Những năm trước đây, do hầu hết tàu đánh bắt xa bờ là tàu nhỏ, hệ thống bảo quản kém, nên con số tổn thất sau đánh bắt là rất lớn, có thể lên đến 20%. Để làm giảm tổn thất sau đánh bắt và nâng cao chất lượng sản phẩm, trong những năm qua ngư dân Bình Định đã có nhiều cải tiến trong khâu bảo quản thủy sản.
Những khay cá và đá lạnh được đưa xuống hầm bảo quản |
Lão ngư Bùi Thanh Ninh (SN 1957) ở thôn Thiện Chánh 1, xã Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn) đang “cầm chịch” 15 tàu cá công suất lớn chuyên đánh bắt xa bờ hành nghề lưới vây, đã có cách tổ chức hoạt động cho đội tàu của mình, đồng thời cải tiến phương pháp bảo quản sản phẩm nhằm làm giảm tổn thất sau đánh bắt rất hiệu quả.
Theo ngư dân Bùi Thanh Ninh, trước đây, tàu đánh bắt xa bờ hầu hết là tàu nhỏ, mỗi chuyến ra khơi chỉ chở theo được khoảng 500 cái kết làm bằng nhựa dùng để ướp cá với đá lạnh. Nếu gặp chuyến biển tàu trúng luồng cá, đánh bắt được đến 15 tấn cá thì 500 kết nhựa chỉ đủ ướp 10 tấn cá, 5 tấn còn lại phải “muối xá”.
“Muối xá” là cách ngư dân nói đến tình huống khi tàu không còn kết nhựa để ướp cá, cá đánh bắt lên được xếp thẳng vào hầm tàu với phương thức 1 lớp đá 1 lớp cá, hết lớp này đến lớp khác chồng lên nhau. Cá bị đè chồng lên nhiều lớp nên khi sau chuyến biển kéo dài vài chục ngày, khi vào bờ cá bị đỏ thịt, bán mất giá.
Cá “muối xá” có mức tổn thất rất lớn, lên đến 20%. Giờ tàu đánh bắt xa bờ nhiều chiếc được đóng mới và hầu hết đã được cải hoán thành tàu có kích cỡ, công suất lớn, mỗi chuyến biển có thể mang theo 3.000 kết nhựa và nhiều đá lạnh, đủ ướp đến 30 tấn cá, nên tình trạng “muối xá” không còn xảy ra. Nhờ đó, mức tổn thất giảm xuống chỉ còn 5 - 7%.
“Cá được ướp trong kết nhựa, 1 lớp cá 1 lớp đá; đá lạnh tan ra ngấm đều vào những lớp cá nên cá không bị mất chất lượng, dù chuyến biển kéo dài hơn 20 ngày. Cá được ướp trong kết không đè lên nhau nên thịt cá không bị bầm dập hoặc bịch bụng. Hiện giá cá ngừ sọc dưa đủ chất lượng bán được 32.000 - 33.000 đồng/kg, nhưng nếu cá kém chất lượng thì sẽ bị đầu nậu phân loại, mua với giá cá gia súc dành để cung ứng cho những hộ nuôi tôm hùm thương phẩm làm mồi cho tôm ăn, chỉ có giá 12.000 - 13.000 đồng/kg”, ngư dân Bùi Thanh Ninh, chia sẻ.
Chất lượng của đá lạnh dùng để ướp cá cũng là nguyên nhân khiến cho cá bị mất chất lượng. Theo ngư dân, nếu đá lạnh được sản xuất bằng nguồn nước kém chất lượng, cây đá lạnh có màu đục, khi xay nhuyễn ra đá sẽ có không có màu trắng tinh khiết, có bọt, độ lạnh không cao và nhanh tan, nên không bảo quản cá được dài ngày. Thêm vào đó, chất lượng nước đá bị nhiễm phèn khi tan ra thấm vào cá sẽ làm cá mất chất lượng. Đá lạnh được làm bằng nguồn nước sạch, chạy đủ thời gian sẽ cho cây đá rất chắc và có độ lạnh cao, sẽ bảo quản cá tốt hơn nên làm giảm được tổn thất cho thủy sản sau đánh bắt.
Ông Lê Công Bình, Chi cục phó Chi cục Thủy sản Bình Định đánh giá chất lượng nước đá mà ngư dân Bình Định thường dùng để ướp cá có chất lượng kém hơn xa so với đá lạnh được sản xuất tại Khánh Hòa, Phú Yên. Từ nhiều năm nay, tình trạng đá lạnh ở Bình Định được sản xuất bằng nguồn nước bị nhiễm phèn xảy ra rất phổ biến. Đây là một trong những nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng đến chất lượng và vệ sinh an toàn thực phảm sản phẩm thủy sản.
“Ngành chức năng thường xuyên tuyên truyền, khuyến cáo ngư dân các tàu đánh bắt xa bờ nên sử dụng đá lạnh chất lượng tốt để ướp cá để thủy sản được bảo quản lâu hơn, đồng thời khuyến khích ứng dụng công nghệ sản xuất đá sệt, đá vảy ngay trên tàu để ướp cá”, ông Lê Công Bình. |