Ảnh minh họa |
Dị ứng là phản ứng của cơ thể chống lại những kháng nguyên lạ (dị nguyên) gây dị ứng. Khi kháng nguyên lạ tấn công lần đầu tiên, cơ thể sẽ tạo ra kháng thể để trung hòa kháng nguyên.
Những lần sau, khi kháng nguyên lạ này xâm nhập cơ thể, sẽ xảy ra phản ứng kịch liệt giữa kháng nguyên và kháng thể của cơ thể, từ đó xuất hiện các triệu chứng lâm sàng của viêm mũi dị ứng. Dị ứng là một bệnh toàn thân và viêm mũi dị ứng chỉ là biểu hiện tại chỗ của bệnh toàn thân.
Nguyên nhân gì? Viêm mũi dị ứng là bênh khá phổ biến hiện nay đặc biệt là sự biến đổi khí hậu cũng như tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, trong khi đó, viêm mũi dị ứng có liên quan mật thiết với hiện tượng dị ứng, nhất là ở người có cơ địa dị ứng. Một số dị nguyên có khả năng gây nên viêm mũi dị ứng có trong môi trường như bụi, phấn hoa, hóa chất, bông, vải, sợi, lông (chó, mèo), ký sinh trùng (bào tử nấm mốc, bọ chét, mò, mạt… có trong đệm, búp bê lông thú…), khói (khói thuốc, khói bếp, khói nhà máy). Và một số thực phẩm (tôm, cua, ốc...), hoặc một số dược phẩm (aspirin, kháng sinh). Viêm mũi dị ứng có thể do thời tiết (lạnh, nóng đột ngột, ẩm ướt).
Hiện tượng phản ứng dị ứng này xảy ra ngay ở lớp nhầy niêm mạc của hệ thống đường hô hấp trên như: mũi, họng… gây nên hiện tượng viêm và kích thích niêm mạc mũi, được biểu hiện là ngứa, hắt hơi, chảy nước mũi. Hắt hơi là một phản xạ nhanh, nhạy của cơ thể nhằm tống vật lạ ra khỏi vùng niêm mạc mà các dị nguyên vừa mới xâm nhập. Mặt khác, cơ địa dị ứng có liên quan mật thiết với bệnh viêm mũi dị ứng, bởi vì, người bị viêm mũi dị ứng mà có cơ điạ dị ứng (viêm da dị ứng, mề đay mạn tính, exzema, tổ đĩa, hen suyễn…), có tỉ lệ cao hơn người bị viêm mũi dị ứng mà không có cơ địa dị ứng.
Chính vì lẽ đó mà cùng một tác nhân gây kích thích nhưng có người bị bệnh viêm mũi dị ứng nhưng có người không bị. Ví dụ, trong gia đình có nuôi chó, mèo, không phải mọi người đều bị viêm mũi dị ứng vì lông của chúng, chỉ có một ít số người nào đó có cơ địa dị ứng bị bệnh mà thôi. Các tác nhân gây kích thích gây viêm mũi dị ứng cũng có thể theo đường hô hấp nhưng cũng có thể vào cơ thể theo đường khác như như qua da hoặc theo đường ăn uống.
Nghẹt mũi thường xuyên là do viêm mũi dị ứng mạn tính gây ra, bên cạnh đó là ù tai, nhức đầu kèm theo (những triệu chứng này rất dễ nhầm với viêm xoang). Một số trường hợp viêm mũi dị ứng mạn tính kéo dài có thể gây nên loạn khứu giác (không ngửi thấy mùi) hoặc ngủ ngáy do nghẹt mũi. Viêm mũi dị ứng nếu không được điều trị dứt điểm có thể dẫn đến viêm xoang dị ứng, polyp mũi, polyp xoang. Do nghẹt mũi cho nên người bệnh phải thở bằng miệng dẫn đến viêm họng, viêm phế quản, dị ứng phế quản và rất có thể dẫn đến bệnh hen phế quản (hen suyễn). Viêm mũi dị ứng luôn làm cho người bệnh mệt mỏi, giảm trí nhớ, lo lắng nhiều đôi khi dẫn đến trầm cảm.
Không nên lạm dụng một số thuốc nhỏ mũi, xịt mũi vì có thể bị lệ thuộc thuốc, gây nhờn thuốc, nhỏ thuốc đúng liều để tránh những tác dụng phụ đi kèm. Ngoài ra, những người đã bị viêm xoang mãn tính nên nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý và đi khám sớm khi có những nghi nghờ biểu hiện của viêm mũi, viêm xoang, viêm đường hô hấp.
Khi bị viêm xoang, viêm mũi bạn cũng thể xông mũi bằng nước ấm, nước muối hoặc nước có pha một chút tinh dầu như bạc hà… giúp thông mũi.
Dùng nước muối sinh lý thường xuyên để rửa mũi. Lợi điểm: làm sạch niêm mạc mũi (tránh tiếp xúc lâu giữa niêm mạc mũi và kháng nguyên, bụi, hóa chất, vi trùng), giúp thông thoáng mũi, tạo điều kiện tốt cho thuốc xịt mũi tác dụng trên niêm mạc.
Vào mùa lạnh bạn cần phải giữ ấm cơ thể đặc biệt là khu vực vùng cổ, ngực và mũi, không nên tắm nước lạnh. Đối với những ai phải làm việc quá khuya, dậy quá sớm cần lưu ý vì thời điểm này dễ bị cảm và dễ chuyển thành viêm mũi xoang. Tránh hít phải luồng không khí lạnh, khô một cách đột ngột, hoặc để mũi tiếp xúc trực tiếp với luồng gió máy lạnh, điều hòa đều có thể làm tổn thương, làm khô niêm mạc mũi xoang. Thực hiện một vài động tác giúp làm ấm vùng mũi vào buổi sáng: dùng hai bàn tay chụp lại hai bên vùng cánh mũi và miệng, tay xoa xoa tập thở ra hít vào, thực hiện như vậy chừng vài phút.
+ Đối phó viêm mũi dị ứng, cần tránh các yếu tố nguy cơ: Không nuôi thú trong nhà. Nếu có nuôi, cần tắm thú nuôi 2 lần/ tuần. Sử dụng hệ thống lọc khí tốt, vệ sinh máy điều hòa thường xuyên Phủ nệm, gối dùng loại không thấm nước; nếu không thì phải giặt mỗi 2 tuần/ lần với nhiệt độ khoảng 500C sẽ giết được mạt bụi nhà. Tăng cường vệ sinh nhà cửa, xe cộ trong mùa phấn hoa để hạn chế tiếp xúc. Loại bỏ phấn hoa trên da, tóc khi về nhà. + Cải thiện môi trường và lối sống để giảm viêm mũi dị ứng: Tránh các yếu tố ô nhiễm môi trường: khói bụi công nghiệp, hóa chất Cẩn thận khi thay đổi thời tiết, điều tiết độ ẩm, ấm, đề phòng viêm đường hô hấp. Chú ý giữ vệ sinh mũi, thường xuyên dùng nước ấm hoặc nước muối sinh lý để rửa mũi. Không dùng tay ngoáy mũi để tránh tổn thương niêm mạc mũi. Ăn uống tránh đồ sống, lạnh, tanh, tránh uống rượu, tránh khói thuốc lá. Tránh stress, các chất kích thích và giảm sử dụng thuốc aspirin. Kiên trì rèn luyện thân thể để nâng cao sức đề kháng cơ thể, giảm béo phì. Điều trị triệt để các ổ nhiễm trùng ở mũi xoang và vùng răng miệng. |