| Hotline: 0983.970.780

Ninh Thuận chung sức về đích nông thôn mới: [Bài 1] Phấn đấu xã cuối cùng đạt chuẩn

Thứ Ba 13/08/2024 , 20:51 (GMT+7)

Ninh Thuận Huyện Ninh Sơn đang dốc toàn lực đầu tư, phấn đấu xã cuối cùng đạt chuẩn nông thôn mới trong năm nay, hướng tới xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025.

Huyện Ninh Sơn tập trung mọi nguồn lực đầu tư cho xã Ma Nới với mục tiêu đến năm 2025 xã Ma Nới về đích xã nông thôn mới theo tiêu chí hộ nghèo. Ảnh: PC.

Huyện Ninh Sơn tập trung mọi nguồn lực đầu tư cho xã Ma Nới với mục tiêu đến năm 2025 xã Ma Nới về đích xã nông thôn mới theo tiêu chí hộ nghèo. Ảnh: PC.

Đạt 12/19 tiêu chí nông thôn mới

Xã Ma Nới là xã đặc biệt khó khăn của huyện Ninh Sơn (tỉnh Ninh Thuận), với đồng bào dân tộc Raglai chiếm 99%, còn lại là dân tộc Kinh, Chăm cùng sinh sống. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều và hộ cận nghèo đa chiều năm 2023 là 41%, thu nhập bình quân đầu người năm 2023 mới đạt 23 triệu đồng/người/năm.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, Huyện ủy Ninh Sơn đã có Nghị quyết 04 ngày 14/5/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng trong công tác giảm nghèo nhanh và bền vững cho xã Ma Nới từ Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đó, UBND huyện Ninh Sơn tập trung mọi nguồn lực đầu tư cho xã Ma Nới với mục tiêu đến năm 2025, xã Ma Nới về đích xã nông thôn mới theo tiêu chí hộ nghèo. Tính đến 6 tháng đầu năm 2024, xã Ma Nới đạt 12/19 tiêu chí về nông thôn mới; cơ sở  hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư xây dựng;  đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc; các chính sách an sinh xã hội được khai đầy đủ, kịp thời; giải ngân vốn các Chương trình MTQG được triển khai thực hiện.  

Ông Cà Mau Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Ma Nới cho biết, tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm của xã tiếp tục có bước phát triển khá. Trong đó, tổng giá trị sản xuất các ngành ước đạt 41 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Riêng giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp đạt 34,2 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước.

“Đối với chương trình xây dựng nông thôn mới, UBND xã đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2024; rà soát các tiêu chí chưa đạt và xây dựng kế hoạch phân công cụ thể cho từng ngành, từng công chức chuyên môn của xã căn cứ nhiệm vụ được giao tham mưu UBND xã triển khai có hiệu quả các tiêu chí chưa đạt. Đến nay, xã đạt 12/19 tiêu chí, phấn đấu trong thời gian sớm nhất xã hoàn thành các tiêu chí về nông thôn mới theo chỉ tiêu huyện giao” ông Cà Mau Hà nói.

Đến nay xã Ma Nới đã đạt 12/19 tiêu chí nông thôn mới. Ảnh: PC.

Đến nay xã Ma Nới đã đạt 12/19 tiêu chí nông thôn mới. Ảnh: PC.

Ông Cà Mau Hà cho biết thêm, hiện xã Ma Nới đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình đầu tư và giải ngân vốn đầu tư năm 2024 trên địa bàn. Trong năm 2024, xã Ma Nới được UBND huyện Ninh Sơn phân bố nguồn vốn hơn 14,6 tỷ đồng để thực hiện 3 Chương trình MTQG trên địa bàn xã. Trong đó, nguồn vốn sự nghiệp hơn 4,6 tỷ đồng; nguồn vốn đầu tư công gần 10 tỷ đồng để triển khai đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho người dân.

Mặc dù đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên xã Ma Nới vẫn đối mặt với những khó khăn, thách thức như địa hình chủ yếu là đồi núi, độ dốc lớn và chia cắt mạnh gây khó khăn cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông, các tuyến kênh mương nội đồng chưa được đầu tư đồng bộ.

Cùng với đó, sản xuất chủ yếu là kinh tế hộ gia đình, năng suất lao động đạt thấp. Trình độ dân trí còn thấp, thiếu vốn đầu tư, tập quán canh tác lạc hậu, khả năng áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất còn hạn chế. Việc bố trí và tổ chức sản xuất còn nhiều bất cập, chất lượng sản phẩm chưa được chú trọng dẫn đến tăng trưởng kinh tế chưa ổn định và bền vững, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn.

Trong khi ý thức sản xuất của người dân còn mang tính sản xuất nhỏ, phong tục tập quán còn lạc hậu, sớm thỏa mãn về kết quả thu nhập hiện tại và còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Người dân chưa tự ý thức vươn lên để thoát nghèo mà vẫn còn trông chờ ỷ lại vào nhà nước; vẫn còn một số tập quán lạc hậu chưa được xóa bỏ.

Huy động tối đa nguồn lực

Để xây dựng thành công xã đặc biệt khó khăn Ma Nới đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024, hướng đến xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mớinăm 2025, UBND huyện Ninh Sơn đã đề ra 7 giải pháp trọng tâm.

Cơ sở hạ tầng nông thôn xã Ma Nới được quan tâm đầu tư xây dựng. Ảnh: PC.

Cơ sở hạ tầng nông thôn xã Ma Nới được quan tâm đầu tư xây dựng. Ảnh: PC.

Một là, chủ động tổ chức rà soát, xây dựng các kế hoạch để thực hiện duy trì các tiêu chí đã đạt và đồng thời nâng cao chất lượng từng tiêu chí, phù hợp với giai đoạn 2021-2025. Đảm bảo phân công trách nhiệm, thời gian hoàn thành nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ, công chức của xã nhằm đạt chuẩn nông thôn mới theo quy định.

Hai là, đẩy mạnh phát triển kinh tế, tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với thương mại, dịch vụ và du lịch nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời, tiếp tục đầu tư xây dựng hạ tầng, nâng cấp bê tông hóa mở rộng các tuyến đường liên thôn đã xuống cấp, tiếp tục bê tông hóa giao thông nội đồng, để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế.

Ba là, nâng cao chất lượng các tiêu chí trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường. Tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục đạo đức lối sống, lịch sử, truyền thống văn hóa dân tộc của quê hương. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ từ xã đến thôn; đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; phát huy hiệu quả hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng. Đồng thời, thực hiện tốt các Chương trình MTQG về y tế; vận động toàn dân tham gia bảo hiểm y tế, tổ chức tốt phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao, nhất là thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh.

Trong năm 2024, xã Ma Nới được UBND huyện Ninh Sơn phân bố nguồn vốn hơn 14,6 tỷ đồng để thực hiện 3 Chương trình MTQG trên địa bàn xã. Ảnh: PC.

Trong năm 2024, xã Ma Nới được UBND huyện Ninh Sơn phân bố nguồn vốn hơn 14,6 tỷ đồng để thực hiện 3 Chương trình MTQG trên địa bàn xã. Ảnh: PC.

Bốn là, tập trung xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Tập trung củng cố đội ngũ cán bộ thôn; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức xã (100% cán bộ, công chức xã đạt trình độ trung cấp chính trị, có trình độ đại học chuyên môn theo quy định).

Năm là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Tăng cường công tác tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng, nội dung, cách làm hay, mới trong xây dựng nông thôn mới.

Sáu là, tập trung huy động, lồng ghép, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn để đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới. Quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn được phân bổ từ các Chương trình MTQG; huy động từ các nguồn lực xã hội hóa; ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, công trình phục vụ sản xuất, phù hợp với yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân.

Bảy là, phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị trong quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, sự điều hành của chính quyền, sự phối hợp đồng bộ của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể từ huyện đến thôn trong tham gia xây dựng nông thôn mới.

8 tiêu chí nông thôn mới xã Ma Nới chưa đạt, bao gồm: Tiêu chí số 1 - Quy hoạch; Tiêu chí số 9 - Nhà ở dân cư; Tiêu chí số 10 - Thu nhập; Tiêu chí số 11 -  Hộ nghèo; Tiêu chí số 15 - Y tế; Tiêu chí số 17 - Môi trường và an toàn thực phẩm; Tiêu chí số 18 - Hệ thống tổ chức chính trị và tiếp cận pháp luật.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

'Nông dân số' ở làng cổ Đường Lâm

Từ mục đích lưu giữ kỷ niệm trên Tiktok, anh Chế 'Ba Vì' dần chuyển đổi những nội dung trên kênh sang giới thiệu nông sản, bán hàng để tăng thu nhập cho gia đình.

Chương trình OCOP là 'cú hích' phát triển kinh tế vùng nông thôn

HẢI PHÒNG Chương trình OCOP và những sự hỗ trợ xung quanh như là một cú hích cực kỳ quan trọng để giúp cho nông dân nâng tầm giá trị sản phẩm của mình làm ra.