| Hotline: 0983.970.780

Thoát dịch tả lợn Châu Phi nhờ chăn nuôi an toàn sinh học

Thứ Sáu 10/11/2023 , 14:23 (GMT+7)

Trong năm 2023, đàn lợn khoảng 1 triệu con của tỉnh Bình Định không bị dịch tả lợn Châu Phi gây hại nhờ áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.

Chuồng nuôi lợn của anh Nguyễn Văn Bình ở xã Ân Đức (huyện Hoài Ân, Bình Định) khá tềnh toàng nên anh áp dụng các giải pháp an toàn sinh học để bảo vệ đàn lợn khỏi bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: V.Đ.T.

Chuồng nuôi lợn của anh Nguyễn Văn Bình ở xã Ân Đức (huyện Hoài Ân, Bình Định) khá tềnh toàng nên anh áp dụng các giải pháp an toàn sinh học để bảo vệ đàn lợn khỏi bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: V.Đ.T.

Phòng là chính

Theo ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định, trong năm 2023, trước bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi đang hoành hành tại nhiều địa phương mà đàn lợn gần 1 triệu con của tỉnh này thoát cảnh bị bệnh này gây hại, nhờ người chăn nuôi áp dụng các giải pháp an toàn sinh học.

Ông Diệp khẳng định, virus gây bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn tồn tại trong môi trường, nên bệnh này vẫn âm ỉ, chưa dứt điểm. Nhưng nếu người chăn nuôi áp dụng các biện pháp an toàn sinh học có thể ngăn chặn bệnh này hiệu quả.

“Dịch tả lợn châu Phi do virus gây ra nên bệnh này “thiên biến vạn hóa”, không biết đâu mà lần. Để phòng bệnh này, ngành thú y Bình Định hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường các biện pháp an toàn sinh học cho vật nuôi.

Ví như tiêm đầy đủ các loại vacxin phòng các bệnh dịch tả cổ điển, bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng. Bên cạnh đó, tăng cường chăm sóc đàn lợn nhằm nâng cao sức đề kháng để vật nuôi có đủ sức khỏe chống chọi với sự tiêm nhiễm của virus dịch tả lợn Châu Phi”, ông Huỳnh Ngọc Diệp chia sẻ.

Ngoài ra, cũng theo ông Diệp, biện pháp kiểm soát chặt chẽ việc người ngoài ra vào khu chăn nuôi và thường xuyên vệ sinh tiêu độc sát trùng chuồng trại cũng ngăn chặn được dịch tả lợn Châu Phi hiệu quả. Hoặc sau khi xuất bán lợn, hộ chăn nuôi cẩn thận chế xăng trên nền chuồng đốt, hay chế nước sôi khắp mặt nền chuồng để diệt virus cũng bảo toàn được vật nuôi trước dịch bệnh.

“Mình đâu có thấy con virus “mặt mũi” nó ra làm sao, không biết nó bám vào đâu. Ví như có ông khách đến nhà mình ăn giỗ dựng chiếc xe máy gần chuồng lợn, trong khi ông ấy vừa đến 1 trại lợn đã bị bệnh dịch tả lợn Châu Phi nên đã bị virus bám vào, thế là virus dịch tả lợn Châu Phi từ chiếc xe máy lây lan qua đàn lợn mình nuôi nhưng mình đâu có biết. Do đó, đối với bệnh dịch tả lợn Châu Phi, phòng là chính”, ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định khuyến cáo.

Chung quanh chuồng nuôi lợn của anh Nguyễn Văn Bình được che chắn lưới lan để ngăn chặn ruồi muỗi mang virus dịch tả lợn Châu Phi xâm nhập vào chuồng nuôi. Ảnh: V.Đ.T.

Chung quanh chuồng nuôi lợn của anh Nguyễn Văn Bình được che chắn lưới lan để ngăn chặn ruồi muỗi mang virus dịch tả lợn Châu Phi xâm nhập vào chuồng nuôi. Ảnh: V.Đ.T.

Cách phòng bệnh dân dã hiệu quả

Anh Nguyễn Văn Bình, người có thâm niên hơn 10 năm chăn nuôi lợn ở xã Ân Đức (huyện Hoài Ân, Bình Định), trong chuồng của anh Bình thường xuyên có mặt khoảng 100 con lợn thịt đủ lứa tuổi. Để lấy giống nuôi lợn thịt, anh Bình nuôi 6 con lợn nái sinh sản để chủ động nguồn giống.

Do gia đình chưa có điều kiện, nên chuồng trại nuôi heo của anh Bình khá tềnh toàng. Phía sau căn nhà ở, anh Bình xây dựng 2 bên 2 dãy chuồng nuôi có cấu trúc bình thường như những nông hộ chăn nuôi khác.

Ấy vậy, từ ngày anh khởi nghiệp nuôi lợn đến nay, đàn lợn của anh Bình chưa lần nào dính bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Có thời điểm, người chăn nuôi lợn trong làng dính bệnh toàn bộ, nhưng riêng chuồng lợn của anh “miễn nhiễm”.

Anh Nguyễn Văn Bình cho hay: “Do chuồng trại chăn nuôi của tôi không khép kín, nên tôi kỹ lưỡng trong việc ngăn chặn virus dịch tả lợn Châu Phi xâm nhập bằng cách thường xuyên tiêu độc sát trùng trong chuồng nuôi lẫn khu vực lân cận. Ngoài hạn chế người ngoài vào chuồng nuôi, chung quanh chuồng tôi giăng nhiều lớp lưới lan để ngăn chặn côn trùng bên ngoài mang virus xâm nhập vào.

Tiêu độc sát trùng chuồng trại, 1 trong những giải pháp phòng bệnh cho đàn lợn. Ảnh: V.Đ.T.

Tiêu độc sát trùng chuồng trại, 1 trong những giải pháp phòng bệnh cho đàn lợn. Ảnh: V.Đ.T.

Đặc biệt, thương lái đến mua lợn ngoài phải sát trùng thân thể còn phải thay dép, cả những chiếc giỏ đựng và xe chở lợn cũng được sát trùng kỹ càng. Khu vực cân lợn tôi bố trí cách xa chuồng nuôi, bán lợn xong tôi lập tức sát trùng khu vực mua bán, nấu nước sôi tạt khắp nền chuồng để diệt virus sau đó mới thả lứa lợn giống mới vào nuôi tiếp. Nhờ đó, nhiều năm liền lợn tôi nuôi không bị bệnh dịch tả lợn Châu Phi gây hại”.

Theo ông Nguyễn Văn Túc, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Hoài Ân, nơi thường xuyên duy trì đàn lợn không dưới 300.000 con, từ năm 2021 đến nay, đàn lợn ở đây đã thoát nỗi ám ảnh của dịch tả lợn Châu Phi nên người chăn nuôi yên tâm.

“Ý thức của người chăn nuôi ở địa phương đã được nâng cao, họ rất tuân thủ các giải pháp an toàn sinh học, thường xuyên tiêu độc sát trùng chuồng trại. Hiệu quả nhất là sau khi che chắn quanh chuồng bằng lưới, cách 1 tuần họ phun vôi bằng máy phun quanh chuồng và cả bên ngoài lưới 1 lần để bảo vệ đàn vật nuôi.

Nhờ mấy năm nay dịch bệnh trên địa bàn được khống chế, nên giờ dù giá heo thịt đang thấp, nhưng người chăn nuôi vẫn mạnh dạn tái đàn để bán vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới”, ông Nguyễn Văn Túc, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Hoài Ân cho hay.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Tre ‘ôm’ làng

Lũy tre làng không chỉ gắn liền với đời sống văn hóa của người dân Hà Tĩnh mà còn bảo vệ bà con vượt qua bao trận thiên tai, bão lũ.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất