| Hotline: 0983.970.780

Thẻ vàng IUU làm giảm tăng trưởng xuất khẩu hải sản

Thứ Ba 11/09/2018 , 14:50 (GMT+7)

XK hải sản từ đầu năm đến nay vẫn tăng trưởng, nhưng mức tăng đã giảm so với những năm trước. Mà nguyên nhân quan trọng là tác động của thẻ vàng IUU.

Giảm mức tăng trưởng

Theo bà Lê Hằng, PGĐ Trung tâm VASEP.PRO, trong giai đoạn 2013-2017, XK hải sản liên tục tăng trưởng, với mức tăng bình quân gần 8%/năm. Trong 6 tháng đầu năm nay, XK hải sản tiếp tục tăng trưởng, nhưng mức tăng đã giảm xuống còn khoảng 7% và đạt giá trị 1,35 tỷ USD. Dự báo trong 6 tháng cuối năm, XK hải sản đạt trên 1,8 tỷ USD. Như vậy, XK hải sản cả năm nay sẽ đạt khoảng 3,2 tỷ USD, tăng 7% so với năm 2017.

15-45-53_xk_hi_sn
Khai thác cá ngừ đại dương (Ảnh: Kim Sơ)

Tăng trưởng XK hải sản bị giảm, có nguyên nhân quan trọng từ thẻ vàng IUU. Kể từ sau khi bị thẻ vàng IUU, XK hải sản Việt Nam sang EU có chiều hướng giảm sâu và liên tục.

Cụ thể, trong 7 tháng đầu năm nay, XK nhuyễn thể sang EU đạt 80 triệu USD (giảm 25,7% so với cùng kỳ 2017); cua ghẹ đạt 5,228 triệu USD (giảm 34,4%); cá biển đạt 44,834 triệu USD (giảm 3,3%). Chỉ có cá ngừ XK sang EU vẫn có sự tăng trưởng khá (tăng 22%) và đạt 83,75 triệu USD. Nhưng sự tăng trưởng của cá ngừ không bù lại được sự suy giảm của 3 nhóm hàng quan trọng khác, khiến cho XK hải sản sang EU trong 7 tháng đầu năm nay bị giảm 7,3% về giá trị. Ngay cả cá ngừ XK sang EU, tuy vẫn tăng trưởng khá, nhưng tốc độ tăng trưởng qua từng tháng đều thấp hơn đáng kể: 7 tháng đầu 2017, tốc độ tăng trưởng từng tháng đạt từ 20-34%; 7 tháng đầu năm nay, tốc độ tăng trưởng từng tháng từ 1-15%.

Bà Lê Hằng cho rằng thẻ vàng IUU đã tác động giảm XK hải sản khai thác sang EU trong thời gian qua và dự báo sẽ tiếp tục giảm trong những tháng còn lại của năm nay. Điều này sẽ có tác động không nhỏ tới XK hải sản nói chung. Trong các mặt hàng hải sản XK sang EU, mực, bạch tuộc, cua ghẹ và cá biển sẽ tiếp tục giảm mạnh do vướng mắc trong thủ tục chứng nhận nguồn gốc khai thác theo quy định IUU.

Nhìn chung, việc EC rút thẻ vàng IUU với hải sản Việt Nam đã gây ra nhiều tác động xấu, ảnh hưởng trực tiếp đến việc xuất khẩu sang thị trường EU, thậm chí có thể gây ra hiệu ứng dây chuyền tại nhiều thị trường xuất khẩu khác. Trước mắt lượng hải sản xuất khẩu sang EU sẽ giảm. Về lâu dài, các khách hàng ở EU sẽ có tâm lý e ngại sản phẩm của Việt Nam và có thể ngừng mua hải sản của Việt Nam. Bên cạnh đó, với việc bị rút thẻ vàng IUU, hải sản của Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng từ các thị trường xuất khẩu khác. Các thị trường này có thể sẽ áp dụng các chương trình kiểm soát nghiêm ngặt hơn đối với các nước bị thẻ vàng.
 

Xác nhận nguồn gốc một cách trung thực

Theo ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thủy sản), đến thời điểm này, Việt Nam vẫn chưa xây dựng được cơ chế chỉ đạo, điều hành kịp thời, thông suốt từ trung ương đến địa phương để đảm bảo thực thi hiệu quả chống khai thác IUU; chưa có biện pháp phát hiện, xử lý kịp thời, hiệu quả tàu cá Việt Nam vi phạm trong vùng biển nước ngoài; hệ thống giám sát tàu cá chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa kiểm soát chặt chẽ được tàu thuyền ta vào cảng, hoạt động của tàu thuyền trên biển và công tác xác nhận loài, sản lượng cập bến; việc xác nhận, chứng nhận sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác cũng chưa đáp ứng được quy định của châu Âu về kiểm soát, truy xuất nguồn gốc sản phẩm…

Để được EC ghi nhận và xóa thẻ vàng IUU, trước hết, Việt Nam cần phải ngăn chặn được tình trạng tàu cá đi đánh bắt hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Mặc dù tình trạng tàu cá Việt Nam đi khai thác trái phép ở vùng biển ngoài khơi Thái Bình Dương đã được hạn chế.

Tuy nhiên, tại các vùng biển chồng lấn hoặc đang có tranh chấp giữa Việt Nam và các nước khác như Indonesia, Thái Lan, Malaysia…, vẫn còn tình trạng tàu cá của Việt Nam bị các nước này bắt giữ. Đây là điều rất bất lợi, bởi dù tàu cá của Việt Nam không đánh bắt bất hợp pháp, nhưng việc bị bắt giữ sẽ khiến hình ảnh và lòng tin của EC đối với Việt Nam sẽ bị giảm sút. Nếu như vấn đề chủ quyền trên biển vẫn chưa được làm sáng tỏ thì việc khắc phục thẻ vàng IUU là rất khó khăn.

Trước tình hình đó, để giữ được thị trường EU, ngoài những nỗ lực chống khai thác IUU từ trung ương tới các địa phương, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần chuẩn bị giấy xác nhận nguồn gốc một cách trung thực, khách quan đối với tất cả những lô hàng hải sản xuất khẩu sang châu Âu, để tạo niềm tin của thị trường này đối với hải sản Việt Nam.

Xem thêm
Ngành điều hoàn thành kế hoạch xuất khẩu năm 2024 chỉ trong 10 tháng

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành điều Việt Nam kỳ vọng sẽ tiếp tục tạo nên kỷ lục mới trong tháng cuối năm 2024.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Dừa hữu cơ Cocohihi - Tinh hoa xứ dừa Bến Tre vươn xa thế giới

Bến Tre không chỉ là xứ sở của dừa mà còn là nơi khởi nguồn của những sản phẩm hữu cơ, như dừa tươi Cocohihi, góp phần đưa nông sản Việt vươn ra thế giới.