| Hotline: 0983.970.780

Thỉnh thoảng thấy cuộc đời này thi vị

Thứ Năm 04/08/2011 , 12:20 (GMT+7)

Về nghề báo, chắc không cần giới thiệu nhiều, ai cũng biết Huỳnh Dũng Nhân là một cây bút phóng sự trứ danh suốt thập niên 90 của thế kỷ trước.

Về nghề báo, chắc không cần giới thiệu nhiều, ai cũng biết Huỳnh Dũng Nhân là một cây bút phóng sự trứ danh suốt thập niên 90 của thế kỷ trước. Phương pháp Huỳnh Dũng Nhân ứng dụng văn chương vào báo chí, đã chứng tỏ được hiệu quả nhất định. Thế nhưng, Huỳnh Dũng Nhân vừa in một tập thơ “Dã quỳ tím” do NXB Trẻ ấn hành, khiến không ít người ngạc nhiên.

Huỳnh Dũng Nhân thừa hiểu có thể thơ mình sẽ gây… sốc cho độc giả, nên chân thành tự thú: “Có người khi đọc thơ tôi, bảo là thơ tôi hiền lành, đèm đẹp. Có người khi đọc thơ tôi, bảo: không biết tôi làm thơ tự lúc nào. Có người lại nói tôi làm báo, viết phóng sự, viết văn, đi dạy, thì ai cũng biết, nhưng làm thơ thì mới thấy, còn lạ lắm. Lại có người la ầm lên hoặc cười đầy bí hiểm: Ông mà cũng làm thơ à? Vì những lẽ đó mà tôi muốn in tập thơ này”.

“Dã quỳ tím” ngót nghét 100 trang, như một cuộc tổng kết nho nhỏ cho hành trình hơn 30 năm “thỉnh thoảng thấy cuộc đời này thi vị” của Huỳnh Dũng Nhân. Sự thi vị ấy bắt đầu từ ánh mắt quan sát cảnh vật “phố tôi nằm nghiêng/ và mặt trời đi qua không mệt” đến thái độ thảng thốt riêng tư “muôn lần đến vạn lần đi/ buồn như bóng nắng mỗi khi xế chiều/ bây giờ gần cạn tuổi yêu/ tôi thắp ký ức trong veo nhớ tình”.

Còn hành trình ấy cho thấy một gã đàn ông cũng hơi lãng mạn “viên gạch cũ mòn chân ngàn lữ khách/ lá cỏ nào từng in dấu em qua”, cũng hơi đa đoan “rồi mình xa hai đứa hai miền/ gửi lời thơ nhờ mặt trăng giữ hộ/ hoa lim bay cho lòng bớt nhớ”, cũng hơi dan díu “đêm chia tay trong vườn cây gió lặng/ sóng ở đâu cứ dào dạt trong lòng” và lắm phen cũng hơi lụy tình “chẳng ai gọi bỗng cứ ơi một tiếng/ ngoảnh lại buồn chẳng thấy em đâu/ chỉ thấy tách trà cô đơn khung cửa/ hương thơm bay quyện mây trắng ngang đầu”.

Thơ Huỳnh Dũng Nhân tuân thủ vần điệu truyền thống. Trái tim “người cũng đã heo may” có những nhịp đập khá tinh tế, và bật ra những câu thơ thi sĩ đích thực, như “đốt lên đống lửa phiêu diêu/ muôn tàn lửa cháy bấy nhiêu môi hồng” hoặc như “khăn phiêu mời một dải sông/ giao duyên Cò Mị rượu nồng giọt khuya”.

Tuy nhiên, thế mạnh của một nhà báo biết làm thơ và chịu làm thơ, không hẳn nằm hoàn toàn ở phút giây bất chợt trưa mây trắng hay khoảnh khắc lỡ làng chiều sương giăng. Trong một xã hội biến chuyển không ngừng, những người trực tiếp sống giữa dòng chảy thời cuộc như Huỳnh Dũng Nhân dễ dàng nghe được những dư chấn của tâm hồn con người. Và Huỳnh Dũng Nhân đã thực sự nhập hứng “có một kẻ đứng dang tay giữa phố/ mắt nhắm nghiền để nhớ những yêu thương/ những cay đắng và trò đời vụn vặt/ trời xanh nào thổi hết ưu phiền”.

Vì nhận ra “rất nhiều hoa đẹp ở những nơi cộc cằn”, Huỳnh Dũng Nhân có được những câu thơ lay động kẻ tri âm. Đó là trách nhiệm trước mất mát của bản thân để “Viết cho con” thành thật “một chữ ký chia ly là mẹ cha có lỗi/ khi buông tay con bơi giữa dòng đời/ quãng đường mới rồi có khi bớt lạ/ vẫn nhớ nhà thương con lắm con ơi”. Đó là trách nhiệm trước tổn thương của cộng đồng để thắp lên “Ngọn nến” trắc ẩn “Vĩnh Long, Cần Thơ/ mai này ai đi qua chiếc cầu này/ sẽ thấy cây cầu vắt ngang sông lừng lững/ có nhớ các anh chôn tuổi trẻ dưới dầm cầu nhịp 14,15/ tôi thắp lên ngọn nến… tôi thắp lên ngọn nến/ bất lực nhìn ngòi bút của mình/ không viết được gì/ khi máu chảy xuống dòng sông”.

Trong 50 bài thơ của “Dã quỳ tím”, bài thơ dài nhất cũng là bài thơ mang dấu vết Huỳnh Dũng Nhân rõ nhất có tên gọi “Gửi Hà Nội ngàn năm của tôi”. Bài thơ khoảng 1.200 chữ, nếu trải ra kiểu văn xuôi thì trở thành một tản văn trữ tình và sắc sảo về mảnh đất Thăng Long nhân dịp Đại lễ. Chất thơ và chất báo cùng hiện diện bằng nét chấm phá sinh động “tìm mãi Hà Nội mà chỉ thấy đèn hoa/ Cụ Rùa suy tư gì dưới đáy hồ chói lòa đèn giữa mùa mưa mà thiếu điện” và băn khoăn không dễ lý giải “nhà nhà vút cao bê tông lạnh lùng chữ tây tàu xa lạ/ cô gái phố cổ xinh như hoa nhưng lạnh ngắt nụ cười/ hay Hà Nội chỉ còn đẹp hoài niệm thôi” để rồi lắng lại thổn thức “tôi thật lòng không muốn chia sẻ với em một Hà Nội của tôi/ khi Phủ Tây Hồ giờ bán buôn cũng theo qui hoạch/ ông đồ chữ nho ngồi chìm sau những hàng bún ốc/ những tờ bạc vẫn phải trả cho sự ngơ ngẩn phố phường”.

Khi chứng kiến trên xứ sở mình vẫn còn nơi nọ nơi kia khốn khó và bất hạnh bủa vây, Huỳnh Dũng Nhân viết được một câu thơ thú vị “cánh rừng nhờ truyền thuyết khỏi vô danh”. Nhại theo cách nói ấy, để kết luận về “Dã quỳ tím” rằng: chữ nghĩa nhờ rung cảm đã thành thơ!

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

Nhận định U23 Việt Nam vs U23 Iraq: Vượt lên chính mình

Trận đấu giữa U23 Việt Nam vs U23 Iraq trong khuôn khổ vòng tứ kết giải U23 Châu Á 2024 sẽ diễn ra vào lúc 00h30 ngày 27/4/2024 trận sân vận động Al Janoub.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm