| Hotline: 0983.970.780

Bộ NN-PTNT yêu cầu xử lý nghiêm trường hợp giấu dịch

Thứ Ba 21/02/2023 , 18:09 (GMT+7)

Hiện nay, tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm thực tế còn diễn biến phức tạp, chủ vật nuôi và một số địa phương chưa báo cáo chính xác, đầy đủ.

Empty

Bộ NN-PTNT đề nghị các địa phương tổ chức tiêm vacxin phòng các bệnh, đặc biệt đối với các bệnh nguy hiểm trên vật nuôi. Ảnh: Phạm Hiếu.

Theo báo cáo của các cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương, từ năm 2022 đến nay, các loại dịch bệnh nguy hiểm đã cơ bản được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, doanh nghiệp chăn nuôi, một số cơ quan truyền thông và kiểm tra thực tế tại một số địa phương cho thấy, tình hình dịch bệnh thực tế còn diễn biến phức tạp, chủ vật nuôi và một số địa phương chưa báo cáo chính xác, đầy đủ, nhất là đối với dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi.

Theo đó, Bộ NN-PTNT nhận định, nguy cơ các loại dịch bệnh tiếp tục phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất cao. Kết quả giám sát chủ động cho thấy, các loại mầm bệnh còn lưu hành với tỷ lệ tương đối cao ở ngoài môi trường và ở quần thể gia súc, gia cầm, trong khi hiện nay, tổng đàn vật nuôi là rất lớn.

Bên cạnh đó, thời tiết thay đổi, diễn biến phức tạp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển, ảnh hưởng đến sức đề kháng của vật nuôi.

Việc gia tăng vận chuyển động vật, các sản phẩm động vật giữa các địa phương để phục vụ các dịp lễ hội đầu năm, trong khi giết mổ nhỏ lẻ còn chiếm đa số cũng là lí do khiến nguy cơ các loại dịch bệnh tiếp tục phát sinh và lây lan. Ngoài ra, nhiều đàn gia súc, gia cầm đã hết thời gian miễn dịch nhưng chưa được tiêm phòng nhắc lại...

Từ năm 2022 đến nay, trên cả nước có hơn 25 ổ dịch cúm gia cầm do virus A/H5N1, A/H5N6 và A/H5N8 gây ra tại 22 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy trên 100.000 con gia cầm; hơn 1.260 ổ dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi tại 54 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy trên 60.000 con lợn; hơn 260 ổ địch bệnh viêm da nổi cục tại 17 tỉnh với 2.300 con trâu, bò mắc bệnh; 22 ổ dịch bệnh lở mồm long móng tại 8 tỉnh với 570 con gia súc mắc bệnh.

Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm phát sinh và lây lan, bảo đảm an toàn dịch bệnh cho phát triển chăn nuôi, ngày 21/2, Bộ NN-PTNT đã có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền các cấp của địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo đúng quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, các văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN-PTNT.

Văn bản nêu rõ, các địa phương cần báo cáo kịp thời, đầy đủ, chính xác tình hình dịch bệnh từ cơ sở đến cấp xã, huyện, tỉnh và thực hiện nghiêm công tác báo cáo tình hình dịch bệnh động vật qua Hệ thống thông tin dịch bệnh động vật trực tuyến (VAHIS) theo đúng quy định hiện hành; tổ chức kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo, giấu dịch, làm lây lan dịch bệnh.

Đồng thời, tổ chức thực hiện Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đợt 1 năm 2023 (từ ngày 1/3-31/3/2023). Khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm vacxin phòng các bệnh, đặc biệt đối với các bệnh nguy hiểm trên vật nuôi như cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh, viêm da nổi cục, dại... tại các địa phương đã, đang có dịch, có nguy cơ cao, đặc biệt lưu ý đàn vật nuôi tại các khu vực có nguy cơ cao, vật nuôi đã được tiêm vacxin nhưng đã hết hoặc sắp hết thời gian miễn dịch, bảo đảm tỷ lệ đạt trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm vacxin; có phương án, kế hoạch cụ thể để tổ chức tiêm vacxin phòng bệnh dịch tả lợn Châu Phi theo chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, hướng dẫn của Cục Thú y.

Empty

Các địa phương cần có phương án, kế hoạch cụ thể để tổ chức tiêm vacxin phòng bệnh Dịch tả lợn Châu Phi theo chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, hướng dẫn của Cục Thú y. Ảnh: Phạm Hiếu.

Cùng với đó, chủ động giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện; xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, không báo cáo dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng, gây ảnh hưởng cho người dân và cộng đồng.

Song song, cần tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép qua biên giới; chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý thị trường và các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, chế biến các sản phẩm không bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

Bộ NN-PTNT đề nghị UBND các địa phương khẩn trương kiện toàn và tăng cường năng lực hệ thống thú y các cấp theo quy định của Luật Thú y, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt Quyết định số 414/QĐ-TTg ngày 22/3/2021 và Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 25/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ; mới đây nhất là văn bản số 409-BC/ĐĐQH15 ngày 7/12/2021 của Đảng đoàn Quốc hội gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư về duy trì, kiện toàn và tăng cường năng lực hệ thống thú y các cấp theo quy định tại Điều 6 Luật Thú y để bảo đảm các nguồn lực tổ chức triển khai có hiệu các nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh động vật.

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Giống lúa TBR97 chinh phục 'chảo lửa’ Krông Pa

GIA LAI Giống lúa TBR97 đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dân và chính quyền địa phương khi lần đầu tiên xuất hiện ở ‘chảo lửa’ Krông Pa.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.