| Hotline: 0983.970.780

Thế nào là 'cách ly toàn xã hội'?

Thứ Ba 31/03/2020 , 15:37 (GMT+7)

Nguyên ĐBQH làm rõ hơn ý nghĩa của yêu cầu cách ly toàn xã hội trong Chỉ thị 16 của Thủ tướng trong công tác phòng chống dịch Covid-19.

Phố Tạ Hiện (Hà Nội) vắng vẻ sau yêu cầu hạn chế ra đường. Ảnh: Tùng Đinh.

Phố Tạ Hiện (Hà Nội) vắng vẻ sau yêu cầu hạn chế ra đường. Ảnh: Tùng Đinh.

Trả lời NNVN, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, cách ly toàn xã hội là mức độ cao nhất của mỗi xã hội, khi đó tỉnh nào ở tỉnh đó, huyện nào ở huyện đó, xã nào ở xã đó và gia đình nào ở gia đình đó, không đi lại trừ những trường hợp thật đặc biệt.

Theo ông, các trường hợp đó là những người thi hành công vụ ở các lĩnh vực đặc biệt như y tế, phòng cháy chữa cháy, quốc phòng, an ninh và các dịch vụ thiết yếu cho xã hội như điện, nước, nhu yếu phẩm. Ngoài ra, hoạt động của các cơ quan nhà nước cũng thực hiện trực tuyến.

"Đây không phải là cách ly khoanh vùng, theo từng khu vực nữa mà ở mức độ toàn xã hội", nguyên ĐB Quốc hội Lê Như Tiến nhận định.

Nếu như trước đây, khi có 'bệnh nhân 17", chúng ta thực hiện khoanh vùng, cách ly ở phố Trúc Bạch hay cách ly toàn bộ Bệnh viện Bạch Mai khi các nhân viên Công ty Trường Sinh mắc Covid-19 hoặc cách ly ở xã Sơn Lôi, Vĩnh Phúc thì giờ đây, quy mô được thực hiện trên toàn quốc.

Trong khi đó, trả lời báo chí, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định Chỉ thị 16 với nội dung cách ly toàn xã hội là biện pháp cao hơn, để chuẩn bị cho tình huống khẩn cấp, nhưng đây không phải là "phong toả đất nước" như một số quốc gia đã và đang làm.

Theo ông Dũng, chỉ thị nhằm tiếp tục đưa ra các giải pháp mạnh để hạn chế tiếp xúc đông người, ngăn ngừa nguy cơ lây bệnh, nhưng chưa phải là lệnh cấm người dân ra đường.

Ông Lê Như Tiến cho rằng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ là động thái hết sức quyết liệt và cần thiết của Việt Nam. Ảnh: TPO.

Ông Lê Như Tiến cho rằng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ là động thái hết sức quyết liệt và cần thiết của Việt Nam. Ảnh: TPO.

Bình luận về Chỉ thị 16 của Thủ tướng, ông Lê Như Tiến cho rằng đây là động thái hết sức quyết liệt và cần thiết của Việt Nam, sau khi có nhiều cuộc họp giữa Thủ tướng với Ban Chỉ đạo về phòng chống dịch Covid-19.

Từ khi có dịch, Chính phủ đã vào cuộc quyết liệt, phối hợp giữa các bộ ngành với địa phương trên toàn quốc để chống dịch hiệu quả, đặc biệt là nỗ lực của lực lượng y bác sỹ, quân đội, công an trong thời gian qua.

Sau khi Chỉ thị 16 được đưa ra, toàn quốc sẽ phải thực hiện chứ không chỉ là một vùng hay một khu vực nữa.

Trước đó ngày 30/3, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã có Lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sỹ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đoàn kết bảo đảm chiến thắng đại dịch Covid-19.

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cũng có ý kiến về việc đẩy mạnh công tác phòng chống dịch.

"Có thể thấy, đây là những giải pháp quyết liệt của Nhà nước mà chúng ta phải ủng hộ", ông Tiến nhấn mạnh thêm.

Chỉ thị 16 của Thủ tướng ký ban hành sáng 31/3 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0h ngày 1/4 trên phạm vi toàn quốc theo nguyên tắc "gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh".

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu toàn thể nhân dân tự giác chấp hành các yêu cầu, các biện pháp phòng chống dịch, tích cực tham gia khai báo y tế tự nguyện, thực hiện đầy đủ các biện pháp tự bảo vệ mình, gia đình mình và tham gia có trách nhiệm với các hoạt động phòng, chống dịch của các cơ quan chức năng và cộng đồng.

Ngoài ra, người đứng đầu doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu trách nhiệm áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở mình, bảo đảm sức khỏe, an toàn cho người lao động.

Xem thêm
Tổng Bí thư tiếp Đại sứ Úc Andrew Goledzinowski đến chào từ biệt

Chiều 23/12, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski đến chào từ biệt, kết thúc nhiệm kỳ công tác.

Xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD, kỳ vọng vào 2025

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam tổ chức Lễ mừng xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD năm 2024, kỳ vọng tăng trưởng tốt hơn trong năm 2025.

Muốn khôi phục sản xuất cần giãn nợ, mở rộng chính sách bảo hiểm nông nghiệp

Khoanh nợ, giãn nợ, bổ sung gói vay mới, mở rộng chính sách bảo hiểm trong nông nghiệp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất bền vững.