| Hotline: 0983.970.780

Nông dân làm nông nghiệp hiện đại

Thay đổi toàn diện cách nuôi, trồng

Thứ Tư 06/04/2022 , 07:34 (GMT+7)

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX nhiệm kỳ 2020-2025 xác định tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững.

Làm vườn để làm giàu

Cụ thể hóa chủ trương phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, trong đó một số cây trồng, vật nuôi thế mạnh chủ lực của địa phương như chè, chăn nuôi gia súc, gia cầm và các cây trồng, vật nuôi đặc sản của một số địa phương trong tỉnh… đã được tập trung phát triển để hình thành các vùng sản xuất lớn theo hướng an toàn, hữu cơ, chăn nuôi trang trại, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến gắn với xây dựng thương hiệu và phát triển sản phẩm chủ lực, các sản phẩm OCOP của tỉnh; qua đó đã từng bước phát huy các tiềm năng, lợi thế của tỉnh trong sản xuất nông nghiệp.

Với mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác, những năm gần đây, nhiều hộ nông dân ở xã Bản Ngoại, huyện Đại Từ đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất đồi rừng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả kết hợp với chăn nuôi. Mô hình này đã mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Trái cây của gia đình ông Nguyễn Văn Lượng luôn có giá bán cao do được chăm sóc tốt. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Trái cây của gia đình ông Nguyễn Văn Lượng luôn có giá bán cao do được chăm sóc tốt. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Gia đình ông Nguyễn Văn Lượng (54 tuổi, xóm La Dạ xã Bản Ngoại, huyện Đại Từ) quy hoạch vườn cây ăn quả khoảng 7 sào gồm ổi, bưởi, nhãn. Nhờ tuyển chọn kỹ giống và được chăm bón tốt, chất lượng hoa quả vượt trội so với mặt bằng, tuy chỉ đem bán ở chợ huyện nhưng luôn đắt hàng, được giá. Như ổi lê, luôn ổn định ở mức 10 nghìn - 15 nghìn đồng/kg, bưởi diễn 10 nghìn - 15 nghìn đồng/ quả, bưởi da xanh trên 20 nghìn đồng…

Để chuyển đổi từ đồi chè và vườn tạp sang trồng cây ăn quả, rất cần chủ động nguồn phân bón nên ông Lượng đã vay thêm vốn đầu tư chuồng trại nuôi khép kín 20 lợn nái và 200 lợn thịt, xây hệ thống xử lý chất thải gồm bể ga, ao chứa, do vậy lên vườn cây ăn quả có nguồn phân hữu cơ thoải mái. Những năm qua, vợ chồng ông Lượng đã tham gia nhiều lớp dạy nghề do xã tổ chức, nắm vững kỹ thuật trồng cây ăn quả, cả hai vợ chồng đều có bằng sơ cấp chăn nuôi. Song, với mục tiêu phát triển mô hình nông nghiệp theo hướng hiện đại bền vững, ông đã động viên cậu con trai út thi vào Đại học Nông lâm, hiện em đã tốt nghiệp và đang tiếp tục làm thuê cho các tập đoàn nông nghiệp lớn để học hỏi, áp dụng vào mô hình của gia đình.

Ông Lượng chia sẻ, cùng là làm vườn nhưng làm vườn bây giờ khác xa trước đây, muốn hiệu quả bắt buộc phải đầu tư, không làm kiểu may rủi mà phải có kế hoạch về thời gian, về tài chính, phải học hành bài bản mới dám làm lớn. Phong trào làm vườn để tăng thu nhập đã giúp cho nhiều hộ dân trong xã tăng thu nhập, phát triển kinh tế.

Làm giàu rồi mới làm vườn

Trên tuyến đường đi ATK Định Hóa, khu vườn cây ăn quả của gia đình ông Hoàng Xuân Phượng (54 tuổi, ở xóm Thượng, xã Yên Đổ, huyện Phú Lương) nổi bật giữa những đồi cọ, chè xung quanh, tạo nên một cảnh quan thật thi vị.

Đổ tiền tỷ xuống vườn để cải tạo đất, biến đồi keo bạc màu thành vườn cây cối sum suê, ông Phượng tâm sự, trước đây gia đình tôi sống bám vào rừng, rừng nuôi chúng tôi, bây giờ có chút điều kiện tôi muốn trả lại vẻ đẹp cho rừng.

Hoàn cảnh gia đình ông Phượng vốn rất nghèo khổ, mẹ ông mất sớm, bố đi bộ đội xa nhà biền biệt, từ nhỏ ông Phượng đã là một chàng Thạch Sanh ngày ngày đi chặt cây khô chẻ củi, đi mót nan cọ để bán kiếm tiền nuôi thân. Lớn lên, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, lập gia đình, ông làm đủ nghề từ đóng gạch thủ công, chạy xe chở cát, vật liệu xây dựng, rồi sau này có vốn đầu tư sơ chế gỗ khá dần lên, mua được thêm đất đai.

Có điều kiện kinh tế, anh Hoàng Xuân Phượng đầu tư vườn cây bài bản và khoa học. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Có điều kiện kinh tế, anh Hoàng Xuân Phượng đầu tư vườn cây bài bản và khoa học. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Những năm qua, công việc kinh doanh của gia đình khá suôn sẻ, hiện doanh thu hàng năm trên dưới 2 tỷ đồng, ông Phượng bắt đầu thực hiện mơ ước đã ấp ủ từ lâu, là kiến tạo một khu vườn thật đẹp trên mảnh đất quê hương, tô điểm thêm cho vùng đất chiến khu - Thủ đô gió ngàn năm xưa.

Ông đã đến những vùng bưởi, nhãn nổi tiếng trong cả nước để chọn giống bưởi ngon nhất, giống nhãn đặc biệt nhất để mang về trồng. Hiện, với gần 4ha đất rừng, một phần do ông bà để lại, một phần từ gom góp mua thêm, ông Phượng đã quy hoạch thành khu trồng rừng, vườn cây ăn quả và ao thả cá. Để cải tạo diện tích vốn là đất rừng bạc màu, mỗi năm ông Phượng chi phí vài trăm triệu đồng mua hàng tấn cá tươi và hàng nghìn bao phân gà để ủ.

Xác định làm nông nghiệp vất vả, rất khó, rất khổ cực nhưng sự kiên trì và niềm đam mê sẽ dẫn đến thành công, ông Phượng tính vườn bưởi phải sau 7 năm mới có thu nhập nhưng bền vững, ngoài giá trị hàng hóa từ thu hoạch quả, vườn cây còn có giá trị lớn trong tạo cảnh quan môi trường. Hiệu quả trước mắt, kể từ khi có khu vườn, cây cối phát triển tốt, đơm hoa kết trái, không khí trở nên mát mẻ trong lành, quanh năm hương hoa và quả chín thơm ngát khắp vùng, mọi người trong gia đình đều vui khỏe hơn. Hơn thế nữa, do cây còn nhỏ, gia đình tận dụng gieo các loại rau, đất màu mỡ rau lên mơn mởn, cung cấp rau sạch cho cả làng.

Ông Phan Văn Tường (Bí thư Đảng ủy xã Yên Đổ) cho biết, năm 2016 xã về đích nông thôn mới, sớm 4 năm so với kế hoạch đề ra. Trên cơ sở kết quả đạt được, xã đã đề ra mục tiêu giữ vững và nâng cao chất lượng 19 tiêu chí, từng bước xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu. Mục tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã đặt ra trong nhiệm kỳ là tiếp tục lãnh đạo đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong phát triển nông, lâm nghiệp; thúc đẩy phát triển tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương nhằm tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Bên cạnh hầu hết những mô hình làm vườn của các hộ dân nhằm tăng thu nhập, tại địa phương đã xuất hiện mô hình hộ khi đã có điều kiện kinh tế nhất định mới đầu tư làm vườn, chắc chắn sẽ hứa hẹn hiệu quả bền vững, góp phần đạt những mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp.

Mục tiêu chung của tỉnh Thái Nguyên là xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất an toàn, hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tập trung phát triển các cây trồng, vật nuôi có lợi thế của tỉnh; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn; nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân nông thôn.

Cụ thể, giai đoạn 2019 - 2025 giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh tăng bình quân 3,5%/năm; giai đoạn 2026 - 2030 tăng bình quân 3%/năm. Giá trị sản phẩm thu được trên 1ha đất trồng trọt đến năm 2025 đạt 125 triệu đồng/ha, đến năm 2030 đạt 150 triệu đồng/ha; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến năm 2025 đạt 65 triệu đồng/người/năm, đến năm 2030 đạt 90 triệu đồng/người/năm...

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Biến rác thải thành điểm tham quan hấp dẫn

QUẢNG NINH HTX Green Life Hạ Long đã trở thành điểm tham quan, trải nghiệm lối sống xanh của rất nhiều du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài khi đến với Quảng Ninh.

5 điểm bán sản phẩm OCOP phục vụ giỏ quà tết tại Kiên Giang

Trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, đến nay đã thành lập được 5 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, với hàng trăm giỏ quà tết được tiêu thụ mỗi ngày.

Bình luận mới nhất