| Hotline: 0983.970.780

Trồng lúa cho cá ăn mang lại hiệu quả kinh tế bất ngờ

Thứ Ba 22/03/2022 , 15:10 (GMT+7)

Mô hình cá ruộng mang lại hiệu quả bất ngờ cho các thành viên của tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản xóm Đình Thượng, xã Bảo Lý, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên.

Mô hình cá ruộng tại xã Bảo Lý đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa. Ảnh: Đào Thanh.

Mô hình cá ruộng tại xã Bảo Lý đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa. Ảnh: Đào Thanh.

Ông Dương Văn Hải, xóm Đình Thượng, xã Bảo Lý huyện Phú Bình tỉnh Thái Nguyên kể, gia đình ông có 5 sào ao thả cá từ thời các cụ để lại. Diện tích chăn thả nhỏ lại không không được quan tâm đầu tư nên cũng chỉ mang tính tự cung tự cấp. Họa có ít cá thương phẩm mang bán cũng không đáng kể vì thường chất lượng cá không cao.

Giáp với bờ aolà thửa ruộng 1,7 mẫu của ông Hải. Ngặt nỗi, cứ mưa to là ruộng ngập úng quá nửa. Nửa còn lại ở vàn cao nên quanh năm khô hạn. Ruộng liền thửa nhưng chạy tràn từ đồi xuống vũng nên khó canh tác chủ động.

Đến lúc con cháu trưởng thành tìm nghề ly nông, không còn nhân lực làm ruộng, ông Hải quyết định chuyển toàn bộ 1,7 mẫu ruộng sang nuôi cá. Với chỉ 5 sào ao trước đó thả sao cũng được, nay diện tích chăn thả lớn, suất đầu tư cao, ông Hải phải mày mò học hỏi.

Vụ chiêm xuân, ông Hải cho tháo khô ao nuôi cá để cấy lúa. Nước ngang thân cây lúa thì con gái cũng là lúc vào vụ chăn thả, thường là tháng 3, tháng 4 hàng năm.

Ông cho nuôi các loại cá trắm, chép, chim và rô phi đơn tính. Cá lớn đến độ đòi hỏi nhiều thức ăn cũng là lúc bông lúa rủ câu. Cá Chép ăn hạt thóc. Cá trắm, cá chim ăn cả thân cây. Nước ao dâng cao theo triền đồi để cá ngược lên vàn cao tìm thức ăn từ ruộng lúa. Cuối năm, ông Hải thu hoạch cá. Năm đầu chuyển đổi, ông thu được 350 triệu.

Nuôi cá mang lại hiệu quả kinh tế, ông Hải chuyển cho con trai là anh Dương Văn Tuấn thay cha lo liệu sản xuất. Trong làng, ngoài ngõ, một số hộ dân theo cách làm của cha con ông Hải mà chuyển ruộng thành ao. Tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản xóm Đình Thượng được thành lập. Anh Tuấn được bầu làm tổ trưởng. Theo anh Tuấn, tổ hợp tác có danh nghĩa mới tiếp cận được sự hỗ trợ về nguồn giống, kỹ thuật chăn nuôi cũng như thông tin thị trường.

Nuôi cá quan trọng nhất là tránh những rủi ro không đáng có. Lo nhất là cá thiếu ôxy để hô hấp. Ban đêm cứ thấy ao cá rào rào là biết ngay cá đói hơi. Hoặc buổi sáng sớm, cá nổi đầu thì ngay lập tức phải sục khí cho ao. Khi mặt trời ló lên, tảo trong nước quang hợp thì không lo cá nổi nửa. Qua trao đổi kỹ thuật, các thành viên đều chủ động mua thiết bị máy móc để chăn thả như máy tạo ôxy, quạt nước, tạo sóng...

Hướng phát triển chăn nuôi thủy sản mới không chỉ khai thác triệt để tư liệu mà còn hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung tại xã Bảo Lý. Ảnh: Đào Thanh.

Hướng phát triển chăn nuôi thủy sản mới không chỉ khai thác triệt để tư liệu mà còn hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung tại xã Bảo Lý. Ảnh: Đào Thanh.

Anh Dương Văn Tưởng (thành viên tổ hợp tác) cho biết, tham gia tổ hợp tác, các thành viên chia sẻ với nhau phương thức sản xuất. Đặc biệt, mỗi khi có hộ thu hoạch cần nhiều nhân lực thì anh em lại tập hợp để cùng nhau hỗ trợ chủ nhà.

Các thành viên sẵn sàng đáp ứng những đơn hàng lớn. Trong trường hợp thương lái dứt khoát đòi hạ giá thu mua do cá không đạt biểu thì những thành viên còn lại sẽ chủ động đưa các loại cá đó về ao nhà mình nuôi tiếp. Các thành viên cùng chung quy trình sản xuất nên việc tập kết giống, vật tư, thức ăn chăn nuôi vì đó cũng hạn chế được cước phí vận chuyển.

Một thành viên khác, anh Ngô Văn Mạnh cho biết, nuôi cá bán thâm canh nên thương lái đánh giá cao chất lượng cá thương phẩm. Thường cá nuôi thâm canh hiện nay là 2 vụ/năm nhưng cá của tổ Đình Thượng nuôi 9 - 10 tháng/vụ. Ao nuôi được tháo khô, khử khuẩn, diệt tạp hàng năm làm cho nguồn cá thương phẩm luôn đảm bảo an toàn. Cá Đình Thượng mà mang ra chợ huyện bao giờ cũng có giá cao, bán hết trước các loại cá còn lại mới tiêu thụ được.

Từ hiệu quả hoạt động, các thành viên của tổ hợp tác chăn nuôi thủy sản Đình Thượng tiếp tục mở rộng diện tích, quy mô chăn nuôi. Người trong làng, ngoài xã đến học hỏi để áp dụng khai khẩn những thửa ruộng mưa úng, nắng hạn của gia đình mình.

Ông Dương Văn Thế, Chủ tịch UBND xã Bảo Lý cho biết, hướng phát triển chăn nuôi thủy sản nói trên không chỉ khai thác triệt để tư liệu mà còn hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao đời sống cho người dân.

Xem thêm
Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.