| Hotline: 0983.970.780

Thay đổi nhận thức chăn nuôi

Thứ Hai 20/05/2019 , 09:03 (GMT+7)

Là một trong ba huyện 30A của tỉnh Lào Cai, Si Ma Cai có thế mạnh về phát triển chăn nuôi đại gia súc. 

Tuy nhiên, tập quán chăn thả của đồng bào các dân tộc thiểu số vẫn còn thói quen cũ nên chưa giải quyết được tình trạng chất thải chăn nuôi, gây mất vệ sinh nhà ở cũng như làng bản, ảnh hưởng đến môi trường sống.

Việc triển khai dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp (LCASP) cho đồng bào nơi đây là giải pháp hữu hiệu, khắc phục tình trạng trên. Đến nay, sau thời gian thực hiện các mô hình bếp sinh học, lắp đặt hầm bể biogas, ủ phân hữu cơ vi sinh… người dân đã dần thay đổi nhận thức.

12-33-03_nh_1
Mô hình biogas mang lợi ích thiết thực cho người dân.

Dự án chủ yếu hỗ trợ người dân Si Ma Cai xây dựng hầm biogas để xử lý chất thải trong chăn nuôi, xử lý các phế phụ phẩm trong nông nghiệp. Từ đó giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động của biến đối khí hậu. Đồng thời phổ biến kiến thức và kỹ năng ứng dụng công nghệ sản xuất nông nghiệp các bon thấp. Tuy nhiên, do tập quán chăn nuôi, những năm đầu triển khai, dù đã tuyên truyền đến các hộ dân, nhưng cả huyện chỉ có 5 hầm bể biogas được lắp đặt.

Do vậy, theo Ban Quản lý Dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp tỉnh Lào Cai, để đẩy mạnh nhận thức của người dân Si Ma Cai về hiệu quả của dự án mang lại, bắt buộc phải có sự vào cuộc quyết liệt từ các bên liên quan.

Theo đó, Ban Quản lý dự án đã tổ chức hội thảo, tổ chức cho lãnh đạo các xã, các tổ chức hội (Hội Phụ nữ, Hội Nông dân), Phòng NN-PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, các hộ chăn nuôi điển hình tham quan học tập các mô hình xử lý chất thải chăn nuôi, sau đó đẩy mạnh triển khai tới các xã, thôn, bản.

Xã Nàn Sán đang tập trung mọi nguồn lực phấn đấu để về đích nông thôn vào cuối năm 2019. Do vậy, việc thực hiện các tiêu chí, trong đó có tiêu chí về môi trường đang được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm.

12-33-03_nh_2
Người dân Si Ma Cai sử dụng khí gas sinh học để đun nấu.

Ông Lùng Văn Chanh, khuyến nông viên xã Nàn Sán cho biết: Xã Nàn Sán hiện có 21 hộ tham gia thực hiện Dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp. Các hộ tham gia dự án đã được hỗ trợ lắp đặt hầm bể biogas từ 6 - 10 m3 và các thiết bị bếp sinh học.

Sau 3 năm thực hiện, đến nay, các hộ gia đình đều nhận thấy lợi ích thiết thực từ mô hình bếp sinh học sử dụng khí biogas mang lại cho sinh hoạt gia đình. “Lợi ích kép” từ mô hình mang lại là vừa tạo ra chất đốt phục vụ sinh hoạt gia đình, vừa giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường…

Điều quan trọng hơn cả là nhận thức của người dân đã thay đổi, ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường sống ngay tại gia đình cũng như cộng đồng,nhất là những hộ chăn nuôi đại gia súc trước đây thường loay hoay trong vấn đề xử lý nguồn chất thải, thì nay đã tìm ra hướng giải quyết triệt để…

Tham gia dự án, gia đình ông Sùng Seo Nhà, thôn Chư Sang, xã Cán Cấu được hướng dẫn kỹ thuật để thực hiện mô hình ủ phân hữu cơ vi sinh phục vụ trồng rau, chăm bón cây ăn quả tại gia đình. Gia đình ông Sùng Seo Nhà rất phấn khởi vì đã thực hiện được việc khó trước đây là không biết phải xử lý phân rác từ chăn nuôi ra sao. Ủ phân hữu cơ vi sinh không chỉ hạn chế được ô nhiễm môi trường, còn tạo ra nguồn phân bón đáng kể phục vụ trồng trọt, tiết kiệm được chi phí sản xuất, lại an toàn thân thiện với môi trường và sản xuất nông nghiệp bền vững.

Đây cũng là mô hình trình diễn để nông dân ở Cán Cấu nói riêng và các xã trong huyện Si Ma Cai nói chung thực hành, tham quan, học tập nhân rộng mô hình, với mục đích giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất, đảm bảo sản phẩm an toàn và phát triển bền vững.

12-33-03_nh_3
Tập huấn vận hành và bảo dưỡng công trình khí sinh học cho các hộ dân tại huyện Si Ma Cai.

Ngày càng nhiều hộ lắp đặt bể biogas

Năm 2018, với sự vào cuộc từ huyện đến từng xã và từng hộ chăn nuôi, huyện Si Ma Cai đã trở thành điểm sáng của Dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp của tỉnh Lào Cai.

Điều này được minh chứng bằng những con số thuyết phục: Từ chỗ triển khai lắp đặt được 5 hầm bể biogas trong suốt 3 năm (2014-2017), nhưng chỉ riêng năm 2018, huyện đã lắp đặt được 126 hầm bể biogas. Nhận thức của người chăn nuôi được nâng cao, kiến thức về sản xuất nông nghiệp các bon thấp được tuyên truyền nhân rộng, góp phần bảo vệ môi trường nông thôn.

H.LINH

Xem thêm
Nuôi dê chủ yếu bằng trái cây

ĐẮK NÔNG Thức ăn của đàn dê chủ yếu là những thứ có sẵn trong vườn như mít, chuối, cỏ ngọt nên thịt dê đạt chất lượng cao, thương lái 'tranh nhau mua'.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Hỗ trợ vật tư cho vùng măng tây lớn nhất Ninh Thuận

NINH THUẬN 08 hộ dân thực hiện mô hình trồng thâm canh cây măng tây xanh theo hướng hữu cơ tại xã An Hải (huyện Ninh Phước) được hỗ trợ giống, phân bón, thuốc BVTV...