| Hotline: 0983.970.780

Thông đỏ - cây lâm nghiệp quan trọng nhất của Hàn Quốc

Thứ Hai 01/01/2024 , 07:00 (GMT+7)

Thông đỏ là cây lấy gỗ chính ở Hàn Quốc từ hàng nghìn năm nay, được coi là cây quốc gia của Hàn Quốc, trong tiếng Hàn có tên sonamu, có nghĩa là 'cây tối cao'.

Cây quốc bảo ở Viện Lâm nghiệp Hàn Quốc

Năm 2023, chúng tôi có chuyến công tác đến Hàn Quốc do Dự án “Bảo vệ khí hậu thông qua phát triển thị trường năng lượng sinh học bền vững ở Việt Nam” (Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ và Bộ Công thương thực hiện) tổ chức, đến điền dã và trao đổi thông tin với các cơ quan quản lý, viện nghiên cứu, trường đại học tại Hàn Quốc về vấn đề năng lượng sinh khối. Một trong những điểm đến làm việc là Viện Khoa học Lâm nghiệp quốc gia Hàn Quốc.

Những cây thông đỏ ở Viện Khoa học Lâm nghiệp quốc gia Hàn Quốc.

Những cây thông đỏ ở Viện Khoa học Lâm nghiệp quốc gia Hàn Quốc.

Giáo sư Lee Soo Min, Viện Khoa học Lâm nghiệp quốc gia Hàn Quốc cho biết, địa hình của Hàn Quốc chủ yếu là đồi núi với 64% đất đai là rừng. Trong nửa đầu thế kỷ 20, nạn phá rừng nghiêm trọng đã xảy ra trên khắp Hàn Quốc, đến giữa thế kỷ 20 rừng lại bị chiến tranh tàn phá. Từ năm 1970 đến nay, hoạt động phục hồi rừng đã được thúc đẩy để phủ xanh đất nước. Rừng ở Hàn Quốc được chia làm nhiều loại: Rừng lạnh thích ứng với nhiệt độ dưới 5°C - chủ yếu là cây thông đỏ; Rừng ôn đới mát gồm những cây phù hợp nhiệt độ 6 - 13°C, trong đó cây thông đỏ chiếm tỷ trọng lớn; Rừng ôn đới ấm chủ yếu các loài cây thích ứng với nhiệt độ trung bình từ 14°C trở lên.

“Viện chúng tôi đang nỗ lực tạo ra các giá trị rừng dựa trên lịch sử 100 năm nghiên cứu khoa học lâm nghiệp. Vì tương lai bền vững, chúng tôi sẽ tăng cường sử dụng tài nguyên rừng và gỗ để nâng cao vai trò của ngành lâm nghiệp trong việc hiện thực hóa "Không phát thải vào năm 2050", giáo sư Lee Soo Min chia sẻ.

Trong khuôn viên của Viện Khoa học Lâm nghiệp quốc gia Hàn Quốc có rất nhiều tòa nhà, nhưng ấn tượng nhất là tòa nhà bảo tàng rừng được làm bằng gỗ thông đỏ tọa lạc giữa Vườn ươm Hongneung. Tòa nhà này là một cấu trúc bằng gỗ thông đỏ 3 tầng với tổng diện tích 2.465m2, được thiết kế để trở thành một triển lãm khổng lồ bằng cách kết hợp các đặc điểm lịch sử độc đáo của Hàn Quốc và phong cách kiến ​​trúc bằng gỗ hiện đại. Tại đây có nhiều phòng triển lãm: Triển lãm Rừng và Con người; Triển lãm Rừng và Công nghiệp; Triển lãm Gỗ và Cuộc sống...

Tại Hàn Quốc, cây thông đỏ tượng trưng cho cuộc sống lâu dài ở vùng đất của những người bất tử, và những người ẩn dật đã rút lui khỏi xã hội và trở về với thiên nhiên.

Tham quan các khu vườn rừng của Viện Khoa học Lâm nghiệp quốc gia Hàn Quốc, chúng tôi được đi dạo trong rừng cây thông đỏ. Đặc biệt, trên bãi cỏ rộng giữa các tòa nhà của Viện, có một cây thông đỏ cổ thụ vô cùng to lớn và rất đẹp. Gốc thông to sụ, cây tỏa tròn ra 4 phía như một cái tán, nhiều cành uốn lượn xà xuống gần sát đất. Được biết cây thông đỏ này gần 400 năm tuổi, được Chính phủ Hàn Quốc xếp vào “quốc bảo”.

Giáo sư Lee Soo Min cho hay, thông đỏ và sâm được coi là hai loài cây quốc gia của Hàn Quốc. Tên tiếng Hàn của thông đỏ là sonamu, có nghĩa là “cây tối cao”. Thậm chí loài cây này còn được đề cập trong quốc ca Hàn Quốc với những câu từ: “Như cây thông trên đỉnh Namsan đứng vững, không thay đổi qua gió và sương giá, như thể được bọc trong áo giáp, tinh thần kiên cường của chúng ta cũng vậy”.

“Thông đỏ là cây lâm nghiệp quan trọng nhất của Hàn Quốc”, giáo sư Lee Soo Min khẳng định. Thông đỏ không chỉ được trồng thành những khu rừng lớn ở trên khắp đất nước Hàn Quốc, mà ngày nay, nhiều cây thông đỏ được trồng ở lối vào các tòa nhà cao tầng ở Seoul, đặc biệt có cả một khu rừng thông đỏ ở lối vào tòa nhà Quốc hội của Hàn Quốc.

Thông đỏ trong tâm linh và văn hóa Hàn Quốc

Cây thông đỏ Hàn Quốc nổi tiếng với tư thế thẳng thắn, tượng trưng cho lòng ngay thẳng của con người. Người Hàn Quốc vẫn coi dáng đứng của cây thông đỏ thể hiện cho sự kiên cường của con người trước phong ba, trước tuyết sương giá lạnh. Đặc biệt, với thân thẳng đứng, cây thông đỏ luôn được các thợ thủ công đánh giá cao vì dùng được làm cột, xà trong xây dựng cung điện, xây dựng nhà cửa.

Thế nhưng, những cây thông đỏ có dáng liêu xiêu, xoắn vặn, thậm chí quăn queo méo mó lại vẫn được nhiều người làm vườn yêu thích. Những cây thông dáng xiêu thường trồng để làm cảnh bởi hình dáng lạ của chúng, đặc biệt được trồng trong các vườn thiền, tượng trưng cho sự uyển chuyển, nhẫn nại trước sự khó khăn của hoàn cảnh. Theo giáo sư Lee Soo Min, những yếu tố như địa hình và địa lý tác động, đã sản sinh ra những dòng thông đỏ dạng xoắn vặn. Đó là trên những núi cao, gió lớn và nhiều tuyết về mùa đông, đất để cây cắm rễ cũng không bằng phẳng, đã khiến những cây thông đỏ phải thay đổi dáng thân để thích nghi.

Theo truyền thống văn hóa tín ngưỡng của Hàn Quốc, thông đỏ là một trong mười biểu tượng của sự trường thọ, bao gồm mặt trời, núi, nước, mây, đá, thông đỏ, nấm trường sinh, sếu trắng, hươu và rùa. Cây thông đỏ xuất hiện ở khắp nơi trong tâm thức, nghệ thuật thị giác và văn học Hàn Quốc.

Trong mỗi ngôi đền hay chùa tại Hàn Quốc, thường trồng cây thông đỏ thành rừng cảnh quan xung quanh. Những lối đi mang tính nghi lễ trong mỗi ngôi chùa thường được bao quanh bởi những cánh rừng thông đỏ. Mỗi ngôi chùa Phật giáo đều có một ngôi đền nhỏ (Gak) ở phía sau, thờ “thần núi”, được cho là sự tồn tại từ niềm tin vật linh trước đó có từ trước sự xuất hiện của các tôn giáo chính thức hơn như Phật giáo và Nho giáo ở Hàn Quốc. Những ngôi đền này thường nằm ở phía trước những cây thông đỏ và thường có một mẫu vật thông đỏ lâu đời ở cửa đền thờ.

Chùa Haedong Yonggungsa giữa rừng thông đỏ.

Chùa Haedong Yonggungsa giữa rừng thông đỏ.

Cây thông đỏ được vinh danh cao nhất Hàn Quốc là cây thông đỏ Jeongipum mọc ven đường dẫn đến ngôi chùa Beopjusa ở tỉnh Chungbuk, với tuổi khoảng 600 năm. Tương truyền vào năm 1464, vị vua Sejo ốm yếu đã được đưa về chùa Beopjusa trong một chiếc xe kiệu để tìm cách chữa trị. Nhưng trên đường về chùa, xe kiệu bị vướng bởi cành cây thông đỏ chìa ngang đường. Quân lính hộ vệ tìm cách đẩy cành cây lên để kiệu vua đi qua, nhưng không thể nào làm được. Vua Sejo bèn mắng cây thông đỏ, cây lập tức nhấc cành lên và cho đoàn hoàng gia đi qua. Vua Sejo rất ấn tượng trước hành động cung kính này, nên vua đã ban cho cây một chức quan hành chính cấp địa phương. Ngày nay cây thông đỏ này vẫn đứng trên đường vào chùa Beopjusa trong dáng cổ kính và đơn độc, cây cao và có hình dáng đẹp.

Cố cung Cảnh Phúc - những tòa kiến trúc từ gỗ thông đỏ

Thông đỏ đã được coi là cây lấy gỗ chính ở Hàn Quốc từ hàng nghìn năm nay. Trong suốt triều đại cuối cùng của Hàn Quốc, Joseon, tồn tại trong 518 năm cho đến năm 1910, triều đình có bộ phận lâm nghiệp riêng chịu trách nhiệm quản lý bền vững rừng của hoàng gia, để luôn có đủ nguồn cung cấp gỗ tốt cho việc xây dựng và tái thiết các tòa nhà hoàng gia. Ngoài ra, các quốc vương còn ra sắc lệnh rằng việc trồng thông đỏ nên được duy trì tại các căn cứ quân sự dọc theo bờ biển Hàn Quốc, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đóng và sửa chữa các tàu hải quân có vai trò thiết yếu là bảo vệ vương quốc chống lại cướp biển Nhật Bản và các cuộc xâm lược quy mô toàn diện.

Cung điện Cảnh Phúc.

Cung điện Cảnh Phúc.

Thông đỏ Hàn Quốc được trồng thành những cụm rừng nhỏ trong Vườn hoàng gia Hàn Quốc, bao gồm mộ và các khu vườn cung điện ở cả Seoul và Kyungju. Trong Cung điện Cảnh Phúc ở Seoul, những cây thông đỏ mọc đầy khắp Khu vườn bí mật. Rừng thông đỏ cũng bao quanh khu phức hợp Cung điện Changdeokgung.

Gỗ thông đỏ là vật liệu xây dựng và tái thiết cốt lõi cho tất cả các cung điện và công trình vườn từ thời triều đại Joseon, cho đến các thời đại sau này, vẫn sử dụng gỗ thông đỏ để tái thiết Cung điện Cảnh Phúc ở Seoul. Cung điện Cảnh Phúc (Gyeongbokgung), còn gọi là Cố cung, được xem là cung điện lớn nhất trong số 5 cung điện nguy nga của triều đại Triều Tiên với lối kiến trúc độc đáo, mang đậm dấu ấn truyền thống của thời xưa. Cung điện Gyeongbokgung là công trình được xây dựng lần đầu tiên năm 1395 với tên gọi Gyeongbok có nghĩa là một lời cầu phúc dành cho nhà vua, con cháu và toàn thể bách tính. Một tên gọi khác của cung điện này cũng rất ý nghĩa, đó chính là Cảnh Phúc cung. Được biết để xây dựng Cung điện Gyeongbokgung ở Seoul, người ta đã phải đốn hạ hàng nghìn cây thông đỏ ở những khu rừng xa xôi dưới chân núi Seorak ở tỉnh Gangwon-do.

Gyeongbokgung tọa lạc tại trung tâm của Seoul, toàn bộ mặt bằng diện tích của Cung điện lên tới 400.000m2 và được bao quanh bởi 2 ngọn núi là Namsan và Bugaksan. Cung điện này chính là hiện thân của sự thống trị, uy nghiêm của triều đại Joseon và là biểu tượng lịch sử, văn hóa của đất nước Hàn Quốc.

Gyeongbokgung đã trải qua rất nhiều biến động của lịch sử và nhiều lần bị tàn phá bởi các cuộc chiến tranh. Từ 1990 cung điện này đã được sửa chữa và phục hồi để giữ gìn nét đẹp truyền thống. Cảnh Phúc cung được chia ra thành nhiều khu gồm nơi hoạt động triều chính, nơi sinh hoạt và nghỉ ngơi. Các khu vực chính của cung điện gồm: Điện Cần Chính, Quảng Hòa Môn, Khang Ninh Điện, Khánh Hội Lâu, Giao Thái Điện. Trong đó, Điện Cần Chính và Quảng Hòa Môn là trục chính của công trình và các khu vực còn lại được xây đối xứng. Điện Cần Chính có diện tích lớn nhất và cao nhất trong các khu vực tại Cung điện Cảnh Phúc, là nơi đặt ngai vàng của vua và diễn ra việc thiết triều, cùng các hoạt động triều chính, đón tiếp các sứ thần các nước. Tại sảnh nơi vua ngồi thiết triều có một bức bình phong lộng lẫy phía sau ngai vàng được trang trí bằng một số biểu tượng của hoàng gia, nổi bật trong số đó phải kể đến thông đỏ Hàn Quốc.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.