| Hotline: 0983.970.780

Thay đổi bộ mặt nông thôn

Thứ Hai 24/11/2014 , 09:32 (GMT+7)

Bộ NN-PTNT đã phối hợp với UBND tỉnh Phú Yên tổ chức hội nghị Tổng kết Dự án Phát triển nông thôn tổng hợp các tỉnh miền Trung.

Dự án do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và cơ quan Phát triển Pháp (AFD) đồng tài trợ.

Ông Nguyễn Minh Quang, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình và ông Lê Văn Hiến, GĐ Ban quản lý các dự án nông nghiệp (Bộ NN-PTNT) cùng ông Lê Văn Trúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đồng chủ trì hội nghị.

Nông thôn được tiếp sức

Dự án được ADB và AFD đồng tài trợ tổng số vốn là 168,2 triệu USD, trong đó vốn vay ADB là 90 triệu USD, vốn vay AFD là 40 triệu Euro (tương đương 52 triệu USD) và 1 triệu Euro (tương đương 1,3 triệu USD) viện trợ không hoàn lại; vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 24,9 triệu USD.

Ngoài khoản vay, ADB còn tài trợ không hoàn lại 1 dự án hỗ trợ kỹ thuật trị giá 1 triệu USD để hỗ trợ nghiên cứu về vận hành, bảo trì công trình và hỗ trợ dự án trong giai đoạn khởi động.

Dự án được thực hiện từ năm 2008 đến cuối năm 2014 tại 13 tỉnh.

Khu vực Bắc Trung bộ có các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị; khu vực Trung Trung bộ các tỉnh: Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum; khu vực Nam Trung bộ có các tỉnh: Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận.

Dự án gồm 3 hợp phần: Phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn và công trình ven biển, tăng cường năng lực và quản lý dự án.

Khẳng định đây là 1 dự án ODA thực sự hiệu quả, phục vụ tốt cho Chương trình xây dựng NTM của Chính phủ Việt Nam, chính ADB đã đề nghị tiếp tục tài trợ các khoản vay bổ sung (giai đoạn 2) nhằm tiếp tục giúp thúc đẩy phát triển KT-XH cho các vùng nông thôn ở miền Trung với tổng mức đầu tư được dự kiến là 92,5 triệu USD (hơn 1.942 tỷ đồng).
Khoản vay bổ sung cho Dự án Phát triển nông thôn tổng hợp các tỉnh miền Trung cho 6 tỉnh Hà Tĩnh, TT - Huế, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận và Bình Thuận đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục tài trợ, dự kiến sẽ được ký kết Hiệp định vay trong tháng 12/2014.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, GĐ Dự án cho biết: "Đến nay, việc thi công các công trình đã đạt tiến độ và chất lượng như mong muốn, 100% công trình đã hoàn thiện việc xây lắp và bước đầu phát huy hiệu quả.

Dự án đã xây dựng được 663 km đường GTNT, 51 cầu, 1.300 cống phục vụ cho 854.200 người dân nông thôn; cải tạo, nâng cấp 100 km tuyến kênh chính và kênh cấp dưới phục vụ tưới cho 120.838 ha đất canh tác; xây dựng, nâng cấp 9 công trình cấp nước sinh hoạt với 226 km đường ống và các công trình trạm bơm, trạm xử lý nước, cung cấp 9.000 m3 nước/ngày đêm; nâng cấp và xây mới 20 chợ nông thôn với tổng diện tích 94.750 m2, phục vụ cho 210.000 người dân; 9 công trình phòng chống lũ và xâm nhập mặn".

Thành tựu nhiều mặt

Tham dự hội nghị, đại diện 13 tỉnh trong vùng dự án lần lượt báo cáo về hiệu quả thiết thực từ dự án mang lại.

Có thể nêu vài đơn cử: Tại Hà Tĩnh, vào năm 2008 thu nhập bình quân đầu người tại tỉnh này chỉ có 7 triệu đồng/người/năm thì đến năm 2014, nhờ phát huy được các công trình, SXNN của người dân thuận lợi hơn nên mức thu nhập bình quân đã tăng đến 18,8 triệu đồng/người/năm.

Huyện Tu Mơ Rông ở tỉnh Kon Tum, tỉnh nghèo nhất trong vùng dự án, trước năm 2008 thu nhập bình quân đầu người chỉ có 9 triệu đồng/người/năm thì hiện nay mức thu nhập đã tăng 84%. Không chỉ có Hà Tĩnh, Kon Tum, kết quả này là điểm chung của tất cả các tỉnh nằm trong vùng dự án.

Đánh giá dự án, ông Hoàng Văn Xô, Phó Cục trưởng Cục Quản trị, Văn phòng Chính phủ, nguyên GĐ Dự án Phát triển nông thôn tổng hợp các tỉnh miền Trung, nói: “Ngoài làm thay đổi bộ mặt các vùng nông thôn, dự án còn đào tạo được nhiều lớp cán bộ quản lý từ BQL TW đến BQL các địa phương đạt đến trình độ cao, có thể đảm nhận được các dự án lớn hơn.

Nhờ phối hợp tốt theo mô hình phân cấp nên dự án này đã đóng cửa các khoản vay đúng thời hạn như đã ký kết và đã giải ngân tối đa.

Do đó, nhà tài trợ ADB đã đánh giá dự án này được thực hiện tốt nhất Việt Nam, đây chính là vấn đề mấu chốt để các nhà tài trợ tiếp tục đầu tư những dự án tiếp theo”.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xuất khẩu lô thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo

BẮC NINH Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, thuộc Hùng Nhơn Group vừa tổ chức Lễ xuất khẩu lô hàng thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo.

Phân biệt rõ giữa thương lái và 'cò lúa'

CẦN THƠ Doanh nghiệp mua lúa qua thương lái, nông dân bán lúa cho thương lái để lấy tiền mặt. Vì vậy, cần xem thương lái là đối tác đồng hành trong chuỗi lúa gạo.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.