Vừa nhận chức Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn đã có một bức thư gửi đến đội ngũ thầy cô giáo, công nhân viên chức và người lao động trong ngành giáo dục. Một thiện chí đáng ghi nhận của người đứng đầu lĩnh vực chăm lo cho thế hệ tương lai đất nước.
Trong bức thư, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: “Hơn ai hết, chúng ta mong mỏi vị thế của nhà giáo cần phải được củng cố, sự tôn nghiêm của nghề cần phải được giữ gìn. Điều này cần nhiều phía và liên quan đến nhiều yếu tố, nhưng trước hết và quan trọng nhất là do chính nhà giáo chúng ta. Chỉ có thể bằng sự cố gắng, gương mẫu, bằng trí tuệ và tấm lòng yêu nghề, yêu trò, yêu tri thức và lẽ phải, bằng sự tự trọng và tự tôn, chúng ta mới dần làm cho nghề giáo tôn nghiêm thêm”.
Đó là những lời gan ruột chí tình, chí lý. Thế nhưng, sau nhiều năm đương đầu với không ít sóng gió, những bất cập của ngành giáo dục không thể giải quyết trong một sớm một chiều.
Những hệ lụy từ bệnh thành tích với các ứng xử lệch lạc về dạy thêm học thêm cũng như quá trình cải tiến sách giáo khoa đầy tai tiếng, đã khiến môi trường giáo dục bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Muốn giảm áp lực từ cộng đồng lên trường học, thì mỗi giáo viên cần có nhận thức và hành động tích cực hơn.
Có phải tăng lương sẽ cải thiện chất lượng giáo dục không? Chưa hẳn. Tăng lương cho giáo viên, chỉ là yếu tố cần, chứ không phải yếu tố đủ. Nghề giáo không phải là nghề mưu sinh thông thường, mà còn gánh vác một sứ mệnh cao đẹp.
Kinh nghiệm sống đã đúc kết, một bác sĩ sai lầm sẽ làm hại một mạng người, một chính trị gia sai lầm sẽ hại một thời đại, còn một nhà giáo dục sai lầm sẽ hại muôn đời. Do đó, bước lên bục giảng đừng nghĩ đến những đồng tiền dễ đến trên tay, mà cần hình dung con đường phía trước của cả cộng đồng.
Nước ta vẫn có truyền thống tôn sư trọng đạo. Thế nhưng, trong ngổn ngang danh lợi, đã có không ít giáo viên cũng đánh mất tư cách bản thân. Giáo viên sợ sự hung hãn của phụ huynh nên thoái chí trước những biểu hiện hư hỏng của học trò.
Ai có thể bảo vệ giáo viên, nếu không kiện toàn một hệ thống pháp luật đầy đủ và nghiêm túc? Luật Giáo dục cần có những quy định chặt chẽ hơn về các biện pháp mà giáo viên có thể sử dụng để uốn nắn học trò, mà phụ huynh không được quyền can thiệp thô bạo.
PGS.TS Nguyễn Kim Sơn là Tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đầu tiên xuất thân từ chuyên ngành văn học. Vì vậy, sự chờ đợi lớn nhất của xã hội đối với tư lệnh ngành Giáo dục, chính là việc phục hồi giá trị đích thực của khẩu hiệu “tiên học lễ, hậu học văn”. Trên hành trình hội nhập, sự lạc hậu về công nghệ không đáng lo bằng sự sạt lở về nhân tính.