Bệnh nhi T.N.N.T. (14 tuổi, ngụ tại Bình Dương) bị hẹp van động mạch phổi, được điều trị thay van động mạch phổi qua da mà không cần mổ mở. Đây là kỹ thuật ít xâm lấn đã được triển khai thành công tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, giúp người bệnh hồi phục nhanh, giảm thời gian nằm viện.
ThS.BS Đào Anh Quốc, Khoa Phẫu thuật tim trẻ em Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, trước đó, khi 2 tuổi, bệnh nhi T. được chẩn đoán và phẫu thuật sửa chữa triệt để tứ chứng Fallot (bốn khuyết tật tim bẩm sinh) tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM.
Sau phẫu thuật, bệnh nhi hồi phục sức khỏe tốt, phát triển bình thường và tiếp tục tái khám, theo dõi đều đặn. Gần đây, bệnh nhi thường khó thở khi gắng sức và hạn chế hoạt động thể lực. Kết quả siêu âm tim và chụp MRI ghi nhận tình trạng hở nặng van động mạch phổi khiến máu trào ngược từ động mạch phổi về tâm thất phải.
"Đây là diễn tiến tự nhiên thường gặp sau phẫu thuật điều trị Tứ chứng Fallot", bác sĩ Quốc cho hay.
GS.TS.BS Trương Quang Bình, Chuyên gia Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, Tứ chứng Fallot là bệnh lý tim bẩm sinh đặc trưng bởi 4 tổn thương về mặt cấu trúc trong tim, chiếm khoảng khoảng 5-10% trong tổng số bệnh tim bẩm sinh nói chung. Bệnh nhi cần được phẫu thuật kịp thời để tránh các biến chứng tim mạch hoặc tử vong do cơn tím thiếu oxy cấp.
Theo GS Bình, ngay cả sau khi được phẫu thuật sửa chữa tứ chứng Fallot, bệnh nhi vẫn có thể đối mặt với những diễn tiến sau phẫu thuật và cần được tái khám, theo dõi đều đặn. Những diễn tiến sau phẫu thuật sửa chữa tứ chứng Fallot có thể kể đến như: hở van động mạch phổi, suy chức năng thất phải, rối loạn nhịp tim, hẹp van động mạch phổi tồn lưu hoặc lỗ thông liên thất còn tồn lưu…
Các biến chứng này hoàn toàn có thể được kiểm soát nếu người bệnh được theo dõi đều đặn và can thiệp kịp thời. Việc theo dõi lâu dài và tái khám đều đặn sẽ giúp người bệnh được phát hiện sớm các biến chứng dài hạn sau phẫu thuật và được can thiệp kịp thời nếu có chỉ định.
Trong đó, hở van động mạch phổi nặng sau phẫu thuật tứ chứng Fallot gây giãn buồng tim phải dẫn đến hở van ba lá, suy tim phải, rối loạn nhịp tim, tăng nguy cơ đột tử.
Người bệnh cần được điều trị hở van động mạch phổi bằng phương pháp thay van để cải thiện quá trình suy tim phải, hạn chế nguy cơ rối loạn nhịp và đột tử, cải thiện chất lượng cuộc sống. Hiện có hai phương pháp thay van động mạch phổi: phẫu thuật tim mở và can thiệp qua da. Trong đó, kỹ thuật can thiệp thay van qua da giúp người bệnh tránh được cuộc phẫu thuật tim lớn (mổ mở) để thay lại van tim, giảm các nguy cơ biến chứng do mổ mở.
Sau gần 2 giờ can thiệp thay van động mạch phổi qua da, sức khỏe bé T. ổn định, có thể đi lại vào ngày hôm sau, kết quả siêu âm tim và điện tim tốt. Bệnh nhi được xuất viện sau 3 ngày theo dõi, tái khám sau xuất viện 1 tuần.
Hiện bệnh nhi đã hồi phục sức khỏe, hết khó thở, hết mệt mỏi khi gắng sức và có thể trở lại học tập, sinh hoạt bình thường.
TS.BS Cao Đằng Khang, Trưởng khoa Phẫu thuật tim trẻ em Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, với kỹ thuật này các bác sĩ sẽ sử dụng một khung kim loại với hình dáng giống như mạch máu (stent), trên đó gắn một van tim nhân tạo, tất cả được thu nhỏ vào một chiếc ống thông. Ống được luồn từ một mạch máu lớn ở đùi để đưa dụng cụ đến ngay chỗ van động mạch phổi bị hẹp, hở. Thông qua hệ thống máy chụp mạch máu xóa nền, bác sĩ sẽ đưa dụng cụ đến vị trí van động mạch phổi bị hẹp, đẩy van nhân tạo ra khỏi ống thông. Sau đó, van nhân tạo bung ra và hoạt động như một van tim bình thường.
Tại Khoa Phẫu thuật tim trẻ em Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, với số lượng lớn người bệnh có chỉ định thay van động mạch phổi sau phẫu thuật tim bẩm sinh, kỹ thuật thay van động mạch phổi qua da được triển khai thành công giúp người bệnh có thêm lựa chọn điều trị ít xâm lấn nhưng vẫn mang lại hiệu quả cao.
PGS.TS.BS Lê Minh Khôi, Trưởng phòng Khoa học và đào tạo, Trưởng Đơn vị Hình ảnh tim mạch Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, với sự phát triển của siêu âm tim, các bác sĩ có thể phát hiện tứ chứng Fallot nói riêng và các bệnh tim bẩm sinh nói chung sớm trên các bệnh nhi. Hiện nay, siêu âm tim thai là phương tiện chẩn đoán sớm nhất, có thể phát hiện bệnh ngay trong thời gian bào thai.
“Chúng ta không phải chờ em bé sinh ra mới siêu âm chẩn đoán, chúng ta có thể siêu âm ngay từ trong bào thai để phát hiện các bệnh tim bẩm sinh của bé ngay khi còn trong bụng mẹ. Chúng tôi thực hiện siêu âm từ trong bào thai từ rất sớm, từ khi bé chỉ khoảng 16-18 tuần và sau đó theo dõi ngay sau sinh có thể can thiệp điều trị cho bé. Nhiều bệnh nhi có bệnh tim bẩm sinh phức tạp đã được chẩn đoán và can thiệp kịp thời ngay sau sinh nhờ thế mạnh đa chuyên khoa của Bệnh viện”, PGS TS BS. Lê Minh Khôi chia sẻ.