Thị xã Nghĩa Lộ được thành lập tháng 12/1971, là thủ phủ của tỉnh Nghĩa Lộ cũ, khi đó chỉ có 6 tiểu khu và trở thành thị trấn sau khi sáp nhập thành tỉnh Hoàng Liên Sơn năm 1976. Tháng 12/1995, Thị xã được tái lập gồm 4 phường: Trung Tâm, Cầu Thia, Pú Trạng và Tân An.
Để Thị xã trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, trục động lực phát triển cho cả vùng, tháng 12/2003, Thị xã được mở rộng thêm 3 xã: Nghĩa An, Nghĩa Phúc, Nghĩa Lợi. Tháng 1/2020, Thị xã sáp nhập thêm 7 xã thuộc huyện Văn Chấn. Đến nay, sau 50 năm, Thị xã có 10 xã và 4 phường, dân số trên 70.000 người. Đây là vùng kinh tế, thương mại, dịch vụ phát triển nhất khu vực phía tây tỉnh Yên Bái từ trước tới nay.
Có thể nói, kinh tế nông nghiệp Thị xã Nghĩa Lộ luôn đi đầu trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cây ngô đông lần đầu tiên bén rễ trên cánh đồng Mường Lò từ những năm 90 của thế kỷ trước, đã biến cả vùng thành phong trào trồng cây vụ ba, trong đó chủ yếu là cây ngô đông, sau đó lan ra khắp tỉnh Yên Bái.
Do nằm ở trung tâm khu vực phía tây nên thương mại, dịch vụ của Thị xã ngày càng phát triển. Vận tải, ngân hàng, bưu chính viễn thông, nhà hàng, khách sạn… tạo động lực cho phát triển các loại hình kinh tế khác. Tỷ trọng ngành thương mại dịch vụ hàng năm chiếm trên 70%.
Chính sự phát triển kinh tế đã trở thành động lực để người dân 10 xã xây dựng nông thôn mới (NTM), tổng kinh phí đầu tư xây dựng NTM trong 10 năm qua là 1.307 tỷ đồng, trong đó người dân đóng góp 327 tỷ đồng, để bê tông hóa được 274 km đường giao thông nông thôn, 68 km đường trục chính đến các xã đều nhựa hóa, 100% kênh mương được kiên cố hóa...
Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 29% năm 2011 xuống còn 3,3% năm 2020. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 13,6 triệu đồng lên 38,2 triệu đồng năm 2020. Chính phủ đã công nhận Thị xã Nghĩa Lộ hoàn thành việc xây dựng NTM năm 2022
Kinh tế phát triển đã tạo đà cho sự phát triển văn hóa xã hội. Sau vụ gặt, mùa hội xòe được mở ra, Tuần Văn hóa du lịch Mường Lò đã trở thành thương hiệu của ngành văn hóa - thể thao - du lịch Yên Bái, trong đó hội xòe là trung tâm của tuần văn hóa, những kỷ lục xòe từ 2.000 lên 5.000 người đã được xác lập. Thật vui mừng ngày 15/12/2021, xòe Thái đã được UNESCO vinh danh là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại.