Thái Nguyên có tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản lớn với tổng diện tích mặt nước gần 7.200ha và 12.000ha mặt nước sông, suối có khả năng nuôi lồng, nuôi eo ngách.
Trong những năm qua, việc nâng cao chất lượng con giống thủy sản đã được các cơ quan chuyên môn của tỉnh chú trọng nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh và Xí nghiệp Thủy sản Núi Cốc là 1 trong 4 đơn vị lớn của tỉnh Thái Nguyên thực hiện nhiệm vụ cung ứng giống cá truyền thống trên địa bàn.
Ngay từ sáng sớm, bà Nguyễn Thị Minh Loan ở thị trấn Việt Quang (tỉnh Hà Giang) đã vượt hơn 200km để có mặt tại Xí nghiệp Thủy sản Núi Cốc để mua giống. Bà Loan cho biết, bà đã mua con giống ở đây được hơn 10 năm, chủ yếu là các giống truyền thống như trắm, rô phi, chép…
Trước đây, bà Loan đã từng mua giống ở một số cơ sở nuôi tư nhân, nhưng chất lượng con giống không đảm bảo. Nhưng từ khi mua giống ở Xí nghiệp Thủy sản Núi Cốc, việc nuôi trồng thuận lợi hơn rất nhiều, con giống mạnh khỏe, nuôi nhanh lớn, được thị trường ưa chuộng và mang lại hiệu quả kinh tế ổn định cho gia đình.
Cùng quan điểm với bà Loan, ông Đàm Văn Yên ở Thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ là khách hàng trung thành của Xí nghiệp Thủy sản Núi Cốc trong nhiều năm nay. Ông Yên cho hay, gia đình ông có khoảng 500m2 ao, năm nào cũng mua con giống từ Xí nghiệp, giá cả và chất lượng con giống ổn định, cá nuôi nhanh lớn, ít bệnh, đặc biệt là cá rô phi, cá trắm cho hiệu quả nhanh, giúp cải thiện cuộc sống của gia đình.
Xí nghiệp Thủy sản Núi Cốc có tổng diện tích khoảng 14ha, bình quân mỗi năm, Xí nghiệp cung cấp ra thị trường khoảng 100 tấn cá thịt các loại và 20 triệu con cá giống. Hiện Xí nghiệp đang tập trung chủ yếu vào nuôi trồng giống cá chép lai, rô phi, trắm cỏ, trắm đen và một số đối tượng thủy sản truyền thống khác để phục vụ nhu cầu cho bà con nhân dân trong và ngoài tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Trung, Giám đốc Xí nghiệp Thủy sản Núi Cốc cho biết, để nâng cao chất lượng giống thủy sản, hàng năm Xí nghiệp đều xây dựng kế hoạch chiến lược ngắn và dài hạn.
Đặc biệt, để có được nguồn giống tốt, đơn vị thường xuyên liên kết với Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản 1 và Trung tâm Giống Quốc gia để mua giống bố mẹ đạt chuẩn theo quy định của Ngành thủy sản. Bên cạnh đó, đơn vị cũng đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học trong sản xuất con giống, nhằm nâng cao chất lượng, tạo thương hiệu cho đơn vị, giữ vững uy tín đối với khách hàng.
Theo số liệu của Sở NN-PTNT Thái Nguyên, giá trị sản xuất ngành thủy sản trong năm qua đạt trên 515 tỷ đồng, vượt 6,5% so với cùng kỳ. Sản xuất giống đạt 600 triệu cá bột, 60 triệu con cá giống các loại, đáp ứng nhu cầu nuôi thương phẩm trên địa bàn.
Đặc biệt, tỉnh Thái Nguyên đang từng bước chuyển dịch cơ cấu giống thủy sản nuôi thương phẩm theo hướng tăng đối tượng có giá trị kinh tế cao như cá chép lai, cá trắm đen, cá lăng, rô phi giống và giảm dần các đối tượng truyền thống giá trị kinh tế thấp như cá mè, cá trôi.
Ông Đỗ Đình Trung, Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản tỉnh Thái Nguyên cho biết, để phát huy tối đa tiềm năng trong khai thác nuôi trồng thủy sản, trong thời gian tới, tỉnh sẽ hỗ trợ 15 vùng sản xuất thủy sản hàng hóa tập trung theo mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã. Cụ thể, tỉnh sẽ hỗ trợ cá giống chất lượng cao với khoảng 60.000 con cá chép lai và 408.000 con cá rô phi nhập khẩu, mức hỗ trợ không quá 80 triệu đồng đối với mỗi tổ hợp tác, hợp tác xã.
Ngoài ra, Chi cục cũng thường xuyên thực hiện công tác quan trắc, cảnh báo môi trường trong nuôi trồng thủy sản tại 5 điểm thuộc nguồn nước cấp kênh chính Núi Cốc, kênh đào huyện Phú Bình, vùng nuôi thủy sản tập trung, vùng sản xuất giống tại huyện Phú Bình và khu nuôi cá lồng tập trung trên hồ Núi Cốc. Bên cạnh đó, Chi cục cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn cho cán bộ phụ trách lĩnh vực thủy sản và các tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Năm 2022, tỉnh Thái Nguyên phấn đấu đạt sản lượng thủy sản 17.000 tấn, tăng hơn 820 tấn so với năm trước. Để đạt được mục tiêu đề ra, ngành nông nghiệp đã khuyến khích bà con tăng diện tích nuôi thâm canh đối với ao gia đình bằng các loại giống cá có năng suất và giá trị kinh tế cao, đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác phát triển các vùng nuôi, trồng thủy sản thâm canh tập trung, đầu tư nuôi cá lồng trên các hồ chứa.