Sáng 13/9, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Hội Truyền thông số Việt Nam và Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức Hội thảo “Bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số”.
Chuyển đổi số đã, đang là xu thế tất yếu diễn ra mạnh mẽ trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội hiện nay. Đây là một xu thế tất yếu đòi hỏi các cơ quan báo chí phải thay đổi tư duy, đầu tư nguồn lực con người và công nghệ để thực hiện việc chuyển đổi số một cách linh hoạt và phù hợp thực tế.
Là lĩnh vực phản ứng nhạy bén với mọi biến động của đời sống kinh tế - xã hội, báo chí truyền thông cần đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Tuy vậy, ngành báo chí đang gặp những thách thức với chuyển đổi số, trong đó vấn nạn vi phạm bản quyền nội dung số ngày càng nghiêm trọng, phức tạp, phạm vi ngày càng rộng.
Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Trần Trọng Dũng cho hay: “Bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số trở thành vấn đề cấp bách với mọi nhà báo, mọi cơ quan báo chí. Khi bảo vệ được quyền tác giả là đảm bảo rằng các nhà báo, các tác giả được công nhận và được trả nhuận bút xứng đáng cho lao động nghiệp vụ báo chí của họ.
Bản quyền báo chí là nền tảng tiên quyết để bảo vệ nguồn tài chính của cơ quan báo chí cũng như thực thi hiệu quả các mô hình kinh doanh nội dung số, góp phần giải bài toán về kinh tế báo chí truyền thông ở các cơ quan báo chí hiện nay”.
Bà Phạm Thị Thanh Huyền, Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân nhận định: “Nhờ chuyển đổi số, nhiều tờ báo điện tử đã gặt hái những thành công bước đầu: thông tin nhanh, đồ sộ, ngày càng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại. Hội thảo là dịp để cùng thảo luận về thực trạng, cũng như các giải pháp để bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số hiệu quả”.
Do đó, Hội thảo tập trung vào 7 nội dung chính: vai trò của bảo vệ bản quyền báo chí; thực trạng vi phạm trên nền tảng số; các giải pháp công nghệ, pháp lý; nâng cao năng lực cho các tòa soạn và nhà báo; quá trình hoàn thiện hành lang pháp lý; định hình mối quan hệ giữa các nền tảng số đa quốc gia; đánh giá xu hướng bảo vệ bản quyền số.
PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng - Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo nhấn mạnh: “Giá trị cốt lõi của nhà báo và tòa soạn báo là tính chính trực, trung thực, tôn trọng khách quan, tôn trọng sự thật và quyền sở hữu trí tuệ. Việc nhà báo vi phạm bản quyền báo chí là vi phạm chuẩn mực đạo đức và các tiêu chuẩn về văn hoá truyền thông vì nó liên quan đến một loạt giá trị quan trọng trong nghề”.
Một số giải pháp được các chuyên gia, nhà quản lý quan tâm gồm tăng mức phạt xử lý vi phạm, thành lập mạng lưới, trung tâm bảo vệ bản quyền báo chí, cập nhật Luật Báo chí, phát triển các công cụ, công nghệ nhằm giảm thiểu, phát hiện kịp thời, ngăn chặn các trường hợp vi phạm.
Đặc biệt, trong thời đại công nghiệp 4.0 đang chuyển hóa mạnh mẽ ngành báo chí, khả năng của công nghệ cần được phát huy. Trung tâm bản quyền số đã và đang phối hợp cùng các đối tác nhằm phát triển các giải pháp công nghệ hỗ trợ cho lĩnh vực bảo vệ bản quyền số và phân phối nội dung.
Cũng tại Hội nghị, Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Truyền thông số Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác về bảo vệ bản quyền báo chí. Thỏa thuận này nhằm nâng cao năng lực, kiến thức thực thi pháp luật bản quyền, phổ biến đạo đức văn hóa cơ quan báo chí trong thực thi bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí.
Trong Luật Sở hữu trí tuệ, quyền tác giả là một trong các quyền cơ bản của người sáng tạo, của đơn vị sản xuất và cung cấp nội dung. Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký. Các giá trị về tính trung thực và liêm khiết trong việc thu thập, xử lý và truyền tải thông tin cũng được xã hội thừa nhận như một quy tắc, nền tảng cơ bản vững chắc trong hoạt động báo chí - truyền thông.