| Hotline: 0983.970.780

Thoát nghèo từ trồng chuối

Thứ Ba 22/03/2016 , 14:35 (GMT+7)

Vài năm trở lại đây, cây chuối đã trở thành nguồn kinh tế chủ lực của nông dân xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang.

Cây trồng này không chỉ giúp nhiều hộ thoát nghèo bền vững mà còn cho thu nhập ổn định, lợi nhuận cao gấp 2 đến 3 lần cây lúa.

Với vườn chuối hơn 2 ha, gia đình ông Nguyễn Văn Khanh, ấp Kênh Năm, xã An Minh Bắc thoát nghèo vươn lên và có cuộc sống ổn định, có điều kiện lo cho các con ăn học.

Theo ông, từ khi chuyển sang trồng chuối, không chỉ cho thu nhập cao gấp 2 lần cây lúa mà cây trồng này giúp ông có nguồn thu nhập triệt để trên cùng diện tích, trên bờ là cây chuối dưới mương thả nuôi cá. Với cách làm này mỗi năm ông thu hoạch ròng trên 150 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Khanh cho biết: “Trồng lúa bây giờ năng suất không bằng trồng chuối, trồng chuối có thu nhập quanh năm, trên bờ là chuối dưới nước là cá. Cây chuối mỗi tháng cho thu hoạch 2 đến 3 lần, một năm thu hoạch hơn 100 triệu”.

Gia đình ông Lê Quang Oai, ấp Kênh Năm, xã An Minh Bắc đã mạnh dạn chuyển sang 2 ha đất lúa và tận dụng đất bờ bao trồng chuối. Cứ mỗi tháng 3 đợt ông thu hoạch gần 2.000 nải, với giá bán thị trường dao động từ 3.000 đến 4.000 đồng/nải tại vườn cộng với bắp chuối bình quân thu lợi nhuận hơn 6 triệu đồng/tháng.

Như vậy mỗi năm ông Oai thu nhập trên 65 triệu đồng từ cây chuối, cộng với lợi nhuận từ cây lúa và chăn nuôi, gia đình thu nhập ròng hơn 150 triệu đồng.

Ông Lê Quang Oai cho biết: “Cây chuối cho hiệu quả cao hơn cây lúa, ít rủi ro hơn, trồng nhẹ chi phí, nhẹ công chăm sóc, không dùng thuốc trừ sâu, phân thì cũng ít nên hiệu quả kinh tế cao, giá cả ổn định. Bây giờ thương lái vô mua bao nhiêu mua cũng hết, không đủ bán. Nắng hạn thì trái chuối hơi nhỏ lại nên khoảng 1 tháng tưới 1 - 2 lần, đến mùa mưa chuối tốt um. Tui mong muốn các ngành chức năng bao tiêu sản phẩm chuối và có giải pháp ngăn nước mặn xâm nhập vườn chuối".

Để cây chuối phát triển bền vững và ổn định về giá, ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang và chính quyền địa phương cần quy hoạch lại diện tích sản xuất chuối, làm sao vừa giữ được diện tích trồng vừa tránh điệp khúc “được mùa mất giá”, “cung vượt cầu”...

Theo nhiều nông dân, những bờ xáng cao ráo rất phù hợp để cây chuối phát triển. Chuối rất dễ trồng và nhanh cho thu hoạch. Khoảng 8 tháng sau khi trồng thì cây chuối bắt đầu trổ buồng và vài tháng sau đó thì đã thu hoạch lứa đầu tiên. Vốn đầu tư cho trồng chuối ít, chủ yếu là tiền thuê mướn đắp bờ. Giống chuối đã có sẵn ở địa phương.

Với đặc thù cây chuối chịu hạn tốt và trong điều kiện nắng hạn, xâm nhập mặn hiện nay ở vùng đệm U Minh Thượng thì chuối đã trở thành cây trồng phù hợp nhất với nguồn thu nhập ổn định.

Ông Danh Nhạc, Trưởng ấp Kênh Năm, đại biểu HĐND xã An Minh Bắc đánh giá về hiệu quả của cây chuối như sau: “Nhìn chung trồng chuối khâu chăm sóc rất thuận tiện và chi phí cũng nhẹ hơn, chỉ trồng năm đầu, qua năm thứ 2 về sau cho thu hoạch 7, 8 năm, 10 năm chuối mới sùng. Từ năm thứ nhất trở lên chuối đạt chất lượng cao lắm. Bình quân mỗi một năm nông dân đốn từ 2 đến 3 lần. Bình quân 1 ha thu hoạch từ 5 đến 7 triệu đồng/hộ, còn bắp chuối thu nhập riêng nữa.

Những người trồng chuối cho biết, hiện tại chuối rất dễ bán. Cứ tới chu kỳ đốn chuối thì thương lái đưa phương tiện đến nơi để thu mua. Hiện nay chỉ tính riêng ấp Kênh Năm có đến 140 ha chuối và toàn vùng đệm U Minh Thượng diện tích chuối đã tăng lên hơn 1.000 ha.

Xem thêm
Mừng, lo vụ hoa tết

TP.HCM Trải qua vụ hoa khó khăn do thời tiết bất thuận, đến ngày xuất bán, nông dân các làng hoa ở TP.HCM lại thấp thỏm vì khách đến mua hàng nhưng thiếu xe vận chuyển.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Agribank Tây Nam bộ tặng quà Tết cho các hoàn cảnh khó khăn

ĐBSCL Các chi nhánh Agribank khu vực Tây Nam bộ đang tích cực trao những phần quà Tết thiết thực, ý nghĩa đến tận tay các hoàn cảnh khó khăn trước thềm năm mới.

Bình luận mới nhất