Cả doanh nghiệp và nông dân cùng ngại
Nhằm khôi phục ngành hàng khoai lang, tỉnh Vĩnh Long đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho các chủ thể sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực này. Trong đó có thực hiện Nghị định 98/2018/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 5/7/2018 (Nghị định 98) quy định về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Thực hiện Nghị định 98, tỉnh Vĩnh Long đã phê duyệt dự án liên kết “Xây dựng mô hình chuỗi cung ứng khoai lang phục vụ nội tiêu và xuất khẩu tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021 - 2024”.
Theo đó, dự án được triển khai trên địa bàn huyện Bình Tân với quy mô liên kết 100ha. Chủ trì liên kết là Công ty cổ phần Sản xuất và xuất nhập khẩu Việt Phúc. Bên cạnh đó, còn có sự tham gia phối hợp của các Sở, ngành và chính quyền các cấp. Tổng kinh phí thực hiện dự án là trên 16 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí ngân sách hỗ trợ là trên 5,2 đồng.
Thời gian thực hiện dự án dự kiến từ tháng 6/2021 - 6/2024, được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 6/2021 - 6/2022 làm công tác phối hợp tư vấn, hỗ trợ chứng nhận VietGAP cho 20ha khoai lang và điều tra phân tích mẫu chọn vùng sản xuất hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, chế tạo thiết bị cho nhà đóng gói. Kể từ tháng 7/2022 sẽ hỗ trợ cải thiện hạ tầng nhà đóng gói và xây dựng mối liên kết tiêu thụ.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Liệt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, vì nhiều nguyên nhân mà đến tháng 6/2023 dự án vẫn chưa được triển khai thực hiện.
Khảo sát khó khăn, vướng mắc khi tiếp cận và thực hiện chính sách theo Nghị định số 98, UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết năng lực của doanh nghiệp, HTX trên địa bàn còn hạn chế, chưa chủ động tiếp cận và tham gia hưởng ứng chính sách.
Hiện nay, nhận thức của bà con nông dân về liên doanh, hình thành liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp chưa cao. Bà con chưa thấy được lợi ích lâu dài của việc liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản. Còn phía doanh nghiệp cũng chưa chú trọng vào khâu đầu tư vùng nguyên liệu để thực hiện hợp đồng sản xuất bền vững. Các bên tham gia liên kết khó đáp ứng điều kiện về thời gian liên kết ổn định tối thiểu của chính sách đề ra (theo quy định thời gian liên kết phải từ 3 - 5 năm trở lên).
Bên cạnh đó, các hình thức tổ chức sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu tổ chức sản xuất hàng hóa và thiếu bền vững. Liên kết trong sản xuất còn lỏng lẻo. Quy mô, phạm vi liên kết còn nhỏ. Chưa có nhiều HTX, tổ hợp tác, trang trại điển hình, quy mô lớn, chất lượng sản phẩm còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu thị trường.
Ngoài ra, chủ trì liên kết (doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác) không đủ năng lực trong việc hoàn chỉnh các thủ tục hồ sơ thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ từ nhà nước theo quy định về đầu tư công. Nguồn ngân sách phân bổ thực hiện chính sách còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu. Trong cùng một dự án, kế hoạch áp dụng nhiều nguồn kinh phí rất khó cho chủ trì liên kết trong việc thanh quyết toán và giải ngân kinh phí. Sản xuất nông nghiệp thường gặp rủi ro do thiên tai, giá cả thị trường biến động nên các doanh nghiệp, HTX ngại ký hợp đồng lâu dài với nông dân…
Theo đại diện Công ty Việt Phúc, khó khăn lớn nhất vẫn là vấn đề giá cả thị trường, tập quán của bà con bán cho thương lái địa phương. Một số nông hộ phá vỡ liên kết khi có thương lái trả giá khoai cao hơn 10.000 - 20.000 đồng/tạ. Bên cạnh đó, tập quán bán khoai xô tại ruộng cũng gây không ít khó khăn. Doanh nghiệp cho rằng, khi bán xô bà con không biết được chất lượng sản phẩm của họ và cải tiến chất lượng.
Thay đổi tập quán sản xuất, tiêu thụ nông sản
Thực tế, trong chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản, sản xuất an toàn theo VietGAP còn khó thực hiện bởi nông dân chưa có thói quen ghi chép sổ sách theo dõi sản xuất, truy xuất nguồn gốc, đặc biệt là nhận diện các nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Do đó, việc triển khai mô hình sản xuất an toàn theo VietGAP vẫn còn nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, nhất là trong mùa dịch Covid-19. Trong quá trình thực hiện có xảy ra tình trạng phá vỡ hợp đồng của một số hộ tham gia liên kết do tập quán tiêu thụ nông sản của nông dân và giá cả hàng hóa lên xuống thất thường.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Sản xuất và xuất nhập khẩu Việt Phúc cho rằng doanh nghiệp cũng có một số khó khăn khi triển khai dự án. Hiện Công ty Việt Phúc đang phối hợp cùng với chính quyền, các ngành chức năng của địa phương để tháo gỡ và quyết liệt triển khai dự án. Đến nay, công ty đã phối hợp xây dựng mã số vùng trồng, cung cấp giống khoai lang sạch bệnh và thu mua khoai lang ở một số hộ trong mô hình thí điểm liên kết. Ngoài ra, công ty cũng đã hoàn thiện quy trình quản lý, bảo quản sau thu hoạch, chống bọ hà, đang khảo nghiệm chế phẩm hữu cơ ức chế nảy mầm. “Mục tiêu ban đầu là hợp tác với một cơ sở ở địa phương, sau đó sẽ đầu tư cho cơ sở đấy nhưng vẫn vướng một số thủ tục”, đại diện doanh nghiệp chủ trì liên kết thông tin.
Để giải quyết các vướng mắc trên, doanh nghiệp đã liên kết với các thương lái địa phương. Họ sẽ làm đại diện đến thu mua khoai cho nông dân tại các vùng trồng liên kết và sẽ thu mua theo phân loại. Bước đầu, một bộ phận nông dân đã thay đổi tập quán bán xô.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương tin rằng dần dần sẽ thay đổi được tập quán của nông dân. Ngoài ra, bà còn chia sẻ thêm, sắp tới doanh nghiệp sẽ triển khai một đề án theo chương trình phát triển HTX với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Qua đó, sẽ hỗ trợ các chị em về giống, phân bón, đào tạo kỹ thuật chăm sóc khoai lang… và đang ráo riết để triển khai thực hiện trong những tháng còn lại của năm 2023. “Không có chương trình của Nhà nước mình vẫn làm, có chương trình của Nhà nước sẽ tạo được phong trào phát triển HTX. Công ty sẽ đồng hành cùng với địa phương qua Nghị định này”, bà Hương khẳng định.
Đề xuất tăng chi phí hỗ trợ
Theo ông Nguyễn Văn Liệt, để triển khai Nghị định 98 thuận lợi hơn, UBND tỉnh Vĩnh Long đề xuất xây dựng, hướng dẫn cụ thể về hồ sơ thủ tục, định mức chi, cách thức trình tự thực hiện, việc giám sát, nghiệm thu, hồ sơ thanh quyết toán, nguồn kinh phí hỗ trợ một cách thống nhất và đồng bộ để làm cơ sở pháp lý cho các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách. Cân đối nguồn ngân sách trung ương phân bổ về địa phương để đảm bảo kinh phí thực hiện các khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Nghị định cần quy định rõ là hỗ trợ trước đầu tư hay sau đầu tư để chủ trì liên kết cũng như UBND tỉnh, huyện chủ động hơn và có cơ sở pháp lý trong việc phân bổ vốn.
Ngoài những hạn chế khó khăn như trên, Nghị định 98 còn bộc lộ một số bất cập, hạn chế về các nội dung chính sách. Về hỗ trợ chi phí tư vấn xây dựng liên kết, chủ đầu tư dự án là HTX hoặc doanh nghiệp chưa đủ năng lực để hoàn chỉnh các thủ tục, hồ sơ thanh quyết toán chính sách hỗ trợ theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu... Tỉnh Vĩnh Long đề xuất hỗ trợ chi phí tư vấn xây dựng liên kết đề nghị bổ sung nội dung tư vấn hoàn thiện hồ sơ, thủ tục thanh quyết toán chính sách.
Về hỗ trợ hạ tầng phục vụ liên kết, trên địa bàn tỉnh thiếu doanh nghiệp về nông nghiệp và HTX nông nghiệp đủ mạnh để đáp ứng 70% về vốn đối ứng nên việc tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong thời gian qua còn đạt ở mức thấp. Tỉnh đề xuất nâng tỷ lệ hỗ trợ hạ tầng phục vụ liên kết là 70%.
Ngoài ra, UBND tỉnh Vĩnh Long cũng đề xuất hỗ trợ xây dựng mô hình khuyến nông là 50% kinh phí thực hiện các mô hình sản xuất truyền thống, 80% chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi.