| Hotline: 0983.970.780

Thị trường tiêu thụ vốn đã khó khăn, chúng ta không nên tạo thêm rào cản

Thứ Ba 28/02/2023 , 20:57 (GMT+7)

Bộ trưởng Lê Minh Hoan lưu ý, thị trường tiêu thụ vốn đã khó khăn, chúng ta không tạo thêm các rào cản cho thị trường bằng những thủ tục rườm rà, quan liêu.

IMG_9781

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan yêu cầu các đơn vị trong thời gian tới nhanh chóng chuẩn hóa các quy trình, vấn đề liên quan để hoạt động đạt hiệu quả cao nhất. Ảnh: Trung Quân.

Xuất khẩu tháng 2 đạt trên 3,4 tỷ USD

Chiều 28/2, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị giao ban “thực hiện kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp, nông thôn 2 tháng đầu năm và nhiệm vụ tháng 3 năm 2023.

Theo Bộ NN-PTNT, tính chung 2 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản ước đạt xấp xỉ 12 tỷ USD (giảm 16,8% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, xuất khẩu khoảng 6,28 tỷ USD (giảm 22,5%), nhập khẩu ước 5,72 tỷ USD (giảm 9,5%), xuất siêu 559 triệu USD (giảm 68,5%).

Riêng tháng 2/2023, kim ngạch xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản đạt trên 3,4 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ và tăng 18,1% so với tháng 1/2023. Trong đó, nhóm nông sản chính đạt 1,79 tỷ USD (tăng 25,9%), lâm sản chính gần 872,1 triệu USD (giảm 10,7%), thủy sản 550 triệu USD (giảm 13,1%), chăn nuôi 29 triệu USD (tăng 46,5%), đầu vào sản xuất đạt 158 triệu USD (giảm 5,2%)…

Những mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ như: Chè đạt 25 triệu USD (tăng 5,1%), nhóm rau quả đạt 592 triệu USD (tăng 17,8%), sắn và sản phẩm sắn đạt 283 tỷ USD (tăng 32,7%), sữa và sản phẩm sữa đạt 16,2 triệu USD (tăng 10,2%), thịt, phụ phẩm 16,9 tỷ USD (tăng 14,2%)...

Về thị trường xuất khẩu, trong 2 tháng đầu năm, các thị trường châu Á (chiếm 47,4% thị phần), châu Mỹ (21,1%), châu Âu (13,4%), châu Đại Dương (1,4%) và châu Phi (1,3%). Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất, đạt 1,27 tỷ USD (chiếm 20,2% thị phần). Tiếp đến là Hoa Kỳ khoảng 1,19 tỷ USD (chiếm 19,0%). Nhật Bản đạt 563 triệu USD (chiếm 9,0%) và Hàn Quốc 302 triệu USD (chiếm 4,8%).

Để có được kết quả này, lãnh đạo Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo, phân công các cơ quan quản lý, đơn vị chuyên môn trực thuộc Bộ theo dõi sát biến động thị trường, tình hình sản xuất và nguồn cung, đặc biệt, là các nông sản vào chính vụ như sầu riêng, cam, thanh long, dưa hấu… Tuyên truyền, thông tin và định hướng sản xuất, kinh doanh đáp ứng nhu cầu thị trường, hạn chế các yếu tố tác động đến giá cả, đảm bảo lợi ích của người dân.

Tổ chức Diễn đàn 970 về “Thúc đẩy giao thương nông sản, thực phẩm giữa Việt Nam - Trung Quốc” tại Lào Cai ngày 10/2/2023. Tham gia, phối hợp, hỗ trợ các địa phương, đơn vị tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản.

Song song đó, đẩy mạnh đàm phán, mở cửa thị trường xuất khẩu chính ngạch, phối hợp với Tổng Cục Hải quan Trung Quốc (GACC) chuẩn bị các thủ tục để kiểm tra trực tuyến khoai lang. Thúc đẩy ký kết Nghị định thư về kiểm dịch thực vật đối với quả chanh leo, dưa hấu xuất khẩu sang Trung Quốc.

Rà soát thông tin liên quan đến dược liệu xuất sang Trung Quốc, góp ý danh mục dịch hại do Hàn Quốc đưa ra phục vụ xuất khẩu bưởi sang Hàn Quốc và đón đoàn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tham quan các vùng trồng bưởi tại Hà Nội...

IMG_9770

Các đơn vị trực thuộc Bộ NN-PTNT báo cáo tình hình hoạt động và nêu những đề xuất kiến nghị. Ảnh: Trung Quân.

Chuẩn hóa lại quy trình tạo thuận lợi trong triển khai nhiệm vụ

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nhận định, trong 2 tháng đầu năm, sản xuất về cơ bản tăng nhưng xuất khẩu giảm là do giá bán xuống thấp, nhất là các mặt hàng chủ lực.

Đối với thị trường trong nước, về quy luật sau Tết Nguyên đán giá thực phẩm thường tăng, nhưng năm nay lại có chiều hướng đi xuống, đây là câu chuyện lạ của thị trường. Tuy nhiên, điều này cũng minh chứng cho việc nguồn tài chính, sức mua của thị trường nội địa đang giảm, nên trong thời gian tới cần phải tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thêm các thị trường tiêu thụ, thậm chí tính đến phương án dự trữ.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan yêu cầu các đơn vị trong thời gian tới phải chuẩn hóa lại tất cả các vấn đề trong phạm vi quản lý, đầu tiên là chuẩn hóa thông tin tránh tình trạng trồng chéo, rối rắm khi triển khai nhiệm vụ, tạo điều kiện thuận lợi để giữ vững đà tăng trưởng cho ngành nông nghiệp.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, trước những biến động thất thường của thị trường, toàn ngành nông nghiệp không được bi quan nhưng cũng không chủ quan vì chúng ta đang vận hành theo nền kinh tế thị trường, cơ hội và thách thức luôn song hành cùng nhau.

Bộ trưởng cũng lưu ý các đơn vị, phải triển khai song hành việc xây dựng chính sách, chiến lược với việc giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh tại địa phương. Muốn làm được việc này, các đơn vị phải chuẩn hóa lại tất cả các quy trình, tạo cơ chế thông thoáng để doanh nghiệp, HTX, người dân dễ dàng tiếp cận.

MSTD_1212_Truy-xuất-nguồn-gốc-thực-phẩm-ngay-trên-điện-thoại-thông-minh

Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu các đơn vị liên quan, tới tháng 6, phải tổ chức, bố trí ổn định được việc cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi, cơ sở đóng gói một cách hợp pháp, minh bạch, công khai. Ảnh: TL.

“Thị trường tiêu thụ đã khó khăn rồi chúng ta không nên tạo thêm rào cản cho thị trường, tự mình đóng cửa chính mình bằng những thủ tục, quy định, xử lý công việc chậm chạp, rườm rà, quan liêu, nhất là vấn đề cấp phép”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Về vấn đề mã số vùng trồng, Bộ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị liên quan phải chuẩn hóa lại tất cả các khâu từ vấn đề tư duy, việc cấp mã số vùng trồng không chỉ để phục vụ xuất khẩu mà còn phục vụ cho thị trường trong nước, mở rộng thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, trong công tác tổ chức sản xuất phải đặc biệt quan tâm tới các HTX, bởi lẽ, nếu để HTX bơ vơ thì việc xây dựng mã số vùng trồng cũng sẽ trôi nổi theo.

“Tới tháng 6, các đơn vị liên quan phải tổ chức, bố trí ổn định được việc cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi, cơ sở đóng gói một cách hợp pháp, minh bạch, công khai để các cơ quan truyền thông, toàn xã hội tham gia cùng với ngành nông nghiệp triển khai, giám sát đạt hiệu quả cao nhất”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu.

Về chuyển đổi số, Bộ trưởng Lê Minh Hoan lưu ý, không gò ép không gian nhưng cũng không nên quá viển vông mà nên triển khai công tác này trong khả năng của mình để đạt hiệu quả cao nhất. Các đơn vị phải xây dựng để chuyển đổi số trở thành một phản xạ, thậm chí phải nghĩ tới câu chuyện xây dựng tư duy số. Bởi lẽ, chuyển đổi số là một vấn đề mới, nhiều vấn đề vẫn phải tiếp tục học tập, tuy nhiên, phải luôn tư duy rằng, chuyển đổi số mang lại hiệu quả cho công tác quản lý thì chắc chắn sẽ đi đúng hướng.

Xem thêm
Xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 sẽ cao nhưng không gay gắt

ĐBSCL Dự báo xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 tại ĐBSCL cho thấy mức độ xâm nhập sẽ cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không nghiêm trọng như các năm 2016 và 2020.

Xây cầu Kênh Trực Thăng nối đôi bờ Vĩnh Viễn

HẬU GIANG Cầu Kênh Trực Thăng (huyện Long Mỹ) được đầu tư gần 2,5 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp, thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông và cải thiện đời sống người dân.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.