| Hotline: 0983.970.780

Cao Bằng dồn lực hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP

Thứ Sáu 06/09/2024 , 15:48 (GMT+7)

Năm 2024, tỉnh Cao Bằng huy động 5,4 tỷ đồng thực hiện Chương trình OCOP, ngoài ngân sách trung ương hỗ trợ trực tiếp, tỉnh cũng dành hơn 700 triệu đồng ngân sách địa phương.

Vùng trồng chè trên đỉnh Phja Đén của Công ty TNHH Kolia Cao Bằng. Ảnh: Kolia Cao Bằng. 

Vùng trồng chè trên đỉnh Phja Đén của Công ty TNHH Kolia Cao Bằng. Ảnh: Kolia Cao Bằng. 

Vùng núi cao Phja Đén, xã Thành Công, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) quanh năm sương mù bao phủ, những đồi chè bát ngát rợp màu xanh. Phja Đén được ví như thiên đường trên non cao, bởi khí hậu ở đây quanh năm mát mẻ, du khách đến đây có thể ngắm núi non hùng vĩ, chậm rãi thưởng thức hương vị những loại chè nổi tiếng.  

Tận dụng điều kiện tự nhiên tuyệt vời này, nhiều năm qua, Công ty TNHH Kolia Cao Bằng (Công ty) đã trồng 3 giống chè gồm: Kim Tuyên, Thanh Tâm và Phúc Vân Tiên. Đến nay, Công ty đã có 20ha chè, những cây chè tại đây được canh tác và chăm sóc tuân thủ nghiêm ngặt tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế IFOAM, hoàn toàn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học. Nhờ đó, sản phẩm trà Kolia có một hương thơm đặc biệt, để lại vị ngọt thanh trong miệng sau khi sử dụng.

Hiện nay, Công ty có 3 dòng sản phẩm chủ lực gồm Lục trà, Hồng trà và Trà ô long, tất cả 3 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao.

Bà Hà Thị Hoa, Giám đốc TNHH KOLIA Cao Bằng cho biết, đỉnh Phja Đén ở độ cao hơn 1.200m so với mực nước biển, ở đây khí hậu quanh năm mát mẻ, nhiệt độ chênh lệch giữ ngày và đêm từ 5 đến 7 độ C. Nhờ canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ nên sản phẩm chè có chất lượng tốt. Hiện nay các sản phẩm chủ yếu tiêu thụ thị trong nước, sản phẩm cao cấp phục vụ khách du lịch nước ngoài. Công ty đang hướng tới xuất khẩu các dòng trà cao cấp sang thị trường Đài Loan và Trung Quốc.

Sản phẩm Hồng trà đạt chuẩn OCOP 4 sao của Công ty TNHH Kolia Cao Bằng. Ảnh: Ngọc Tú. 

Sản phẩm Hồng trà đạt chuẩn OCOP 4 sao của Công ty TNHH Kolia Cao Bằng. Ảnh: Ngọc Tú. 

Nguyên Bình là huyện miền núi còn nhiều khó khăn của tỉnh Cao Bằng, nhưng đây là địa phương có nhiều sản phẩm OCOP, riêng năm 2023 đã được chứng nhận 4 sản phẩm OCOP 4 sao, 2 sản phẩm 3 sao.  

Năm 2024, huyện Nguyên Bình chủ động hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở, hợp tác xã, doanh nghiệp đăng ký sản phẩm OCOP mới. Nổi bật như sản phẩm thanh long đá Lũng Chang, miến dong Minh Anh, miến dong Hoàng Lan, chè Minh Đạo.

Để phát triển sản phẩm OCOP, những năm qua, tỉnh Cao Bằng dành nhiều nguồn lực hỗ trợ. Riêng năm 2024, tỉnh huy động 5.400 triệu đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp từ Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới 4.700 triệu đồng, ngân sách tỉnh 700 triệu đồng.

Công tác tuyên truyền về Chương trình OCOP được triển khai sâu rộng với nhiều hình thức phù hợp. Địa phương cũng tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh tham gia hội chợ triển lãm thương mại trong và ngoài nước.

6 tháng đầu năm 2024, ngành NN-PTNT, Công Thương, Hội Nông dân tỉnh, Liên Minh Hợp tác xã tỉnh đã hỗ trợ được 16 lượt chủ thể tham gia 10 sự kiện, chương trình tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Thái Nguyên, Quảng Ninh, Đà Lạt, Kon Tum.

Tỉnh Cao Bằng cũng hỗ trợ 2 doanh nghiệp tham gia trưng bày, giới thiệu 15 sản phẩm OCOP đặc trưng, tiêu biểu tại hội chợ giao dịch hàng hóa xuất nhập khẩu ở Trung Quốc. Các mặt hàng tham gia trưng bày gồm: Bún ngũ sắc; Hồng trà, Lục trà, Trà ôlong; Miến dong Cao Bằng; Gạo nếp Hương Bảo; Trà Giảo Cổ Lam; Trà bí thơm Thạch An; Đông Trùng hạ thảo khô; Trà Cao bí thơm.

Ngoài ra, 6 tháng đầu năm 2024, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Cao Bằng tổ chức 3 lớp tập huấn với 136 chủ thể tham gia bồi dưỡng kiến thức về chương trình OCOP năm 2024. Thông qua lớp tập huấn, các chủ thể đã hiểu rõ hơn về vai trò, ý nghĩa, lợi ích khi tham gia Chương trình OCOP, hiểu rõ bản chất của chương trình.

Tỉnh Cao Bằng tiếp tục phát triển các sản phẩm OCOP cả về số lượng và chất lượng. Ảnh: Ngọc Tú. 

Tỉnh Cao Bằng tiếp tục phát triển các sản phẩm OCOP cả về số lượng và chất lượng. Ảnh: Ngọc Tú. 

Năm 2024, toàn tỉnh có 100 sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP, trong đó có 68 sản phẩm đăng ký mới, 32 sản phẩm đăng ký đánh giá lại. Chủ thể thực hiện gồm 13 hợp tác xã, 4 tổ hợp tác, 5 doanh nghiệp và 49 hộ sản xuất kinh doanh.

Từ khi thực hiện chương trình đến nay, tỉnh Cao Bằng đã có 144 sản phẩm OCOP, trong đó có 13 sản phẩm OCOP 4 sao, 131 sản phẩm OCOP 3 sao. Theo kế hoạch, tỉnh Cao Bằng phấn đấu đến hết năm 2025 có 10 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao, đến thời điểm này đã vượt chi tiêu (13 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao).

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Cao Bằng xóa gần 7.000 nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2024, tỉnh Cao Bằng đã xóa được gần 7.000 nhà tạm, nhà dột nát, kinh tế của địa phương có bước tăng trưởng quan trọng.