạt chuẩn nông thôn mới, nhờ đó cơ sở hạ tầng, đời sống người dân tại đây thay đổi rõ rệt.

Tại huyện Ea Súp (Đắk Lắk), xã Ea Bung là đơn vị đầu tiên được công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới (NTM), đây một trong bốn xã biên giới của tỉnh này. Hiện toàn xã Ea Bung có 10 thôn với dân số gần 4.000 người. Sau 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM, đến năm 2021 địa phương này được công nhận hoàn thành NTM.

Theo UBND xã Ea Bung, đến nay 100% tuyến đường xã, đường trục chính thôn đã được nhựa và bê tông hóa; hệ thống kênh mương thủy lợi được kiên cố, bảo đảm nước tưới cho 90% diện tích cây trồng có nhu cầu tưới; 100% trường mầm non, tiểu học và THCS đạt chuẩn quốc gia mức độ 1; gần 100% dân cư được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% số hộ được sử dụng điện thường xuyên, an toàn; có 95% hộ gia đình không còn ở nhà tạm, nhà dột nát; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 45 triệu đồng/người/năm…

Xã Ea Bung triển khai Chương trình NTM với xuất phát điểm thấp chỉ đạt 4/19 tiêu chí, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 30%. Tuy nhiên sau 10 năm, Ea Bung đã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới, diện mạo nông thôn hoàn toàn đổi khác, đời sống người dân ngày càng nâng cao.

Xã Ea Bung thay da đổi thịt nhờ chương trình Nông thôn mới. Ảnh: Quang Yên.

Xã Ea Bung thay da đổi thịt nhờ chương trình Nông thôn mới. Ảnh: Quang Yên.

Ea Bung là xã thuần nông, cây trồng chính là lúa nước, nhưng trước đây, điều kiện khí hậu xã biên giới này rất khắc nghiệt, mùa mưa thì lũ lụt, mùa khô thường thiếu nước. Cùng với việc người dân canh tác theo kiểu truyền thống, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, năng suất cây trồng thấp, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn.

Để phát triển kinh tế, cơ quan chức năng đã đầu tư công trình thủy lợi, chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học vào sản xuất, tập trung xây dựng NTM. Nhờ đó, năng suất, chất lượng cây trồng được nâng cao, cơ sở hạ tầng nông thôn ngày càng được cải thiện.

Ông Phạm Văn Tân (ngụ thôn 6, xã Ea Bung) cho biết, trước đây gia đình đến địa phương lập nghiệp chủ yếu khai hoang để lấy đất sản xuất, hệ thống kênh mương thủy lợi không có.

Theo ông Tân, vùng đất này thường xuyên xảy ra hạn hán, lũ lụt, sản xuất dựa cả vào tự nhiên, năm nào lũ ít thì còn có ăn, năm nào thiên tai, hạn hán nhiều coi như đói, nên đời sống của người dân khổ lắm.

“Từ khi triển khai xây dựng NTM, Nhà nước đầu tư hệ thống kênh mương thủy lợi, nguồn nước chủ động, người dân sản xuất nông nghiệp thuận lợi, vùng đất xấu bây giờ đã thành vựa lúa có năng suất cao. Nhiều hộ gia đình mở rộng diện tích canh tác từ 15 - 20ha lúa, đời sống người dân khá hơn, có của ăn, của để”, ông Tân thông tin.

Toàn xã Ea Bung có gần 15.000 ha lúa nước, hiện nay địa phương này được xem là một trong những vựa lúa của tỉnh Đắk Lắk. Ngoài lúa, nhiều mô hình cây ăn quả cũng đang hình thành và phát triển như mô hình trồng xoài, chăn nuôi bò, lợn theo quy mô trang trại…

Ông Phan Thanh Pha, Chủ tịch UBND xã Ea Bung chia sẻ, mặc dù phía trước còn nhiều khó khăn, nhưng với kinh nghiệm và quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, xã Ea Bung sẽ tìm những giải pháp phù hợp để phát huy nguồn lực trong dân.

Theo ông Pha, địa phương đang tập trung đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao thu nhập cho người dân.

“Địa phương huy động nguồn nội lực, tranh thủ nguồn đầu tư của Nhà nước, sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, vận dụng cơ chế chính sách linh hoạt để thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng, chú trọng phát triển kinh tế - xã hội, y tế, giáo dục. Đơn vị cũng vận động nhân dân nâng cao nhận thức, hưởng ứng phong trào xây dựng NTM như: cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi với quy mô trang trại vừa và nhỏ để giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho gia đình. Từ đó có điều kiện tự đầu tư xây dựng nhà cửa, sửa sang đường làng, ngõ xóm, đóng góp ngày công lao động làm đường giao thông”, ông Pha nói.

Vị Chủ tịch cho biết thêm, sau khi đạt chuẩn NTM, địa phương được UBND huyện giao chỉ tiêu xây dựng NTM nâng cao. Đến nay, xã Ea Bung đã đạt một số chỉ tiêu theo chuẩn NTM nâng cao và sẽ hoàn thành trong thời gian tới.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bến Tre phát động công trình 'Hàng cây nông dân'

Bến Tre Tại xã Ngãi Đăng, các đại biểu thực hiện trồng 700 cây me chua tại địa điểm phát động chương trình 'Hàng cây nông dân'.

Cao Bằng dồn lực hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP

Năm 2024, tỉnh Cao Bằng huy động 5,4 tỷ đồng thực hiện Chương trình OCOP, ngoài ngân sách trung ương hỗ trợ trực tiếp, tỉnh cũng dành hơn 700 triệu đồng ngân sách địa phương.