| Hotline: 0983.970.780

Nguy cơ lây lan dịch tả lợn Châu Phi

Thứ Ba 07/11/2023 , 21:31 (GMT+7)

KHÁNH HÒA Cơ quan thú y nhận định, dịch tả lợn Châu Phi có chiều hướng phát sinh, lây lan nhanh tại xã Suối Tân, nguy cơ lan rộng sang các địa phương liền kề.

Toàn bộ lợn mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi của người chăn nuôi thôn Dầu Sơn, xã Suối Tân, huyện Cam Lâm đã được tiêu hủy đúng quy định. Ảnh: KS.

Toàn bộ lợn mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi của người chăn nuôi thôn Dầu Sơn, xã Suối Tân, huyện Cam Lâm đã được tiêu hủy đúng quy định. Ảnh: KS.

Thêm 7 hộ có lợn chết mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi

Từ ngày 30/10 đến 5/11, UBND xã Suối Tân, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) giám sát, tiếp nhận thông tin, phát hiện thêm 7 hộ ở thôn Dầu Sơn có lợn chết và mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Chính quyền xã đã phối hợp cơ quan chức năng tiến hành tổ chức tiêu hủy toàn bộ 365 con lợn (13 nái, 322 thịt, 34 lợn con theo mẹ) mắc bệnh với khối lượng 19,5 tấn.

Như vậy, từ ngày 20/10 đến 5/11, đã có 12 hộ nuôi ở thôn Dầu Sơn có lợn chết, bệnh buộc tiêu hủy lên đến 471 con gồm 17 lợn nái, 420 lợn thịt, 34 lợn con theo mẹ với khối lượng hơn 25 tấn.

Ông Nguyễn Ngọc Trung, Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y Cam Lâm cho biết, việc xử lý, tiêu hủy toàn bộ số lợn bệnh, chết theo đúng quy định. Bên cạnh đó, Trạm đã phối hợp với UBND xã tiến hành vệ sinh, khử trùng toàn bộ khu vực nuôi và địa điểm tiêu hủy. Cắm biển báo thông báo dịch bệnh cấm, hạn chế, cách ly người ra vào khu vực nuôi xảy ra dịch bệnh, khu vực xử lý tiêu hủy.

Sở NN-PTNT Khánh Hòa đã cấp cho UBND huyện Cam Lâm 150 lít hóa chất Gludekol từ nguồn dự trữ chống dịch của tỉnh để tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn toàn huyện.

Theo ông Nguyễn Ngọc Trung, hiện Trạm đã bàn giao 150 lít hóa chất sát trùng theo đề xuất, kiến nghị của xã Suối Tân. Hướng dẫn địa phương hàng ngày tập trung phun xịt chủ yếu những vùng xảy ra dịch bệnh và khu vực xung quanh có hoạt động chăn nuôi nhằm hạn chế tối đa mầm bệnh phát tán, lây lan ra diện rộng. Hoàn thiện đầy đủ hồ sơ của các hộ nuôi có lợn tiêu hủy gửi về UBND huyện (thông qua Phòng NN-PTNT) thẩm định hỗ trợ kinh phí theo quy định để bà con có điều kiện khôi phục chăn nuôi.

Đến 5/11 đã có 12 hộ nuôi ở thôn Dầu Sơn, xã Suối Tân có lợn chết, buộc tiêu hủy. Ảnh: KS.

Đến 5/11 đã có 12 hộ nuôi ở thôn Dầu Sơn, xã Suối Tân có lợn chết, buộc tiêu hủy. Ảnh: KS.

Nguy cơ lây lan

Mới đây, đoàn công tác Sở NN-PTNT Khánh Hòa tiến hành kiểm tra thực tế lần 2 tại các ổ dịch và công tác phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi tại xã Suối Tân, đồng thời điều tra thu thập ý kiến của người chăn nuôi, nhân viên thú y xã và diễn biến tình hình dịch tễ tại thực địa.

Theo đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh và đại diện Chi cục Thú y vùng IV thống nhất nhận định dịch tả lợn châu Phi có chiều hướng phát sinh, lây lan nhanh tại xã Suối Tân và có nguy cơ lây lan sang các địa phương liền kề thuộc khu vực bị uy hiếp.

Trước tình hình trên, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa đề nghị UBND huyện Cam Lâm chỉ đạo UBND xã Suối Tân tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Đồng thời, nhanh chóng tổ chức phun thuốc tiêu độc, khử trùng tại hộ chăn nuôi có lợn bị bệnh và các hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn xã theo quy định.

Ký cam kết với người chăn nuôi, buôn bán, giết mổ lợn thực hiện 5 không: “Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt” theo đúng quy định của Luật Thú y.

Tiêu hủy lợn bị mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: KS.

Tiêu hủy lợn bị mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: KS.

Chỉ đạo UBND các xã, phường đặc biệt là các xã tiếp giáp với xã Suối Tân thống kê lại tổng đàn lợn, xây dựng kế hoạch chống dịch, chuẩn bị sẵn sàng địa điểm, nhân lực và vật tư chống dịch và triển khai tiêu hủy nhanh chóng khi có dịch xảy ra.

Triển khai giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh đến các hộ, cơ sở chăn nuôi, khi phát hiện gia súc, bệnh, chết nghi mắc bệnh truyền nhiễm phải báo ngay chính quyền địa phương và cơ quan thú y để xử lý dịch bệnh kịp thời tránh lây lan.

Ngày 3/11, ông Ngô Văn Bảo, Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm chủ trì cuộc họp chỉ đạo trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Theo đó, ông chỉ đạo UBND xã Suối Tân triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Cụ thể, thực hiện việc tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc tại các hộ đang chăn nuôi lợn trên địa bàn xã. Treo bảng hiệu thông báo các điểm xuất hiện bệnh dịch tả châu Phi để người dân được biết.

Tổ chức ký cam kết đối với các hộ dân đang nuôi lợn trên địa bàn xã trong việc chủ động thông báo, không bán lợn nghi mắc bệnh ra ngoài địa bàn. Phối hợp các cơ quan thú y thường xuyên kiểm tra hoạt động giết mổ trên địa bàn xã.

Tập trung các nguồn lực để tổ chức xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới. Đối với UBND các xã, thị trấn phải thông tin tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau để người chăn nuôi, thương lái và cộng đồng được biết và thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh…

Đồng thời đề nghị công an huyện, Đội Quản lý Thị trường số 5 thực hiện công tác kiểm tra, giám sát hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm, buôn bán, vận chuyển gia súc và gia cầm không rõ nguồn gốc; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Ông Nguyễn Ngọc Trung cho biết, đến nay dịch tả lợn Châu Phi chỉ mới phát sinh tại thôn Dầu Sơn, xã Suối Tân. Lợn bị bệnh đã được tiêu hủy toàn bộ theo đúng quy định. Đối với các địa phương khác trong huyện Cam Lâm, đàn lợn vẫn sinh trưởng và phát triển tốt.

Ông khuyến cáo bà con chăn nuôi không mua bán trao đổi lợn ở vùng có dịch; sản phẩm lợn ở vùng không có dịch thì sử dụng bình thường, đồng thời khẳng định bệnh tả lợn châu Phi không lây và gây bệnh cho người.

Xem thêm
Thành lập hợp tác xã để nâng tầm giá trị cầy vòi hương

QUẢNG NAM Từ một hộ ban đầu, đến nay, mô hình nuôi cầy hương đã lan rộng ra toàn xã với hàng trăm hộ nhờ giá trị kinh tế cao mà loài vật này mang lại.

Trồng thành công giống sâm quý trên núi Kim Nọi

YÊN BÁI Mô hình trồng sâm Ngọc Linh và một số cây dược liệu ở Mù Cang Chải thành công bước đầu đang mở ra hi vọng tạo sinh kế mới cho người dân vùng cao.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.